Giới thiệu sách
Freelancing For Dummies
Bạn đã chán làm việc trong văn phòng và đang tìm kiếm sự thay đổi? Trong Freelancing for dummies, chuyên gia về freelance Susan M. Drake sẽ giúp bạn có được bước nhảy vọt trong sự nghiệp từ nhân viên thành sếp, mà không tốn quá nhiều công sức. Đây thực sự là bí quyết để bạn vững bước trên con đường tự làm chủ.
Cuốn sách được chia thành năm phần lớn bao gồm mọi khía cạnh trong làm việc tự do:
Phần 1 – Sẵn sàng độc hành: Giúp bạn đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân, xác định những cơ hội và trang bị đầy đủ cho sự nghiệp freelance.
Phần 2 – Mở cánh cửa và thế giới kinh doanh: Cung cấp cho bạn những lời khuyên trong việc thành lập công ty, xin giấy phép kinh doanh, thuê các chuyên gia…
Phần 3 – Khởi động cỗ máy “doanh nghiệp”: Giúp bạn nắm được những phương thức hiệu quả nhất để phục vụ khách hàng và tạo lập hình ảnh chuyên nghiệp; đồng thời hướng dẫn bạn cách tìm kiếm, đánh giá và xử trí với khách hàng.
Phần 4 – Quản lý tài chính: Cung cấp cho bạn lời khuyên về cách lập kế hoạch, xây dựng ngân sách và hạch toán chi tiêu; cách yêu cầu khách hàng trả tiền thù lao; đồng thời chia sẻ với bạn những bí quyết đầu tư cho tương lai.
Phần 5 – Danh sách mười điều: Đây là phần không thể thiếu của dòng sách For Dummies, bao gồm những phương pháp hữu ích để bạn có thể tận hưởng cuộc sống mới, tránh căng thẳng và chiều lòng khách hàng.
Mỗi cuốn sách For Dummies đều được chia thành nhiều mục nhỏ với nội dung chi tiết, do đó bạn đọc có thể dễ dàng tìm thấy chủ đề mình đang quan tâm. Ngoài ra, với các biểu tượng của cuốn sách, bạn đọc có thể nhanh chóng tìm thấy những lời khuyên, lưu ý, hay ví dụ thực tế bổ ích.
TRÍCH DẪN TỪ SÁCH:
Vì sao những khoản bổng lộc đầy hấp dẫn của các công ty vẫn không đủ sức giữ chân một số cá nhân và họ đều bước vào con đường làm việc tự do? Dưới đây chỉ ra một vài nguyên nhân tiêu biểu:
» Tăng thu nhập
» Giảm giờ làm
» Có thêm niềm vui
» Thoát khỏi những căng thẳng hiện tại
» Tự do tự tại hơn
Dù lý do của bạn là gì, mô hình này sẽ trở thành một cuộc chơi thú vị, đầy hứng khởi và mang lại cho bạn lợi nhuận – như một lợi ích đi kèm. Bạn còn thu được nhiều thứ khác khi làm việc tự do, cho dù không phải lúc nào bạn cũng nhận ra những lợi ích đó.
Các mô hình làm việc tự do
Người làm việc tự do được gọi bằng một vài cái tên khác nhau, và họ có rất nhiều cách thức làm việc.
» Đại lý tự do/người làm riêng: Những người thuộc nhóm này có thể làm việc theo giờ hoặc theo từng dự án, họ có thể đảm nhận cùng lúc nhiều dự án ở dạng từng phần hoặc toàn phần cho nhiều khách hàng khác nhau. Thời gian thực hiện từng dự án cũng dao động trong khoảng từ một giờ tới hàng tháng. Tương ứng với thời gian làm việc là những phương thức chi trả theo giờ, hoặc theo khối lượng công việc hoàn thành. Viết ấn phẩm quảng cáo, lên kế hoạch hội nghị hoặc lập sổ sách kế toán là những công việc điển hình của một đại lý tự do.
» Nhân viên hợp đồng thời vụ: Nhóm này làm việc cho các dự án với sự ràng buộc của hợp đồng. Họ thường làm việc ngay tại văn phòng của công ty chủ quản, thậm chí có trường hợp phải đi công tác xa hàng tuần hoặc hàng tháng. Nhìn chung, công việc thường gói gọn trong một khoảng thời gian xác định. Chẳng hạn, một lập trình viên máy tính có thể nhận làm việc toàn thời gian trong ba tháng cho một tập đoàn để giúp họ hoàn thành một dự án đặc biệt. Tiền công có thể được trả theo giờ hoặc theo khối lượng công việc. Các công việc điển hình của nhóm này thường là phát triển phần mềm, xây dựng chương trình đào tạo hoặc thiết kế hạng mục bổ sung cho một công trình.
» Tư vấn viên: Đối tác của nhóm này thường là các tổ chức với ngành nghề hoạt động đa dạng. Thông thường, công việc của họ là hỗ trợ các tổ chức này trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, chẳng hạn như nguồn nhân lực hoặc vận hành. Tư vấn viên có thể là các chuyên gia, cũng có thể là các nhà quản lý tổng quát. Trong một số trường hợp, tư vấn viên làm việc theo hình thức “đặt cọc”, nghĩa là hàng tháng họ sẽ được trả một khoản tiền công tối thiểu cho một khoảng thời gian nhất định, và được trả thêm khoản bổ sung nếu khối lượng công việc mà họ hoàn thành lớn hơn so với khoản tối thiểu ấy. Trên cơ sở thỏa thuận này, chủ lao động có thể lựa chọn sử dụng dịch vụ do các tư vấn viên cung cấp để đáp ứng nhiều mục đích khác nhau. Các công việc điển hình của nhóm này có thể là: đánh giá khả năng sinh lợi của một chi nhánh, xây dựng một quy trình mới để định hướng nhân viên hoặc phân tích cơ cấu tổ chức của các phòng, ban.
Ba định nghĩa khuôn sáo trên chỉ nhằm giúp bạn hình dung được phần nào những mô hình làm việc tiềm năng của các freelancer, song trong thế giới làm tự do, bạn mới chính là người quyết định. Chỉ có bạn mới xác định được đâu là mô hình hiệu quả nhất cho cả bạn và khách hàng, vì vậy bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn trở thành đại lý tự do, nhân viên hợp đồng thời vụ, tư vấn viên hoặc các hình thức thỏa thuận khác tùy theo công việc và nhân lực tham gia. Thế giới freelancer vốn không chịu ràng buộc bởi quá nhiều luật lệ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho bạn tùy ý sáng tạo phong cách làm việc.
Làm việc không sếp
Khi tôi bảo một người bạn freelancer chỉ ra điểm thú vị nhất trong công việc của cô, cô đáp: “Một vị sếp tuyệt vời!”
Có những lúc, bạn say sưa trong niềm phấn khích được hoàn toàn làm chủ mọi công việc của bản thân. Lại có lúc, bạn tha thiết mong chờ ai đó gánh vác trách nhiệm ra quyết định. Từ “tự do” trong cụm “làm việc tự do” quả là một con dao hai lưỡi. Nó giải phóng bạn hoàn toàn, nhưng đồng thời cũng đặt lên vai bạn trách nhiệm cao nhất.
Nhìn đâu cũng thấy sếp
Khi đầu quân cho một công ty, bạn chỉ có duy nhất một ông sếp; nhưng khi bạn tự chèo lái công việc làm ăn, tất cả các khách hàng đều sẽ trở thành sếp của bạn. Hẳn bạn sẽ hy vọng mình thu hút được nhiều khách hàng, song điều này nếu xảy ra, bạn sẽ phải làm việc dưới sự điều khiển của rất nhiều người. Như vậy, làm việc tự do ban đầu đem đến cho bạn cảm giác tự chủ, song muốn thành công, bạn phải xây dựng mối quan hệ với nhiều ông chủ khác nhau.
Nếu bạn đang nhắm tới con đường làm việc tự do vì muốn tránh tiếp xúc với những người mà bạn không thích, hãy nhớ điều này: để trở thành một freelancer thành công, bạn cần sự hợp tác thân thiện của mọi khách hàng, cũng như mọi đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực của mình. Bạn sẽ phải thân thiện với nhiều người, nín nhịn nhiều hơn và phải thỏa hiệp thường xuyên hơn nhiều so với hồi còn làm việc trong công ty.
Tự quản lý bản thân
Chương trình truyền hình Malcolm in the Middle có đoạn nhạc nền lặp đi lặp lại: “Giờ anh không còn là sếp của tôi nữa.” Nhưng trở thành freelancer nghĩa là bạn đã tự đặt mình vào vai sếp. Bạn vừa phải trả lời tất cả khách hàng, vừa trở thành người chịu trách nhiệm cao nhất. Thử tưởng tượng bạn tự mở một công ty, khi đó bạn sẽ trở thành vị sếp ra sao? Bạn sẽ làm được điều gì cho nhân viên? Rồi bạn sẽ thấy việc quản lý tốt bản thân còn khó gấp bội so với việc điều hành nhân viên, dù điều này thoạt nghe thật lạ lùng. Hãy đối đãi với bản thân bằng tất cả phẩm giá và sự tôn trọng, như cách bạn dự định sẽ đối đãi với nhân viên của mình. Bạn cần phải:
» Cho bản thân thời gian để làm quen với công việc
» Nhận ra những thành tựu của mình
» Tự tưởng thưởng khi hoàn thành xuất sắc công việc
» Tự cho phép mình nghỉ ngơi để thư giãn và tái tạo năng lượng
Sách Freelancing For Dummies của tác giả Susan M Drake, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí