Giới thiệu sách
Ma Thuật, Bùa Chú và Tục Việt Vu Kê Bốc Trong Tín Ngướng Dân Gian Của Người Việt
Một giới thiệu tổng quan về vu thuật của người Việt
Bùa chú từ thuở sơ khai của con người đã xuất hiện với nhiều ý nghĩa được gán vào, thể hiện mong ước của con người về sức khỏe, hạnh phúc và cuộc sống trần thế. Tùy theo hình thức và hình ảnh mà chúng thể hiện, người ta cho là bùa có năng lực truyền cho con người sức khỏe, trí khôn, sự tươi vui trong cuộc sống và những lạc thú thân xác v.v...
Chỉ qua xem xét về mặt ngôn ngữ theo lối duy danh định nghĩa, rõ ràng đã cho thấy bùa không chỉ có ở những nước sử dụng chữ Hán, mà nó còn được sử dụng bằng cả những loại hình văn tự hoặc ký hiệu khác từ thời Ai Cập cổ đại để canh giữ xác ướp. Điều này cũng đã hé lộ khía cạnh tâm linh của bùa, một khía cạnh vô cùng quan trọng của bùa chú. Như vậy, có thể coi tín ngưỡng, tôn giáo như là nền tảng văn hóa tâm linh về bùa chú của người Việt. Chính vì vậy, tác giả Kiều Thu Hoạch chủ trương tìm hiểu cội nguồn bùa chú của người Việt trong cộng đồng Bách Việt, với tục “Việt vu kê bốc”, thông qua công trình Ma thuật, bùa chú và tục Việt vu kê bốc trong tín ngưỡng dân gian của người Việt.
CHÚ GIẢI:
Việt vu kê bốc – Tục bói gà trong vu thuật của người Việt. Phạm Thành Đại (1126-1193) đời Tống trong Quế Hải ngu hành chí ghi chép khá tường tận về tục bói gà của người Việt: “Bói gà, đó là phép bói của người Nam, lấy gà trống bó chặt hai chân, đốt hương cúng bái nói điều cần bói, sau đó giết gà, rửa sạch xương đùi mà xem điều lành dữ. Có 18 phép để xét điều tốt xấu. Họ còn bói cả trứng gà, vẽ mực đen lên vỏ trứng, sau khi đã luộc, xem chỗ dấu mực vẽ mà đoán điềm lành dữ”
TRANH BÌA 1
Bà đồng trong lễ lên đồng.
Trích đoạn hay trong sách Ma Thuật, Bùa Chú và Tục Việt Vu Kê Bốc Trong Tín Ngướng Dân Gian Của Người Việt
“… Điều thú vị là tình hình sử dụng bùa chú trong xã hội người Việt Nam nói chung hầu như vẫn còn được sử dụng chí ít là trong việc thờ cúng, trấn yểm...
Là người nghiên cứu văn hóa Việt Nam, chúng tôi từng nghiên cứu về các loại tôn giáo truyền thống như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, đồng thời cũng đặc biệt hứng thú nghiên cứu các loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt trong đó có vu thuật (ma thuật), bùa chú... vì thế, chúng tôi coi đây là một đề tài cần khám phá, tìm hiểu nhiều mặt, cố gắng để có những đóng góp mới.”
(trích Dẫn nhập)
[...]
“Cũng có nhiều trường hợp người ta không cần đến người trung gian. Bởi ở người Việt, tính ma thuật gần như bao trùm hết mọi hình thức phụng thờ, hay ít nhất thì nó hòa lẫn vào những hành vi chính yếu của việc phụng thờ. Việc cúng tế được quan niệm là quan trọng hơn cả, bởi vì nhằm thỏa lòng các quyền lực siêu nhiên, và mang lại cho đương sự nhiều ân huệ. Vì thế cần phải được thần thánh chấp nhận, phải dâng cúng đúng lúc, vào đúng thời điểm để chắc chắn được ưng thuận. Nhưng thường thì không đủ để sử dụng trong các trường hợp riêng biệt. Bởi thế, thay vì nhờ thầy bói, người ta đơn giản là xin xăm may rủi, khi thì đẽo hai thanh gỗ theo hình quả đậu, khi thì dùng hai đồng tiền mặt ngửa có chữ thì đánh dấu vôi để làm dụng cụ bói âm dương. Khi bói, người chủ sự đặt ngửa hai đồng tiền ở ngón giữa trong lòng bàn tay, tay phải đặt trên bàn, tay trái ở trước ngực, miệng lâm râm khấn với thần linh, vừa thở bằng miệng vừa báo cáo với thần vào ngày giờ nào đó, đương sự nào đó xin được phép cúng lễ, ông ta xin thần cho biết là thần có ưng thuận cho phép hay không. Rồi đột nhiên ông ta mở tay ra để rơi hai đồng tiền trên đĩa. Nếu hai đồng tiền một sấp một ngửa có nghĩa là thần ưng thuận. Trường hợp câu trả lời không tốt, thì ông ta làm lại hai lần, ba lần để xem đúng là có phải thần không thuận hay không. Nếu thần cứ từ chối mãi, thì người ta chờ một ngày khác tốt lành hơn, hoặc muốn nài nỉ để thần thánh ưng thuận ngay, thì người ta chỉ nghỉ một lát rồi lại tung tiền cho đến khi có câu trả lời ưng thuận của thần. Thế là thần đã bị thuyết phục và nhận lời.”
(trích Phần một: Tổng quan lịch sử bùa chú)
[...]
“Phép này luận sự chân gà
Chép làm một chuyện người ta được dùng
Xem cho biết sự cát hung
Hoặc phải hoặc dữ xét trong xét ngoài
Dầu thấy nội động có tai
Vô tai vô động ai ai sá nhìn
Móng cái có máu hồng lên
Mỗi chấm nho nhỏ cái động liền tai
Ngón ngoài ngoài động đã hay
Ngón nội nội động thực hay sẽ bàn…”
(trích Việt vu kê bốc)
Sách Ma Thuật, Bùa Chú và Tục Việt Vu Kê Bốc Trong Tín Ngướng Dân Gian Của Người Việt của tác giả Kiều Thu Hoạch, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí