Giới thiệu sách
Châu Phi Nghìn Trùng
Earnest Hemingway, sau khi nhận giải thưởng Nobel văn chương, đã phát biểu và được tờ New York Times đăng tải ngày mùng 7 tháng Mười một năm 1954 thế này: “Hôm nay tôi sẽ hạnh phúc hơn nếu giải thưởng này được trao cho nữ văn sĩ tài năng Isak Dinesen.” Vậy Isak Dinesen, người từng hai lần, vào các năm 1954 rồi 1957, được đề cử giải Nobel là ai?
Bà tên thật là Karen Blixen, sinh tại Đan Mạch ngày 17 tháng Tư năm 1885 trong một gia đình có bên ngoại là thương nhân còn bên nội thuộc dòng dõi quý tộc địa chủ. Cha của bà là một nhà văn, nhà chính trị, cũng từng là quân nhân, đã tự tử lúc bà lên chín. Bắt đầu sáng tác thơ, kịch, truyện ngắn từ rất sớm nên tới 1903, bắt chấp gia đình phản đối, Karen Blixen đăng ký theo học chuyên ngành Nghệ thuật tại Học viện Hoàng Gia Copenhagen. Thời trẻ, bà từng đi du lịch nhiều nơi: Anh, Pháp, Ý và có một số truyện ngắn được in.
Năm 1912 tháng Chạp bà đính hôn cùng người anh họ kém một tuổi là Nam tước Bror Blixen-Finecke để rồi năm 1913 theo chồng tới Kenya và hai người làm đám cưới vào tháng Giêng năm 1914 tại Mombasa.
Tới đây ta cũng cần điểm sơ qua bối cảnh châu Phi thời đó. Sau gần cả thế kỷ XIX với nhiều cuộc xung đột tranh giành lãnh thổ, tới năm 1900 thực dân Anh đã khống chế được phần lớn Đông Phi và cho xây đường sắt hòng khai phá vùng đất màu mỡ này. Dân bản xứ mất đất và bị dồn vào các vùng chật hẹp gọi là khu bảo tồn, nơi đất đai cằn cỗi và điều kiện sống eo hẹp làm dân số họ tụt giảm nhanh chóng từ bốn triệu xuống chỉ còn hai triệu rưỡi. Chính sách lưu dân của chế độ thực dân cũng ra đời thời điểm này. Hòng khai thác Đông Phi hiệu quả, chính phủ Anh cho tuyển mộ nhiều dân ngụ cư từ châu Âu qua làm ăn và vợ chồng Karen Blixen nằm trong số này. Khi ấy gia tộc bà đã cung cấp tài chính mua một đồn điền rộng sáu ngàn mẫu Anh gần Nairobi để hai vợ chồng đại diện đứng tên quản lí và kinh doanh.
Qua tới châu Phi chẳng được bao lâu, năm 1915 bà phát hiện chồng phản bội mình dan díu với nhiều phụ nữ. Đồng thời bà cũng phát hiện mình bị chồng lây cho bệnh giang mai. Sau này Karen Blixen đề cập tới sự thể lúc ấy như sau: “Có hai điều bạn có thể làm trong tình huống ấy: Bắn chết người đàn ông đó hoặc chấp nhận nó.”
Mọi nỗ lực hàn gắn tình vợ chồng đều bất thành, cuối cùng cặp đôi li thân vào năm 1921 sau khi Karen Blixen phát hiện chồng tiếp tục ngoại tình và vay nợ chồng chất. Dạo ấy trong một lá thư gửi người em trai bà đã viết: “Em đừng nghĩ chị đang chua xót… Chị tin là nếu mình có thể trụ vững ở đây và đạt thành công trong phận sự đã nhận lãnh thì cuối cùng chị sẽ tìm lại được sức mạnh và bắt chấp mọi sự thể, cuộc đời chị sẽ vẻ vang, giàu có và hạnh phúc.”
Chính thức li dị chồng năm 1925, Karen Blixen tiếp tục bám trụ tại Châu Phi, trải vô vàn khó khăn, các trận hạn hán, dịch bệnh, cho tới thời kì Đại Khủng Hoảng (1929-1939) lúc đồn điền bị phá sản và người tình, một tay súng săn bắn chuyên nghiệp đồng thời là chủ đồn điền người Anh tên Denys Finch-Hatton gặp tử nạn, bà mới trở về Đan mạch sống cùng mẹ vào năm 1931.
Năm 1937 thì tác phẩm Châu Phi nghìn trùng, với cấu trúc khiến người đọc liên tưởng tới một bi kịch cổ điển năm hồi, ra đời. Sách được tác giả viết bằng tiếng Anh trong sáu tháng của năm 1935, tại một khách sạn ở Skagen – điểm cực bắc Đan Mạch; bà bảo sống cùng mẹ không thể tập trung sáng tác được.
Tại sao chỉ đến khi ấy bà mới bắt tay vào viết lại cuộc đời ở châu Phi của mình? Theo các nhà nghiên cứu dường như ấy là bởi Karen Blixen vẫn còn giữ mối liên kết đầy cảm xúc với tư liệu châu Phi và cần thêm thời gian để có khoảng lùi và chọn đúng giọng điệu cho sách. Năm 1933 khi được hỏi hà cớ gì chẳng thấy viết về châu Phi, bà đã trả lời: “Nếu có khi nào tôi viết về châu Phi, sẽ không tránh khỏi việc cuốn sách chứa đựng vô vàn chua chát và oán thán cách người Anh xử sự với xứ sở và con người nơi đó, cũng như cách họ mặc sức triển khai nền văn minh cơ khí và vụ lợi của chúng ta tại đấy. Trên bất kỳ phương diện nào, cuốn sách sẽ chẳng phải tài liệu tuyên truyền chính trị mà là tiếng nức nở lòng tôi, với đầy các chua chát trước chế độ nông nô cũng nhiều như của nhà văn Turgheniev trong Bút ký người đi săn”. Quả thế thật, sau hai năm kể từ câu trả lời nói trên Karen Blixen đã tìm được giọng văn mỉa mai xa xôi và để người đọc tự đưa ra nhận xét về con người và sự kiện ở châu Phi mà bà mô tả. Lựa chọn đúng đắn này đã khiến sách được đón nhận rộng rãi. Một trong những nguyên nhân cuốn sách được nồng nhiệt đón nhận còn là bởi nó như một ẩn dụ của thời đại lúc ấy với các mô tả cuộc vật lộn của một cá nhân cùng số phận giữa chiến tranh và hạn hán, nền kinh tế biến động, nỗi đau mất mát người thân và sự sụp đổ một cuộc sống lí tưởng.
Thông tin tác giả Isak Dinesen
Là bút danh của nhà văn Karen Christentze Dinesen, hay Karen Blixen (1885-1962). Bà sinh trưởng tại Rungsted, một thị trấn nhỏ ở bờ đông đảo Zealand, gần thủ đô Copenhagen của Đan Mạch. Thừa hưởng năng khiếu nghệ thuật từ cả hai bên nội ngoại, bà bắt đầu sáng tác thơ, kịch và truyện ngắn từ khá sớm.
Trong bối cảnh các đế quốc châu Âu tranh nhau xâu xé lục địa châu Phi hồi đầu thế kỉ XX, năm 1913, Karen Blixen cùng chồng sang Kenya mua một đồn điền cà phê dưới chân rặng Ngong để sản xuất cà phê hạt. Đến năm 1931, sau liên tiếp những thất bại trong kinh doanh và phải bán đồn điền, bà hồi hương, tiếp tục Sống và sáng tác tại đây cho đến cuối đời.
Cuốn Châu Phi nghìn trùng được in lần đầu năm 1937 bằng tiếng Anh, lập tức gây tiếng vang lớn ở Mỹ rồi châu Âu. Danh tiếng nhanh chóng lan tới quê nhà nên bà đã dịch cuốn sách sang tiếng Đan Mạch.
Cho tới nay, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và lọt vào các danh sách bình chọn những cuốn sách phi hư cấu hay nhất mọi thời đại.
Sách Châu Phi Nghìn Trùng của tác giả Isak Dinesen, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí