Giới thiệu sách
Con Người Và Biểu Tượng (Bìa Cứng)
"Con Người Và Biểu Tượng" là tác phẩm đầu tiên và duy nhất trong đó Carl Gustav Jung giải thích cho độc giả phổ thông đóng góp lớn nhất của ông cho hiểu biết về tâm trí con người: lý thuyết về tầm quan trọng của ý nghĩa biểu tượng – đặc biệt khi chúng được hé lộ trong những giấc mơ.
Nếu không vì một giấc mơ, cuốn sách này hẳn không bao giờ được viết ra. Giấc mơ đó thuyết phục Jung rằng ông có thể, và thực ra nên, lý giải tư tưởng của ông cho những người không chuyên về tâm lý học. Jung đã vạch ra một kế hoạch chu toàn cho cuốn sách, bao gồm những phần mà ông mong bốn cộng sự thân tín nhất của ông viết. Ông đã dành những tháng cuối cùng của cuộc đời để biên tập tác phẩm và kịp hoàn thành phần then chốt chỉ 10 ngày trước khi nhắm mắt. Xuyên suốt cuốn sách, Jung nhân mạnh rằng con người chỉ có thể đạt tới một sự toàn vẹn thông qua hiểu biết và chấp nhận vô thức - sự hiểu biết có được nhờ những giấc mơ và những biểu tượng xuất hiện trong đó. Mỗi giấc mơ là một thông đạt trực tiếp, riêng tư và đầy ý nghĩa với người mơ - sự thông đạt dùng những biểu tượng chung cho cả nhân loại nhưng luôn sử dụng chúng theo cách hoàn toàn cá nhân, và chỉ có thể được giải mã bằng một "chìa khóa" hoàn toàn riêng tư.
Với gần 500 hình minh họa, cuốn sách cung cấp một diễn giải độc đáo về tư tưởng của Jung. Chúng cho thấy bản chất và chức năng của những giấc mơ, đào sâu ý nghĩa tượng trưng của nghệ thuật hiện đại, hé lộ những ý nghĩa tâm lý của những kinh nghiệm đời thường. Chúng xác quyết tư tưởng của Jung và là một phần không thể thiếu của "Con Người Và Biểu Tượng" - di sản cuối cùng ông để lại cho nhân loại.
Những phần chính trong cuốn sách "Con Người Và Biểu Tượng"
Tác phẩm "Con Người Và Biểu Tượng" là kết quả của sự cộng tác giữa Carl Gustav Jung và nhiều đồng nghiệp ông đích thân lựa chọn.
Jung, ngoài xây dựng cấu trúc cho toàn bộ cuốn sách, giám sát và chỉ dẫn công việc của các cộng tác viên, còn đích thân viết chương đầu tiên và cũng là chương chủ đạo: "Tiếp cận vô thức". Chương này giới thiệu với người đọc về vô thức, về các cổ mẫu và các biểu tượng hình thành nên ngôn ngữ của vô thức và những giấc mơ mà qua đó vô thức được diễn tả rõ hơn.
Chương thứ hai, "Các thần thoại cổ xưa và con người hiện đại", do TS. Joseph L. Henderson viết nhằm minh giải sự xuất hiện của một vài dạng cổ mẫu trong thần thoại cổ xưa, truyền thuyết dân gian, và nghi lễ thời nguyên thủy. TS. Henderson là một trong những người xuất chúng và đáng tin cậy nhất trong những người Mỹ theo học thuyết Jung.
Chương thứ ba, "Quá trình cá nhân hóa", là thành quả của TS. Marie-Louise von Franz ở Zurich, có lẽ là đồng nghiệp thân cận nhất và là bạn tâm giao của Jung. Chương này mô tả tiến trình mà qua đó ý thức và vô thức bên trong một cá nhân học cách nhận biết, tôn trọng, và giúp đỡ lẫn nhau.
Chương thứ tư, "Chủ nghĩa tượng trưng trong nghệ thuật thị giác", được viết bởi bà Aniel Jaffé ở Zurich, một nhà phân tích lão luyện, thư ký riêng tin cậy của Jung, cũng là người viết tiểu sử của ông. Bà chứng minh, trong cơ cấu quen thuộc của ý thức, sự băn khoăn trở đi trở lại - gần như ám ảnh - của con người về các biểu tượng của vô thức. Bà cho thấy nghệ thuật thị giác làm say mê chúng ta bằng sự gợi nhắc thường xuyên đến vô thức.
Chương cuối, "Những biểu tượng trong một phân tích cá nhân", là một phần có vẻ tách biệt với phần còn lại của cuốn sách do TS. Jolande Jacobi viết. Ông là người được Jung cho là tác giả nhiều kinh nghiệm nhất trong hội Jung ở Zurich. Chương này có thể coi như một bệnh sử ngắn gọn của một ca phân tâm thú vị. Tuy không thể coi là một ca "đại diện" hay "điển hình", vì mỗi sự phân tâm theo kiểu Jung đều là độc nhất, nhưng việc phân tích trường hợp này cũng làm phong phú thêm cho cuốn sách.
Jung hầu như đã dành hết cả năm cuối cùng cuộc đời cho cuốn sách này. Ông đã hoàn thiện chương sách của mình và phê duyệt bản thảo các chương của đồng nghiệp trước khi mất vào tháng 6/1961. Sau khi ông qua đời, TS. von Franz đảm nhận trách nhiệm biên tập hoàn tất đúng với những hướng dẫn rõ ràng của Jung.
"Con Người Và Biểu Tượng" là cuốn sách mà Jung đã bỏ nốt sức lực cuối đời vào để truyền đi thông điệp của ông đến với càng nhiều người đọc hơn nữa. Đây là một di sản to lớn mà ông để lại cho độc giả đại chúng.
Mục lục sách Con Người Và Biểu Tượng (Bìa Cứng)
- Dẫn Nhập: John Freeman
- 1. Tiếp Cận Vô Thức
- 2. Các Thần Thoại Cổ Xưa Và Con Người Hiện Đại
- 3. Quá Trình Cá Nhân Hóa
- 4. Chủ Nghĩa Tượng Trưng Trong Nghệ Thuật Thị Giác.
- 5. Những Biểu Tượng Trong Một Phân Tích Cá Nhân
- Phần Kết Luận: Khoa Học Và Vô Thức
- Chú Giải
- Chỉ Mục
Thông tin tác giả Carl Gustav Jung
Sinh (1875-1961), bác sĩ tâm thần, nhà tâm lí học, tâm lí trị liệu người Thụy Sĩ. Sáng lập một trường phái Tâm lí học mới là "Tâm lí học Phân tích"(Analytical Psychology’) nhằm phân biệt với trường phái Phân tâm học của Sigmund Freud. Jung đặc biệt quan tâm đến việc phân tích, diễn giải giấc mơ, các biểu tượng xuất hiện trong đó, coi chúng là con đường dẫn vào vô thức, hé lộ những ham muốn ẩn giấu, những mong muốn bù đắp cho hiện tại, những khát vọng hướng tới tương lai. Và trên hết, theo ông, giấc mơ giúp con người đạt được sự hiểu biết toàn vẹn.
Sách Con Người Và Biểu Tượng (Bìa Cứng) của tác giả Carl Gustav Jung, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí