Giới thiệu sách
Đức Phật Kể Con Nghe - Tập 3
Dành cho các bậc cha mẹ (Bao gồm các bậc cha mẹ là Phật tử), thầy cô giáo và những người quan tâm tới Phật giáo.
Là cuốn thứ ba trong bộ sách truyện kể Phật giáo: Đức Phật kể con nghe. Với những câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn và giáo dục, cuốn sách rất phù hợp cho những ai muốn có một bộ truyện kể cho bé trước giờ đi ngủ. Kết hợp với giọng kể từ tốn, chậm rãi và bài học rút ra ở cuối mỗi truyện, chắc chắn đây sẽ là cuốn sách gối đầu giường cho bé.
Cũng giống như những mẩu chuyện trong sách Đức Phật kể con nghe tập 1 và 2, những truyện kể trong sách Đức Phật kể con nghe tập 3 đã được cập nhật văn phong để trở nên lôi cuốn và gần gũi hơn với bạn đọc trẻ ngày nay.
Những câu chuyện nhỏ này khám phá thế giới các nhân vật và bối cảnh để giúp trẻ tiếp cận với chân lý ngàn đời được chuyển tải trong từng câu chuyện. Những câu chuyện tập trung vào việc giải thích tám nguyên tắc quan trọng làm nền tảng của Đạo Phật, thường được biết đến với tên gọi: Bát Chánh đạo.
Những hướng dẫn chi tiết hơn về Bát Chánh đạo sẽ được đưa ra trong phần giới thiệu, nhưng về bản chất thì các nguyên tắc này cung cấp cho ta quy tắc ứng xử trong đời sống hằng ngày: Hành động với sự tử tế và lòng từ bi, nói năng thận trọng, mưu sinh có đạo đức và dùng năng lực của tâm để kiểm soát tư tưởng.
Mỗi câu chuyện được dựa trên một trong tám nguyên tắc của Bát Chánh đạo và rút ra những ý nghĩa then chốt trong đó. Ví dụ, bạn sẽ đọc thấy câu chuyện về một con ngựa non tính khí bồn chồn học cách kiểm soát những suy nghĩ âu lo; một cậu bé đánh bại đảng cướp bằng sức mạnh của thiền định; một người hà tiện hiểu ra rằng chỉ riêng việc kiếm nhiều tiền thôi thì không tạo nên cuộc sống hạnh phúc; đứa con trai hư hỏng của vị công tước học được cách ăn nói thận trọng và trải tâm từ đến với người khác…
Phương pháp xuyên suốt trong cuốn sách này là khuyến khích sự hiểu biết của một người học trò của Đức Phật, của một học trò đang học hỏi theo những phương pháp của vị thầy.
Kinh Bản Sanh (Jataka), hay những truyện về tiền thân Đức Phật, được dựa trên một truyền thống truyền khẩu từ xa xưa, qua đó, những người lớn tuổi muốn chia sẻ tri thức triết lý sáng suốt bằng lối kể chuyện mạnh mẽ vào lúc kết thúc công việc của một ngày, khi những người nghe giữ tâm bình thản, thư giãn và sẵn sàng suy ngẫm về việc làm thế nào để sống tốt nhất. Bằng cách kể những câu chuyện này cho trẻ con nghe vào giờ đi ngủ, bạn sẽ vận dụng được sức mạnh và sự kỳ diệu từ cổ xưa của truyền thống kể chuyện. Việc dành thời gian chia sẻ những câu chuyện này, quan sát và đáp lại những phản hồi của trẻ cũng như khuyến khích trí tưởng tượng của trẻ trong việc khám phá những nhân vật và tình tiết truyện sẽ giúp bạn làm hiển lộ trí tuệ phong phú trong nền tảng của mỗi câu chuyện và nêu bật lên những chân lý bất diệt để chia sẻ với trẻ.
Bạn cũng có thể khuyến khích trẻ trải nghiệm một trong những khía cạnh chính yếu của Đạo Phật là thiền tập. Những câu chuyện sẽ là điểm xuất phát hữu ích cho tiến trình này, giúp trẻ thư giãn và điềm tĩnh. Phần giới thiệu còn đưa ra lời khuyên về việc kết hợp thiền định tạo thành thói quen trước giờ đi ngủ của trẻ. Ở cuối sách, bạn sẽ thấy có những chỉ dẫn về các phương pháp thiền định được gợi lên từ những câu chuyện để bạn cùng thực hành với trẻ.
Quan trọng hơn hết là hãy tận hưởng cơ hội chia sẻ với con trẻ sự bình yên và việc hiểu được những câu chuyện kể Phật giáo đơn giản nhưng sâu sắc này có thể làm thức tỉnh tâm hồn.
Trích đoạn hay trong Đức Phật Kể Con Nghe - Tập 3
Bà Ester đang ngồi một mình bên bếp lửa, chợt có tiếng gõ “cốc, cốc” ở cửa trước. Bà tự hỏi: “Ai lại đến vào lúc đêm khuya muộn mằn thế này nhỉ?” Bà ra mở cửa nhưng không nhìn thấy ai cả. Rồi bà bất chợt lùi lại, kinh ngạc vô cùng.
Trên bậc cửa là một cái giỏ lớn với một bé voi con bên trong! Ester lôi cái giỏ vào hẳn trong nhà. Voi con đang ngủ say, cuộn mình trong một chiếc chăn.
“Ừ, lá số tử vi của mình nói rằng mình sẽ nhận được một món quà bất ngờ. Hẳn là nó đây rồi”. Bà cười thầm, rồi mỉm cười với bé voi con đang say giấc. Bà lẩm bẩm: “Mình sẽ đặt tên cho nó là Lucky”.
Bà Ester chẳng bao giờ bận tâm đến việc vì sao Lucky được bỏ lại trên bậc cửa nhà bà. Chỉ là Lucky cần được ai đó chăm sóc và đó là việc bà đã làm. Công việc kể chuyện ở gánh xiếc chẳng kiếm được bao nhiêu tiền nên bà Ester nhận thêm việc giặt thuê và làm bất cứ công việc vặt vãnh nào khác để có thể nuôi nấng Lucky.
Lucky lớn lên thành một nàng voi con tràn đầy hạnh phúc. Mỗi ngày, nó cùng với những đứa trẻ trong làng bơi lội ở các vũng nước bên dưới thác nước trong rừng. Chúng chia nhau những ly nước chanh hay những cây kem, cùng rong chơi ngoài trời giữa những cây cổ thụ thân phủ đầy rêu xanh mướt.
Mùa thu, Lucky và lũ trẻ chơi đùa rượt đuổi nhau trên những đám lá rụng đầy. Khi mùa đông phủ tuyết xuống khắp nơi như một tấm thảm, chúng cùng nhau đắp lên những con voi bằng tuyết. Rồi trời ấm dần lên và mùa xuân lại về, mang theo những chồi non trên cây cối. Năm tháng dần trôi qua như thế, Lucky nhanh chóng lớn lên thành một nàng voi trưởng thành.
Một ngày nọ, Lucky nói với bà Ester: “Hôm nay mẹ hãy đi vào rừng. Trông mẹ mệt mỏi lắm. Chắc chắn việc đi dạo trong rừng sẽ rất tốt cho mẹ”.
“Nhưng mẹ phải đi làm”, bà Ester đáp lại. “Nếu mẹ không đi làm thì sẽ không có tiền mà không có tiền thì chúng ta không có thức ăn”.
Lucky chưa từng biết rằng việc kể chuyện của bà Ester không chỉ là để cho vui. Nó cũng không biết rằng toàn bộ công việc giặt thuê chỉ là để kiếm tiền mua thức ăn. Nó nhìn bà Ester kỹ hơn và lần đầu tiên, nó nhận ra bà đã già đi rất nhiều. Lucky suy nghĩ: “Mình còn trẻ và có sức mạnh. Mình cũng đã chơi đùa nhiều rồi. Bây giờ, nhất định mình phải dành thời gian làm việc”.
(Trích truyện: Bé voi hiếu thảo)
[...]
Aloka quấn một tấm chăn quanh mình và đi sang một cây sung gần đó để không khuấy động giấc ngủ của cả gia đình. Cậu bé muốn suy ngẫm về những ý tưởng êm ả và đi tới đi lui chậm rãi trong không khí mát lạnh của đêm. Khi chú tâm vào hơi thở, tâm ý cậu bé bắt đầu tĩnh lặng. Vị thầy của Aloka ở ngôi đền đã dạy cậu nên làm điều này khi nào thấy tâm ý quá xao động. Giờ đây cậu đã thấy tĩnh lặng và an ổn.
Điều mà Aloka hoàn toàn không biết là bản thân cậu và cả gia đình kia đang gặp phải một nguy cơ khủng khiếp. Từ xa, một băng cướp đã nhìn thấy đống lửa của họ và lặng lẽ băng rừng kéo đến. Vào lúc này, chúng đang ẩn núp sau một tảng đá, theo dõi Aloka và cả gia đình đang say ngủ.
Gã cầm đầu tên Cha thì thầm: “Trông có vẻ như cả gia đình kia đều đã ngủ say. Lúc này, trộm đồ của họ thật dễ dàng”.
Jao, tên phó đảng phụ họa: “Đúng vậy, trông qua dáng vẻ thì họ chỉ vừa mới ở chợ về. Hãy nhìn kìa, có hàng đống vải vóc!”
Cả gia đình ông Taai đang yên ổn say ngủ. Lúc này Aloka đã phát hiện ra những tên cướp nhưng cậu bé quyết định giữ bình tĩnh, đúng như những gì cậu đã học được. Aloka tự nhủ: “Nếu mình hốt hoảng lên thì sẽ chẳng ích gì”.
“Mình sẽ cố kiểm soát nỗi sợ hãi”. Cậu bé vẫn tiếp tục đi tới đi lui chậm rãi dưới gốc cây, luyện tập sự chú tâm.
(Trích truyện: Aloka và băng cướp)
Sách Đức Phật Kể Con Nghe - Tập 3 của tác giả Dharmachari Nagaraja, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí