Những năm gần đây, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, theo đó việc tạo môi trường và điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng là điều hết sức cần thiết.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi mà kinh tế thị trường phát triển sớm và mạnh, đóng góp khá lớn cho ngân sách của cả nước. Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng nhanh về số lượng, vốn kinh doanh và có mặt khắp các lĩnh vực, thích nghi nhanh với các quy luật của thị trường, năng động, nhạy bén trong tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật tiên tiến... Trong khu vực kinh tế tư nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh có một bộ phận đáng kể là doanh nhân, hộ kinh doanh cá thể người Hoa.
Người Hoa là một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Từ lịch sử đến hiện tại, họ đã có nhiều đóng góp cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước Việt Nam. Người Hoa sinh sống ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng đông đảo nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh. Theo số liệu từ kết quả điều tra dân tộc thiểu số năm 2015, toàn thành phố có 418.167 người Hoa với khoảng 85.000 hộ (tỷ lệ hơn 5,26% dân số thành phố), trong đó có 53,59% sống tập trung ở Quận 5, Quận 6 và Quận 11. Cộng đồng này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh; họ cũng là cầu nối quan trọng cho quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các quốc gia có đông người Hoa sinh sống ở Đông Nam Á, Châu Á và trên thế giới.
Việc ban hành và áp dụng thành công các chính sách phát triển kinh tế tư nhân nói chung là cần thiết. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn mà tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến đổi, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng; trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Trung Quốc diễn biến phức tạp, đã tác động đến tâm tư, tình cảm và đời sống kinh tế, xã hội của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, thì việc phân tích, nghiên cứu sâu các hoạt động kinh tế tư nhân của người Hoa, làm rõ hơn về đặc điểm, tiềm năng, ưu thế, những mặt tích cực và hạn chế của cộng đồng này sẽ góp phần quan trọng phục vụ cho sự phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
Nội dung cuốn sách là kết quả của một công trình nghiên cứu của tác giả, qua đó phản ánh đời sống kinh tế - xã hội của người Hoa, phân tích, đánh giá thực trạng, những mặt tích cực, hạn chế của kinh tế tư nhân người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, làm rõ nguyên nhân, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung phát triển đúng hướng trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, tác giả đã sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh tế, kết hợp cả nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng, phương pháp luận kinh tế chính trị để luận giải về sự vận động và phát triển của kinh tế tư nhân người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Tác giả đã trực tiếp trao đổi, phỏng vấn chuyên sâu một số nhà doanh nghiệp người Hoa, nhà quản lý những lĩnh vực có liên quan, người am hiểu về người Hoa và hoạt động kinh tế người Hoa; sử dụng các phương pháp tổng hợp, phân tích, lô-gic kết hợp với lịch sử, kế thừa có chọn lọc những kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước; kết hợp điều tra, khảo sát thực tế tại một số địa bàn có đông người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó hoạt động kinh tế tư nhân của người Hoa tại Quận 5 mang tính khái quát, điển hình cao, nên phạm vi nghiên cứu khảo sát này tập trung vào các hoạt động kinh tế tư nhân của người Hoa tại Quận 5 trong mối quan hệ so sánh với Quận 6 và Quận 11, mốc thời gian khảo sát từ năm 2009 đến 2015.
Cuốn sách được chia thành 5 chương:
Chương 1. Người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua góc nhìn của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Chương 2. Người Hoa trong khu vực kinh tế tư nhân Thành phố Hồ Chí Minh – Lý luận và thực tiễn.
Chương 3. Lược sử định cư và đời sống kinh tế - xã hội của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh
Chương 4. Thực trạng đời sống kinh tế của người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2009-2015.
Chương 5. Quan điểm và giải pháp đối với phát triển kinh tế tư nhân người Hoa tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, trước hết, tác giả xin dành sự trân trọng và biết ơn các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước đã có những nghiên cứu, bài viết làm cơ sở cho việc đúc kết những lý luận quan trọng. Trân trọng cảm ơn Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Kinh tế Việt Nam, các nhà khoa học: Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hoài Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Lâm; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Khánh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Bảo; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thái Quốc; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Đình; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam; Tiến sĩ Nguyễn Bá Ân; Tiến sĩ Lưu Đức Hải, cùng các nhà khoa học đã chỉ dẫn, góp ý tận tình, giúp tôi hoàn thành công trình này.
Chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, cá nhân đã cung cấp nhiều tài liệu, thông tin có giá trị. Đặc biệt cảm ơn các vị nguyên là lãnh đạo Ban Công tác người Hoa, ông Nghị Đoàn, ông Hà Tăng, bà Lưu Kim Hoa, cùng các vị chủ doanh nghiệp người Hoa đã dành thời gian trao đổi, cung cấp tư liệu, tham gia trả lời bản câu hỏi khảo sát giúp tôi thực hiện công trình này.
Tôi cũng hết sức trân trọng sự hỗ trợ, động viên của gia đình, người thân, những người bạn thân thiết đã chia sẻ, tạo điều kiện, đồng hành bên tôi trong suốt quá trình thực hiện đề tài.
Trân trọng cảm ơn NXB Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện để cuốn sách được ra đời và đến với bạn đọc quan tâm.
Dù đã rất cố gắng, cuốn sách này không tránh khỏi sai sót. Rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc để có điều kiện hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng công trình.