Giới thiệu sách
Luận anh hùng (chém theo chiều gió 2)
Luận Anh Hùng (chém theo chiều gió 2) là tác phẩm mới nhất của tác giả Peter Pho. Anh hóm hỉnh nhận mình là "thánh chém" qua những câu chuyện kể trên trời dưới đất, thượng vàng hạ cám và luận điểm mà anh có dịp lắng nghe trong từng nhịp thở cuộc sống, dù là ở trời Tây hay trời Ta. Trên từng trang Facebook hay trang sách đượm mùi mực in, Peter “chém gió” nhưng lại là những luồng gió đem theo mưa rào về với ruộng cạn, như gió ấm thổi về trong đêm đông lạnh giá, rất đời, rất hữu ích. Luận Anh Hùng truyền tải nhiều chân lý làm người. Qua lời văn hài hước, gần gũi, lắm lúc pha trộn chất giang hồ, nhưng người đọc vẫn thấy thú vị, khoái cảm miên man, tính vui nhộn, uyên thâm, đọc nhưng không nhàm, đọc để hiểu đủ điều từ anh, một con người đa tài tỏa sáng những kiến thức của bản thân đến mọi người. Có quá nhiều câu chuyện thú vị tưởng chừng như khó tin nhưng bạn chỉ cần nhắm đôi mắt lại, nghĩ thật thấu đáo sẽ tìm thấy những chân ái cũng như lẽ sống.
Những bài viết độc đáo với nhiều luận giải tưởng đùa nhưng thật trong Luận anh hùng có thể nhắc đến như: Bài ca sinh mệnh, Con tạo xoay vần, Sắc đẹp Việt Nam, Chỉ có lợi ích vĩnh viễn, Luận anh hùng, Thần thái, Bàn về nghệ thuật dùng người và quản lý của Trump, Mỹ - Việt giao duyên, Ếch Sơ Sai, Văn hóa cà phê, Never give up - Đừng bao giờ bỏ cuộc, Động phòng kiểu vua chúa, Tiền bạc và hạnh phúc, Ở điểm cuối cuộc đời, Núi không cần cao - Nước không cần sâu, Sống cùng sói sẽ thành sói - sống cùng lợn sẽ thành lợn, Dance with Face, Một cuộc gặp - một cuốn sách - một con người, v.v..
Để lý giải cho phong cách viết như đôi mắt nhìn sâu vào mọi vật trong cuộc sống, dù chỉ là một chiếc lá cũng đủ làm nên chân lý. Có thể tìm hiểu đôi chút về tác giả Peter Pho. Anh tên thật là Phó Đức An, sinh ra ở Hà Nội và mang 2 dòng máu Việt – Trung. Anh sang Mỹ năm 1979, lăn lộn bôn ba đủ nghề ở nước ngoài, bắt đầu bằng công việc làm thuê. Trong suốt những năm tháng lăn lộn giữa dòng đời, có những lúc thất bại tưởng như không còn gì trong tay, và anh lại bắt đầu lại từ đầu để xây dựng cho mình sự nghiệp kinh doanh riêng. Với anh không có khái niệm bỏ cuộc. Hiện, anh là một nhà đầu tư tại Mỹ và Hongkong, đồng thời là một cây bút viết bình luận quốc tế và tạp văn có hạng. Từng ấy năm bươn chải đã hun đúc lên một Phó Đức An đa tài, đa cảm, đa văn hóa, đa ngôn ngữ. Anh không quên ủng hộ và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cộng đồng cần giúp đỡ, và lợi nhuận kinh doanh từ tập sách này anh có được sẽ dùng để giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.
Peter đọc nhiều, nhớ dai. Từ Tứ thư, Ngũ kinh của các Nho gia Trung Quốc, đến sách cổ điển và hiện đại xưa và nay. Peter Pho cũng lãng mạn và thích thơ ca, sân khấu. Sáng tác của Peter Pho chất chứa những “áng văn chương giàu cảm xúc, sôi nổi, bay bổng, muôn màu muôn vẻ, yêu nhà, yêu nước, yêu xưa, yêu cả nay. Giang san vẫn còn đó, đã mấy độ chiều nghiêng bóng xế, trăng rơi mặt hồ mà đời người kiếp kiếp nổi trôi ngụp lặn trong cuộc tranh giành thua được. Anh viết như là tổng kết cả một cuộc đời tung hoành dọc ngang nhưng lại là những vật phẩm vô cùng quý giá trên văn đàn để mọi người cùng thưởng thức.
Trong các bài viết, tính triết lý về cội nguồn - nhân sinh - tôn kính cha mẹ - đạo nghĩa - nghĩa vợ chồng - bạn bè - những bài học lãnh đạo và quản lý kinh doanh - nhận diện bản thân… luôn hiện hữu. Câu nói Peter Pho ưng nhất vẫn là câu nói của Henry John Temple Tử tước Palmerston (1784-1865): “Không có bạn vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”. Bởi lẽ, chính trường là vậy, thương trường là vậy, cuộc đời cũng vậy. Câu nói này, chính là trí tuệ ngoại giao trong trường quốc tế. – Trích Chỉ có lợi ích vĩnh viễn
Anh khắc họa nên một dòng chảy của đời người như Bài ca sinh mệnh: “Đời người như thiên nhiên, mỗi một sự kiện đều như những chiếc lá, không ngừng âm vang những tiết tấu cuộc đời. Cuộc sống bao hàm rất nhiều những hòa âm và giao hưởng, sinh mệnh là một chuỗi của bi thương và hoan lạc. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc, thì nhất định bạn sẽ sống hạnh phúc và sẽ sáng tác ra một bản trường ca sinh mệnh hào hùng cho chính mình”.
Trái lại, khi cảm luận đến Bàn về nghệ thuật dùng người và quản lý của Trump, không khí văn chương lại sôi sục:
“Không bao giờ bỏ cuộc
Không bao giờ hạ thấp ngọn đèn của bạn
Không bao giờ dừng lại cho đến khi đầm lầy khô”.
Đó là bức tranh của John McNaughton, một họa sĩ Mỹ đồng thời là một fan hâm mộ Tổng thống Donald Trump gần đây đã sáng tác một bức tranh sơn dầu miêu tả lại không khí chính trị hiện thời tại Washington với tiêu đề “Crossing the Swamp”, vượt qua đầm lầy của Washington, triệt để chỉnh đốn không khí chính trị ở đây, bịt miệng những tay chỉ nói suông ngoài cửa miệng. Từ đó giành lấy quyền lực chính trị để cùng nhau xây dựng lại giấc mơ Mỹ, đưa nước Mỹ mạnh mẽ, vĩ đại trở lại.
Trở lại với Văn hóa cà phê của Việt Nam cũng đa dạng lắm chứ, nói bốc lên là cứ 3 bước thì có 1 quán cà phê hay mỗi người trong chúng ta ít nhất cũng ngửi ra mùi cà phê một lần trong ngày nên “không một nước nào cà phê lại gắn liền với cuộc sống người dân Việt Nam mật thiết thiết thế, quan trọng thế, đằm thắm thế. Số lượng quán cà phê ở Việt Nam là Number One trên thế giới”. Văn hóa cà phê của người Việt là bầt kể giờ giấc, giờ nào trong ngày cũng có thể thưởng thức cà phê. Bạn tin chứ?
Dẫu là múa bút để làm vui lòng quý độc giả sau những bộn bề cuộc sống, thế nhưng một thánh chém hài hước trên văn đàn không tránh khỏi có lúc ứa lệ khi thì thầm đến câu hát của người anh trai Phó Đức Phương như Những cô gái trên quê hương quan họ và Mơ quê của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ với ca từ nao lòng “Về đi thôi, ta về đi thôi”. Chỉ cần vô tình hay hữu ý nhắc về quê hương, nỗi lòng người con xa xứ lại trỗi dậy và không thể ngừng nhớ nhung.
Sách Luận anh hùng (chém theo chiều gió 2) của tác giả Peter Pho, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí