Giới thiệu sách
Nghiên cứu về mâu tử
Mâu Tử đã cho ta một cái nhìn khá đầy đủ về quan điểm hiếu hạnh của nhân dân ta từ thời Phật giáo mới truyền vào nước Việt mình. Từ đó, chúng ta có thể nhìn thấy tổng thể giá trị văn hóa tình người bắt đầu từ tâm hiếu hạnh, trong việc đối nhân xử thế, góp phần làm nên giá trị tâm linh trong việc hướng cầu giải thoát, nhất là việc giải đáp cho giới trí thức Nho gia về việc một người cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu hành, sống đời sống không gia đình..., vẫn là một phương thức báo hiếu trọn vẹn nhất, ý nghĩa cao quý nhất, gọi là “đại hiếu”.
Ta thấy ngay trong phần giới thiệu Hiếu kinh của Nghệ văn chí ở Tiền Hán thơ 30 10b5-6, Ban Cố viết: “Hiếu là kinh của trời, nghĩa của đất, hạnh của dân”. Hiếu kinh còn nói: “Tính của trời đất, con người là quý. Hạnh của con người, không gì hơn hiếu”. Rõ ràng Nho gia lấy hiếu làm đầu trong các hạnh làm người. Thế nên, Tư Mã Đàm, trước khi từ trần đã dặn con mình là: “Hiếu bắt đầu ở việc thờ cha mẹ, tiếp đến thờ vua, và cuối cùng ở việc lập thân nêu danh cho đời sau để làm rõ cha mẹ, đó là đại hiếu” - như Tư Mã Thiên đã ghi trong Sử ký 130, tờ 6b6-7. Lời trăn trối này rõ ràng đã lấy từ câu mở đầu của Hiếu kinh mà ta được biết: “Thân thể tóc da nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương, là bắt đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, nêu danh với đời sau để làm rõ cha mẹ là chung cuộc của hiếu”. Có thể xem đây là nội dung căn bản không chỉ của Nho gia mà cả dân tộc Trung Hoa thời bấy giờ.
Đạo Phật du nhập vào nước ta thời đó, tư tưởng Phật giáo, trong đó quan điểm hiếu hạnh tự thân nó không chỉ đơn thuần mang tính lý thuyết mà nó còn thể nhập thành một thái độ sống, trên hết là nếp sống chuẩn hóa đạo đức Phật giáo, cơ sở hướng đến sự giải thoát khổ đau. Bởi vì Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu hạnh Phật”. Suy cho cùng, toàn bộ giáo lý của nhà Phật, kể cả nội dung hiếu hạnh mà Phật giáo đề xuất cũng không ngoài mục đích kết nối, trao truyền sự yêu thương, hướng con người đi đến sự bình an nội tại, thấy rõ cuộc sống hạnh phúc chân thật. Cho nên vấn đề cốt lõi là vận dụng nội dung quan điểm hiếu hạnh như thế nào để có thái độ sống với cha mẹ, anh chị em, bà con quyến thuộc và những người xung quanh được an lạc, thoát khỏi sự hệ lụy khổ đau mà thôi. Do đó, việc xuất gia tu hành, cạo bỏ râu tóc, sống một đời sống không gia đình không chỉ tự hoàn thiện bản thân mà còn có khả năng báo hiếu cho cha mẹ, hướng dẫn cha mẹ sống đúng Chánh pháp, đưa đến sự an lạc. Thực tế, xuất gia không phải từ bỏ cha mẹ và người thân; xuất gia chỉ có nghĩa là có thái độ sống xa rời danh lợi thế gian, từ bỏ tham sân si. Xuất gia là một việc tự ý thức nhìn nhận chúng sinh là bà con thân thuộc của mình. Tất cả mọi người trong xã hội, không phân biệt thân, sơ..., đều là cha, là mẹ, anh chị em, con cái, cháu chắt ruột thịt của mình. Một quan điểm hiếu hạnh như thế sẽ tạo ra các giá trị cao cả về quyền bình đẳng sống của con người, bình đẳng giải thoát khổ đau. Nếu ai chiêm nghiệm lời Phật dạy trong kinh Tương Ưng IV thì quả thật sẽ thấy sự hiện hữu của chúng ta đều bắt nguồn từ “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị của chúng ta, là bà con quyến thuộc nhiều đời trong dòng sống tương tục” cơ mà.
Đức Phật sở dĩ được tôn vinh là Đấng Từ phụ, nghĩa là người Cha lành, vì Ngài thương yêu tất cả chúng sinh như mẹ thương yêu người con ruột của mình. Người xuất gia noi gương Phật, xem toàn xã hội như gia đình của mình, mọi người trong xã hội như bà con thân thiết, cha mẹ anh em, con cái ruột thịt của mình. Và như thế, người xuất gia báo hiếu cho cha mẹ bằng cách xây dựng đức tin cho cha mẹ thiếu đức tin,...
Sách Nghiên cứu về mâu tử của tác giả Lê Mạnh Thát, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí