Giới thiệu sách
Đế Quốc An Nam Và Người Dân An Nam
Đế Quốc An Nam Và Người Dân An Nam
Đế quốc an nam và người dân an nam tổng quan về địa lý, sản vật, kỹ nghệ, phong tục và tập quán an nam
Tác phẩm Aperçu sur la géographie, les productions, l'industrie, les moeurs et les coutumes de l'Annam (Tổng quan về địa lý, sản vật, kỹ nghệ, phong tục và tập quán An Nam) được đăng lần đầu (nhiều kỳ) trên tờ Công báo Courrier de Saïgon vào năm 1875 và 1876, xuất bản dưới sự bảo trợ của chính quyền thuộc địa, không đề tên tác giả. Năm 1889, Chánh Tham biện Pháp ở Nam kỳ, Giáo sư Học viện Khoa học Chính trị Jules Silvestre tiến hành định bản ấn phẩm này từ bản in trên báo và xuất bản ở Paris (Félix Alcan, 380 trang) dưới nhan đề dài hơn L'empire d'Annam et le peuple annamite. Aperçu sur la géographie, les productions, l'industrie, les mœurs et las coutumes de l'Annam (Đế quốc An Nam và người dân An Nam: Tổng quan về địa lý, sản vật, kỹ nghệ, phong tục và tập quán An Nam); Jules Silvestre bổ sung một số ghi chú cần thiết và những tiểu dẫn nhằm cập nhật một tác phẩm theo ông là đã hoàn thành vào năm 1858.
Dưới nhan đề khiêm tốn như trên, ẩn giấu một công trình thú vị và tin cậy. Hơn thế, nó còn có thể cung cấp các công cụ thực tế: bất cứ khi nào cần phải trình bày một bức tranh chính xác về Nam kỳ, người ta không thể không viện dẫn.
Nghiên cứu này được xuất bản mà không có tên tác giả. Trên thực tế, đó không phải là công trình của một người: chỉ cần đọc nó sẽ nhận ra đó là bản tóm tắt các quan sát chính xác, được theo dõi trong nhiều năm và trên các địa điểm khác nhau của đế quốc An Nam, bởi những con người thành tín, sống hòa nhập với người An Nam và do đó, được đánh giá cao và mô tả chính xác các sự việc về đời sống dân chúng. Họ hết sức thận trọng trong các vấn đề của chính quyền và luật pháp, chứng tỏ rằng họ đã sống xa các cơ quan công quyền, và những cân nhắc này cũng gợi ý cho chúng ta rằng tài liệu này lấy cơ sở dữ liệu từ các nhà truyền giáo Pháp nửa đầu thế kỷ XIX. Ai đó trong số họ, có lẽ là - ngài Grand de la Liraye - đã phải đúc kết, sắp xếp theo thứ tự và hoàn thành vào năm 1859, để khai sáng cho Tổng tư lệnh Lực lượng viễn chinh Pháp, và Thống đốc thuộc địa Nam kỳ đánh giá cao sự chính xác có giá trị của nó, đã cho công bố tác phẩm năm 1875.
Trong phần đầu tiên, sau khi tôn trọng một cách nghiêm cẩn văn bản gốc, Jules Silvestre mạn phép thêm một Phụ lục (tr. 206-378), chắc chắn sẽ cần nhiều sự phát triển khác, để làm thành phần thứ hai của cuốn sách. Các ghi chú trong phần này có thể đem lại một vài lợi ích, một số ghi chú bổ sung cho những sự kiện các chi tiết vốn bị bỏ qua nhưng đầy quan trọng và không được trình bày; một số khác có mục đích làm rõ hoặc hoàn thiện các chủ đề chưa được xử lý thỏa đáng hoặc bị các tác giả của Aperçu (Tổng quan) bỏ sót.
Phần đầu của cuốn sách gồm năm chương:
- Chương I: Tổng quan về địa lý chung
- Chương II: Tổng quan về các phân chia tự nhiên lớn; đất đai, khí hậu, sản vật…
- Chương III: Vấn đề nhân chủng học
- Chương IV: Kiến thức, kỹ nghệ, hoạt động tiêu khiển
- Chương V: Kết luận
Phần thứ hai (Phụ lục) của cuốn sách gồm tám chương:
- Chương I: Người An Nam, người Đàng Ngoài và người Đàng Trong
- Chương II: Dòng Mê Kông
- Chương III: Baron. Ký sự tuyệt vời về Đàng Ngoài (1685)
- Chương IV: Sài Gòn trước khi Pháp chiếm đóng
- Chương V: Than đá ở Bắc kỳ
- Chương VI: Thuế khóa
- Chương VII: Dân số và tài chính của An Nam
- Chương VIII: Binh luật thuộc bộ luật An Nam
Khi nhận xét về tính cách của người An Nam, các tác giả cho rằng trước hết phải xem An Nam là quốc gia văn minh; sau Trung Hoa và Nhật Bản, không có dân tộc nào trong vùng Viễn Đông xứng đáng được khách viễn du chú ý hơn An Nam. Bên cạnh những mô tả về ưu điểm của người dân bản địa thì các tác giả cũng nhận xét về khuyết điểm như: nhẹ dạ, sự kiêu căng tự phụ. Họ mê sự hào nhoáng, thích khoe khoang, dũng cảm khi không cần phải dè dặt. Ngay khi nỗi lo sợ xâm nhập vào lòng người An Nam, thay vì được kiềm chế, nó lại bùng ra, rồi mọi thứ gần như hết ngay. Sau đó, họ trở lại như cũ và tiếp tục mọi việc như trước đây. Người An Nam dối trá và lạnh lùng ở bề ngoài. Vì vậy, họ luôn phân biệt cái mà họ gọi là lý lẽ và thực tế (lý, tình), nghĩa là họ chỉ nói dối khi thấy quá bất tiện để nói sự thật và sự khôn ngoan này phải được chấp nhận là đúng và có lý do chính đáng đủ để trả lời các vấn đề rắc rối... Đối với tính háu ăn, cờ bạc và say rượu, đó là những tệ nạn ở đất nước này...
Ra đời trước tác phẩm “Tâm lý dân An Nam” của Paul Giran gần năm mươi năm, Aperçu (Tổng quan) này có một vị thế khác, và có một cách đánh giá cũng tương đối khác.
Sách Đế Quốc An Nam Và Người Dân An Nam của tác giả Jules Silvestre, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí