Giới thiệu sách
Chinh Phục Cơn Hoảng Loạn
“Thay đổi để thích nghi là câu chuyện tất yếu sẽ xảy đến hậu COVID”
Khủng hoảng COVID là một đòn đánh mạnh vào tất cả các mặt của toàn cầu. Thay đổi để thích nghi là câu chuyện tất yếu sẽ xảy đến hậu COVID.Sự thay đổi này nhằm khắc phục những hạn chế đã phơi bày rõ trong đại dịch – những hạn chế thật ra đã tồn tại từ rất lâu, từ từ ăn mòn và cho đến đại dịch COVID đã nứt toát thành một lỗ hổng lớn đến mức không thể nào ngó lơ được nữa. Thế giới mới giật mình nhận ra nếu không thay đổi ngay bây giờ thì có thể sẽ không còn cơ hội thay đổi nữa, vì trong tương lai có thể còn xảy ra nhiều khủng hoảng kinh khủng hơn COVID 19 rất nhiều.
Chinh phục cơn hoảng loạn
Chúng ta đang sống trong một thời khắc có thể gọi là lịch sử. Năm 2020 là năm đẹp nhất của một thiên niên kỷ. Thường vào số năm đẹp và ý nghĩa, người ta hay gửi gắm nhiều hy vọng về những điều tốt đẹp. Thế nhưng, COVID 19 xuất hiện và khiến cho một năm đầy ước vọng khó khăn hơn bao giờ hết.
Cả thế giới chững lại và tìm cách thích nghi nhanh nhất với một vấn đề mang tính toàn cầu. Đại dịch toàn cầu mỗi ngày đều cướp đi những điều quý giá. Chúng ta đã chiến đấu bằng mồ hôi, bằng nước mắt, bằng cả những sinh mạng. Nhưng chúng ta cũng đổi lại được những nụ cười, những thành công, những cơ hội trong cánh cửa hẹp.
Trong cuốn sách “Chinh phục cơn hoảng loạn” mà bạn đang cầm trên tay, công cụ cung cấp là đảo ngược. Đại dịch được nhìn nhận như một nguy cơ. Nên hiểu chữ nguy cơ như thế nào? Trong mọi điều “nguy” đều ẩn chứa cái “cơ”. Tại thời khắc này, tôi mong rằng chúng ta hãy nhìn thấy “cơ hội” trong “nguy hiểm”, “nguy hại”. Từ đó sẽ xác định những cơ hội mới vượt qua nguy cơ. Càng trong thời điểm khủng khoảng, chúng ta càng phải bình tĩnh hơn bao giờ hết. Trong mỗi gia đình, mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia phải có những người lãnh đạo cực kỳ tỉnh táo, vạch ra phương hướng để đối đầu.
Một người lãnh đạo, một người thầy - anh Trần Kim Thành - Chủ tịch Tập đoàn Kido, thường khuyên và dạy chúng tôi một câu như thế này: “Chiến lược chọn là phải thắng.” Điều đó có nghĩa là trong tương lai, dù có thách thức nào xảy đến, bản thân nội tại mô hình kinh doanh chúng ta phải đảm bảo rủi robất định. Kiểm soát được tất cả những gì mình làm, đó mới là mô hình kinh doanh bền vững.
Trước đây, khi nhắc đến khủng hoảng, người ta nghĩ nhiều đến khủng hoảng kinh tế. Để vượt qua những cơn suy thoái kinh tế, chúng ta đa số dùng giải pháp kinh tế từ các nhà kinh tế học giúp nền kinh tế hồi phục là chính.Từ khủng hoảng tài chính 1997 đến 2008 ở thị trường Mỹ đều như vậy. Tuy nhiên, COVID 19 là khủng hoảng chưa có tiền lệ trong vòng 100 năm qua. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OeCD), nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào thời kỳ suy thoái thời bình tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Cứu cánh duy nhất trong khủng hoảng lần này không phải là các biện pháp kích thích kinh tế như trước đây mà là sự lên ngôi của các biện pháp y tế. Vaccine cũng chính là liều thuốc vực dậy nền kinh tế. Nó không chỉ chống lại virus SARS-COV-2 mà còn chống lại virus hoảng loạn trong xã hội.
Khi có tin tức về vaccine COVID19, thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu tăng điểm cổ phiếu, các hãng nghiên cứu vaccine cổ phiếu tăng bền vững. Ngày 26 tháng 6, một công ty nhỏ tên là Vaxart đóng ở thành phố San Francisco (Mỹ) tung ra thông tin gây ngạc nhiên: một loại vaccine COVID 19 do họ phát triển đã được chính phủ Mỹ chọn tham gia chương trình Operation Warp Speed - sáng kiến giúp đẩy nhanh sản xuất các loại thuốc chống COVID 19. Ngay sau đó, cổ phiếu của Vaxart tăng vọt. Tài sản ban lãnh đạo Vaxart bỗng tăng gấp 6 lần sau một đêm, một quỹ đầu tư tham gia công ty thì đút túi 200 triệu uSD lợi nhuận một cách gọn gàng.
Theo báo New York Times, cuộc đua phát triển vaccine COIVD 19 đang hồi nóng. Nhà đầu tư đặt cược ai chiến thắng sẽ kiếm lời khủng từ việc bán hàng trăm triệu, nếu không muốn nói hàng tỷ liều vaccine cho các quốc gia khắp thế giới. Điển hình là khi Nga tuyên bố phê duyệt vaccine COVID 19 đầu tiên, khoảng 20 quốc gia đã đặt trước 1 tỷ liều.
Thực tế này đã mở ra một cuộc chạy đua vaccine với hứa hẹn lợi nhuận khủng của giới lãnh đạo ngành công nghiệp dược phẩm và y tế. Chỉ bằng việc công bố vài tin tức tốt lành về quá trình phát triển thuốc cộng thêm sự ủng hộ từ chính phủ, họ đã bỏ túi hàng triệu đô.
Tất cả dường như đang trông đợi vào sự thành công của vaccine để đi đến một tuyên bố chiến thắng dịch bệnh. Tuy nhiên, đó có phải là một chiến thắng bền vững? Chúng ta chưa thể biết rõ sau này sẽ đối mặt với những làn sóng nào khác tạm gọi là COVID 21, 22, 23,… Ngày hôm nay có vaccine cho COVID 19, ngày mai lại xuất hiện biến thể COVID hay một chủng virus hoàn toàn mới thì liệu một cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine có phải là lựa chọn tối ưu? Nghiên cứu vaccine cần một thời gian đủ dài.
Trong lúc chờ đợi vaccine sản xuất thành công thì có lẽ một phần thế giới đã bị dịch bệnh tàn phá. Chạy theo một cuộc chạy đua y tế để nâng cao lợi nhuận kinh tế, rõ ràng không phải là một hành trình giúp thế giới tương lai được an toàn và phát triển bền vững.
Mỗi chương trong 5 chương sách sẽ dẫn độc giả đi từ những khó khăn, bất ổn đến giải pháp tháo gỡ “nguy” để tìm thấy “cơ”, với điểm nhấn là phần bài học đúc kết nên giá trị của từng chương.
Chúng ta sẽ bắt đầu cuốn sách bằng Chương 1. Đây là bức tranh tổng quát về đại dịch COVID 19 hoành hành thế giới suốt năm 2020. Chúng ta sẽ thấy những mất mát, những “hoảng loạn” trong cuộc chiến không cân sức với virus.
Từ một rủi ro cụ thể là đại dịch COVID 19, Chương 2 sẽ cùng bạn khám phá nguồn gốc của những rủi ro tương tự trong lịch sử phát triển của nhân loại. Đi hết Chương 2, bạn sẽ hiểu lý do tại sao việc nhận biết sớm rủi ro lại quan trọng đến thế.
Tựa như cỗ máy thời gian tua lại cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ của từng quốc gia và khu vực trên thế giới với đại dịch COVID 19, Chương 3 sẽ rút ra những điều đúng và sai mà chúng ta đã làm để đối phó với vị khách không mời này. Sẽ không còn chỗ cho những hoảng sợ ban đầu, điều chúng ta cần làm là nhìn thẳng để đối mặt.
Làm thế nào để chinh phục hoảng loạn COVID và hậu COVID? Thế giới lý tưởng sẽ có hình thù ra sao? Chúng ta có thể làm gì để cùng nhau xây dựng một thế giới lý tưởng? Tất cả những câu hỏi đó sẽ được làm sáng tỏ tại Chương 4.
Và để cuốn sách thêm trọn vẹn, không thể bỏ qua Chương 5, nơi nêu ra những sáng kiến, những giải pháp, những nguồn năng lượng tích cực,… của những cá nhân, tổ chức đã vượt bão COVID một cách ngoạn mục. Bạn muốn biết những bí quyết đó không? Phần cuối cuốn sách sẽ chỉ cho doanh nghiệp của bạn hướng đi đúng đắn để vững tâm chinh phục gian nan, thử thách.
Trong cuốn sách này, có những chia sẻ, có những băn khoăn trăn trở mà tôi hy vọng thế giới tương lai sẽ sớm hướng tới. Đó là một ước vọng về Hành tinh xanh – nơi mà tất cả giá trị được gìn giữ, nơi có tất cả những điều tốt đẹp và không ai bị bỏ lại phía sau. Thế giới ấy hoàn toàn không xa vời, khi áp dụng mô hình “Chinh phục cơn hoảng loạn”. Bất chấp những con virus hoảng loạn, chúng ta cùng chung tay chống lại những mối đe dọa vì lợi ích chung của Hành tinh xanh – một lợi ích cộng đồng ý nghĩa được sự góp sức của các khu vực, các quốc gia, các tổ chức và từng cá nhân.
Sự thay đổi không quan trọng bằng thái độ của chúng ta trước sự thay đổi. Tôi muốn bạn nghiền ngẫm cuốn sách này như cách xem một cuốn phim.
Từng thước phim về đại dịch toàn cầu sẽ tua đi tua lại những hình ảnh, cảm xúc, câu chuyện giá trị. Ở đó chúng ta sẽ thấy những con người, những gia đình, những người bạn của chúng ta như thế nào trong thời khắc COVID 19 này. Đó là cơ sở để chúng ta tự đúc kết cho mình một giá trị, một triết lý, một mối quan hệ bền vững trong tương lai. Từ đó tạo nên sự thay đổi của mỗi cá nhân để thích nghi và đương đầu với mọi thách thức.
Trích chương IV: Thế giới hậu khủng hoảng
HỌC ĐƯỢC GÌ?
Thế giới trong tương lai được hình thành từ hành động của ngày hôm nay. Một thế giới số hóa hoàn toàn không phải là một sự lựa chọn mà đã trở thành một xu thế tất yếu. Trong xu thế ấy, mỗi cá nhân hãy trở thành một người dùng thông minh, biết cách làm chủ những tiến bộ của nhân loại.
Trên mỗi bước phát triển của nhân loại, đều có bước tiến của công nghệ thông tin. Ngay cả khi thế giới rơi vào khủng hoảng, giá trị của công nghệ số vẫn không hề giảm, ngược lại lợi ích của nó lại càng sáng rõ.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta đều cần hiểu rằng công nghệ không thể giải quyết tất cả, nhưng chẳng có gì có thể giải quyết được nếu không có chúng tôi.” Đó là câu nói của Chủ tịch Microsoft, ông Brad Smith khi nhìn lại những thay đổi trong và sau COVID 19. Và điều này chắc chắn sẽ vẫn còn đúng đắn trong tương lai, một thế giới hiện đại và tự động hóa.
COVID 19 là một bài kiểm tra đối với tất cả các hệ thống, từ cấp quốc gia cho tới cá nhân, cho thấy cả ưu điểm và khuyết điểm. Đây là lời nhắc nhở rằng chúng ta có thể tận dụng nhiều cơ hội hơn nữa từ các dịch vụ số và phải đẩy nhanh và mạnh hơn nữa tiến trình số hóa. Công nghệ thông tin không chỉ thúc đẩy tăng trưởng bao trùm mà còn nâng cao năng lực đối phó giữa bối cảnh khủng hoảng – giúp chúng ta giảm thiểu tác động tiêu cực của gián đoạn xã hội, giúp chúng ta kết nối, làm việc hiệu quả và giữ cuộc sống bình ổn trong mùa dịch có nhiều biến đổi.
Công nghệ thông tin đã đóng góp rất nhiều lợi ích trong bối cảnh dịch bệnh. Khi xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm, biện pháp “giãn cách xã hội” - hay cụ thể là nỗ lực hạn chế tiếp xúc trong cộng đồng để giảm thiểu tối đa và hy vọng dừng hẳn việc dịch bệnh lây nhiễm - được cho là một trong những phương thức hiệu quả nhất để ngăn chặn sự nhân rộng virus.
Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện đóng cửa biên giới, hủy bỏ các hội nghị quan trọng, đóng cửa trường học và yêu cầu người dân ở trong nhà. Những biện pháp này sẽ làm gián đoạn cuộc sống thường nhật của tất cả mọi người. Nhưng sự trợ giúp của công nghệ thông tin, việc thích ứng với một tình trạng “bình thường mới” đã trở nên thật dễ dàng.
Công nghệ thông tin tạo điều kiện cho những nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến, giao hàng tận nơi phát triển trong tình hình dịch bệnh. Người dân Việt Nam thực hiện nhiều hơn các giao dịch trên mạng và họ tận dụng dịch vụ này triệt để hơn kể từ khi dịch bệnh nổ ra vào cuối tháng 1. lượng truy cập vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cổng thông tin tiếp nhận và xử lý các dịch vụ công cơ bản của người dân, tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Theo số liệu của chính phủ, số lượt truy cập nhảy vọt từ 11 triệu lượt vào cuối tháng 1 lên 28 triệu lượt vào cuối tháng 3. Trong tháng 3, số lượng các giao dịch trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ cũng tăng gấp đôi, lên hơn 23.000 giao dịch.
Theo tạp chí điện tử Zing.vn, các trang thương mại điện tử phổ biến cũng ghi nhận xu hướng tương tự. Kể từ khi Việt Nam công bố ca nhiễm đầu tiên, số lượng đơn đặt hàng trên trang thương mại trực tuyến Tiki đã bùng nổ, doanh thu bán hàng trực tuyến của các nhà bán lẻ lớn cũng tăng vọt. Ví dụ như Saigon Co.op ghi nhận doanh thu trực tuyến tăng gấp năm lần trong tuần tiếp theo sau khi ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 23 tháng 1.
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam nhận định giai đoạn giãn cách xã hội ghi dấu những biến chuyển rõ nét trong hành vi mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người tiêu dùng.
Theo đó, người dùng mua sắm tất cả các mặt hàng thực phẩm qua kênh bán hàng trực tuyến. Đồng thời thương mại điện tử trở thành kênh bán hàng có thể đáp ứng tất cả nhu cầu thiết yếu của người dùng.
Những điều tuyệt vời mà công nghệ thông tin mang lại cho con người không chỉ có thế, nhưng đó là những chuyển biến cơ bản trong đời sống con người với việc tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin. Khi dịch bệnh kết thúc, thói quen sử dụng công nghệ thông tin đã dần được hình thành và sẽ trở thành một hành vi có tính chất thường xuyên và liên tục.
Công nghệ thông tin có áp dụng được rộng rãi trong nhiều ngành nghề không?
Có người sẽ nghĩ rằng những ngành nghề đã triển khai hình thức online từ trước mới được hưởng lợi trong đại dịch COVID 19. Còn những ngành nghề khác thì đã định sẵn cú trượt dốc. Tuy nhiên, thứ thực sự giết chết bạn chính là sự giới hạn trong tư duy.
Giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc là những giải pháp phòng tránh lây hiệu quả và gần như bắt buộc để ứng phó đại dịch. Thoạt nhìn, đây quả thật là một bài toán khó với những ngành nghề hoạt động dựa theo hành vi tiếp xúc xã hội. Trong mùa COVID 19, người ta nghĩ ngành du lịch sẽ chết.
Thực tế không hẳn vậy. Xu hướng du lịch trực tuyến là một khái niệm đã ra đời trước khi dịch bệnh COVID 19 xuất hiện. Dễ hiểu tại sao khi đời sống trước đây chưa bị rào cản di chuyển để hạn chế COVID 19, người ta lại không mặn mà với một dịch vụ du lịch chỉ qua thiết bị. Mãi đến khi COVID 19 bùng nổ, hình thức du lịch truyền thống gần như bị đóng băng, thì du lịch trực tuyến mới được chú ý đến như là giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại.
Điển hình là đầu tháng 4 năm 2020, khi lễ hội hoa anh đào tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… dừng tổ chức đã được thay thế bằng hoạt động du lịch online nhằm giúp du khách tham quan, trải nghiệm thông qua thiết bị thông minh.
Sự kiện 2.500 bảo tàng và nhà hát opera nổi tiếng “bắt tay” với Google Arts and Culture để giới thiệu các chuyến tham quan ảo miễn phí cho công chúng thông qua ứng dụng công nghệ số, rõ ràng đã mang lại hiệu quả lớn về quảng bá. Trong mùa dịch COVID 19, tờ The Guardian đã giới thiệu 10 tour du lịch ảo cho độc giả thông qua trải nghiệm trên máy tính hoặc điện thoại thông minh. Đó là một vài dẫn chứng cho thấy, ngành du lịch đã thể hiện sự thích ứng đối với tình hình dịch bệnh COVID 19.
Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ để thu hút người dân và du khách tìm hiểu các điểm đến bằng hình thức trực tuyến. Các trang website du lịch nổi tiếng, như: Amazing Việt Nam, Lonely Planet, TripAdvisor... đã tăng cường đăng tải nhiều hình ảnh, thông tin du lịch hấp dẫn để phục vụ nhu cầu khám phá của du khách.
Tại Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hình thức “Tham quan 360 độ” đã được triển khai trên website, cho phép du khách tìm hiểu về di tích dù không có mặt tại địa điểm tham quan. Tại làng gốm sứ Bát Tràng, hình thức du lịch online thông qua website Battrangtour.net vẫn diễn ra khá sôi động trong mùa dịch. liên tục cập nhật hình ảnh và các tin tức về địa điểm tham quan, website này thu hút sự một lượng lớn khách du lịch theo dõi.
Ở nhiều điểm đến du lịch khác của Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ giờ đây là giải pháp hàng đầu để tiếp cận du khách. Trang thông tin điện tử quận Hoàn Kiếm “Hoàn Kiếm 360 độ”, ứng dụng Myhanoi cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh hữu ích về Hà Nội, có thể giúp người dân, du khách tìm hiểu các điểm đến dù đang ở nhà.
Trong tương lai, khi dịch vụ du lịch trực tuyến đầu tư về chất lượng trải nghiệm người dùng, thì đây có thể trở thành một kênh mang lại nguồn thu nhập đáng kể bên cạnh hình thức du lịch truyền thống.
Khi dịch bệnh COVID tạm lắng xuống, nhiều nước sản xuất và cho phép lưu hành vaccine thì một mô hình mới mang tên “Du lịch vaccine” có thể sẽ trở nên cực kỳ phổ biến. Với mô hình này, các quốc gia ngoài việc cung cấp dịch vụ du lịch truyền thống còn kết hợp thêm việc tiêm phòng vaccine cho hành khách. Bạn có thể được tiêm phòng vaccine ngay từ khi lên máy bay du lịch qua các nước có triển khai mô hình “du lịch vaccine”. Mô hình này sẽ kích thích sự phục hồi của ngành hàng không sau khủng hoảng dịch bệnh.
Thông tin tác giả Mã Thanh Danh
Mã Thanh Danh hiện là Phó Tổng Giám đốc tập đoàn KIDO, chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn quốc tế CIB, đồng thời là Mentor của 2 chương trình Blue Venture Việt Nam và Shark Tank Việt Nam. Ông có hơn 15 năm kinh nghiệm trong quản lý chiến lược kinh doanh, tư vấn quản lý thương hiệu, Mua bán và Sáp nhập (M&A). Ngoài ra, ông Danh còn là Chuyên gia tư vấn và trực tiếp thực hiện Chuyển đổi số (Digital Transformation) cho nhiều doanh nghiệp quy mô SME và Tập đoàn. Hiện tại, ông là một trong những diễn giả uy tín nhất về start-up tại Việt Nam.
Sách Chinh Phục Cơn Hoảng Loạn của tác giả Mã Thanh Danh, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí