Giới thiệu sách
Canh Tân Đặc Sủng
Cuốn sách này tổng hợp một số tài liệu của huấn quyền Giáo Hội Công Giáo, liên quan đến điều mà chúng ta thường gọi là “Canh tân Đặc sủng”; bên cạnh những tài liệu của huấn quyền, cũng có một vài tài liệu khác được giới thiệu nhằm trình bày thêm về một số điểm. Cuốn sách ước mong mang lại cho độc giả những hướng dẫn, chỉ dạy của huấn quyền về các phong trào, hiệp hội giáo hội và các cộng đồng mới, đặc biệt là về Canh tân Đặc sủng Công giáo, để giúp chúng ta có một cái nhìn đúng theo như đường hướng của Giáo Hội. Cuốn sách này gồm có ba phần.
PHẦN I.
Mở đầu là bài “Đôi nét về Canh tân Đặc sủng Công giáo và sự hình thành CHARIS.” Hai năm sau khi Công đồng Vatican II kết thúc (1965) và 70 năm sau khi Thông điệp về Chúa Thánh Thần, Divinum Illud Munus, của Đức giáo hoàng Lêô XIII được ban hành (1897), vào tháng 2 năm 1967, “một mùa xuân mới” trong Giáo Hội đã được mở ra nhờ kinh nghiệm mạnh mẽ và có sức biến đổi của một nhóm sinh viên và giáo sư của Đại học Duquesne, ở Pittsburg thuộc tiểu bang Pensylvania, Hoa Kỳ. “Mùa xuân mới” này được gọi là “Canh tân Đặc sủng Công giáo”. Một cách tóm tắt, bài viết kể lại sự ra đời, phát triển và trưởng thành của Canh tân Đặc sủng Công giáo trong lòng Mẹ Giáo Hội.
Theo cha Raniero Cantalamessa, OFMCap, cố vấn giáo hội của CHARIS, và cũng là vị giảng thuyết của Giáo triều Rôma từ thời Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II cho đến nay, Đức thánh cha Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh “Canh tân Đặc sủng Công giáo là ‘dòng chảy ân sủng cho toàn thể Giáo Hội.’ Nếu Canh tân Đặc sủng Công giáo là một dòng chảy ân sủng cho toàn thể Giáo Hội,” cha Cantalamessa nhấn mạnh, “thì chúng ta có bổn phận, với chính mình và với Giáo Hội, giải thích xem dòng chảy ân sủng này bao gồm những gì và tại sao nó lại cần thiết cho toàn thể Giáo Hội.” Với bài “Canh tân Đặc sủng Công giáo: Dòng chảy ân sủng cho toàn thể Giáo Hội,” cha Cantalamessa sẽ giải thích cho chúng ta về vấn đề mà ngài đã đặt ra.
Với Sắc lệnh ấn ký vào ngày 08.12.2018, Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã thành lập CHARIS như một tổ chức có tư cách pháp nhân trong Giáo Hội. Ngày 08.06.2019, tại đại thính đường Phaolô VI, Rôma, Đức thánh cha Phanxicô đã tiếp hàng ngàn tham dự viên Hội nghị Quốc tế các nhà lãnh đạo thuộc Canh tân Đặc sủng của Công giáo và chính thức khai mạc CHARIS. Trong diễn văn ngày khai mạc Đức giáo hoàng Phanxicô đã giải thích CHARIS là gì và Giáo Hội mong đợi điều gì từ nó.
Tiếp nối với bài diễn văn của Đức thánh cha Phanxicô, Đức hồng y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống sẽ giải thích thêm cho chúng ta về CHARIS qua bài chia sẻ: “Sự ra đời của CHARIS và tầm quan trọng của CHARIS đối với Canh tân Đặc sủng Công giáo.”
PHẦN II.
Từ Đại học Duquesne, Canh tân Đặc sủng Công giáo bắt đầu có tác động đến các giáo xứ và các cơ sở Công giáo khác và sớm thu hút sự chú ý của Giáo Hội. Đức hồng y Léon-Joseph Suenens, Tổng giám mục Malines, Bỉ quốc đã công nhận Canh tân Đặc sủng Công giáo là một “dòng chảy ân sủng”; ngài đã thuyết phục Đức giáo hoàng Phaolô VI về sự cần thiết của Giáo Hội để chấp nhận và khuyến khích cuộc Canh tân ngõ hầu nó không phát triển trong sự cô lập. Vào ngày 10.10.1973, Đức giáo hoàng Phaolô VI đã ngỏ lời với Hội nghị đầu tiên của các nhà lãnh đạo quốc tế của Canh tân Đặc sủng Công giáo, ban phép lành chính thức đầu tiên cho phong trào này từ Tòa thánh. Như vậy, được sinh ra dưới thời Đức giáo hoàng Phaolô VI, được các Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô XVI hỗ trợ và khuyến khích mạnh mẽ, ngày nay Canh tân Đặc sủng Công giáo có Đức giáo hoàng Phanxicô, vị giáo hoàng thích canh tân cơ cấu và phương thức làm việc của Giáo Hội cho phù hợp với thời đại, luôn đồng hành và nâng đỡ cách đặc biệt.
Phần II của cuốn sách gồm các thông điệp và các bài diễn văn của các Đức giáo hoàng Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Phanxicô dành cho các nhóm Canh tân Đặc sủng Công giáo cũng như các Phong trào giáo hội và các Cộng đồng mới.
PHẦN III.
Trong Phần III của cuốn sách, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, khi còn là Đức hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin, với bài viết “Các phong trào giáo hội: Một suy tư thần học về vị trí của chúng trong Giáo Hội” giúp chúng ta hiểu về các phong trào giáo hội, các cộng đồng mới và tầm quan trọng của chúng trong đời sống Giáo Hội. Cuối cùng, Bộ Giáo lý Đức tin, trong Văn thư Iuvenescit Ecclesia – “Giáo Hội tươi trẻ”, gửi các giám mục Giáo Hội Công Giáo, trình bày về mối tương quan giữa các ơn phẩm trật và đặc sủng trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.
Sách Canh Tân Đặc Sủng do Nhiều tác giả thực hiện, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí