Giới thiệu sách
Má và Con
Còm khác chứ! Nó đã thấy người dì – bà kia, giống má ruột của mình. Thực lòng đó!
Trích đoạn:
-1-
Đây là chuyện xảy ra từ năm năm trước.
Má Còm mất sau khi sinh thằng Út và chăm nuôi nó mới được ba tháng. Năm ấy Còm sáu tuổi, mới đi học lớp Một, chưa có hiểu biết nhiều về những chuyện sống chết của con người. Nó nghe người lớn nói về nguyên nhân cái chết của má là do bị bệnh “Ung” gì đó mà nó không nhớ, cũng không hiểu. Là thế nào hay tại vì sao thì má Còm cũng đã bỏ năm anh em nó sống trên đời với ba để đi về một chốn nào xa xôi lắm, không bao giờ trở lại nữa. Sau đám tang, Còm hỏi mấy người lớn hàng xóm rằng má nó đi đâu lâu quá không thấy về, họ trả lời: “Má mày đi buôn muối rồi”. Mãi sau Còm mới hiểu câu nói ấy nghĩa là má nó ra đi mãi mãi không về. Sau lần đau thương ấy, bà ngoại phải lên nhà Còm ở để chăm nuôi thằng Út. Lúc đầu chỉ là để “giải quyết khó khăn trước mắt” - nói theo ba Còm - tiếp đó thì vì không có cách nào hơn, bà ngoại phải ở lại suốt hai năm dài để nuôi thằng cháu Út, tập cho nó nói những tiếng nói đầu tiên, gọi “Ba”, gọi “Ngoại” cho tới khi nó nói được khá sõi...
Ba năm trước.
Khi thằng Út được hơn hai tuổi, vào một ngày Chủ nhật nọ, ba Còm lấy xe gắn máy đi ra khỏi nhà từ sáng sớm, đến khoảng mười giờ thì ông về. Từ yên sau chiếc xe Cup 50 cổ lỗ sĩ của ông bước xuống là một người phụ nữ trạc tuổi má Còm, dung mạo cũng trung bình như má Còm (Nói đúng ra thì còn kém một chút), tay xách cái va li nhỏ căng phồng, vai đeo một cái túi vải cũng căng phồng.
Ba nó dẫn người phụ nữ vào nhà chào bà ngoại Còm. Ông nói:
- Dạ thưa má, đây là người mà con đã thưa chuyện với má, được má cho phép nên bữa nay con dẫn về nhà.
Người phụ nữ kia cúi đầu lễ phép chào ngoại của Còm với một vẻ rụt rè. Xong, bà ta nhìn qua bốn trự con trai đang đứng xếp hàng ngang giương mắt ếch nhìn người lạ. Lúc ấy, đứa thứ năm là thằng Út đang được ngoại cho ăn dặm, tự tay nó cầm muỗng múc ăn, cháo nhoe nhoét miệng. Nó là đứa duy nhất trong năm đứa không tròn mắt nhìn người phụ nữ vừa xuất hiện mà chỉ ngẩng lên nhìn một lần rồi cúi xuống tiếp tục ăn.
Ba Còm nhìn một lượt bốn thằng con trai từ bốn tới mười hai tuổi - Là tuổi hồi năm đó - đứa thì quần đùi áo thun ba lỗ, đứa ở trần, đứa nào cũng mồ hôi đẫm trán, lưng, ngực vì vừa qua một trận đấu vật hết cỡ với nhau dưới khoảng diện tích nền nhà chưa đầy hai mét vuông. Ông chậm rãi nói:
- Mấy đứa bây nghe đây, từ nay đây là người sẽ thay má tụi bây coi sóc việc nhà mình. Bốn đứa khoanh tay lại, chào má đi!
Còm, thằng Tư, thằng Năm cùng quay qua nhìn anh Hai. Anh Hai nó khoanh tay, tụi nó khoanh tay theo. Anh Hai nó nói nho nhỏ:
- Dạ... con chào... dì...
Còm cùng hai đứa em nói theo anh Hai:
- Dạ... tụi con chào... dì...
Ba Còm nghiêm giọng:
- Chào lại! Không phải dì mà là má!Nghe chưa?
Ba anh em thằng Còm lại quay qua nhìn anh Hai. Anh Hai nó vẫn còn vòng tay, nói lại câu chào:
- Dạ... con chào... dì...
Còm cùng hai đứa em chưa kịp bắt chước anh thì đã nghe một tiếng “Bốp!”. Ba tụi nó xáng một cái bạt tai thiệt mạnh vào giữa một bên má thằng con trai lớn. Nơi bị tát của anh Hai đỏ ửng lên trong khi đôi mắt anh quắc sáng ý chống đối và đôi môi thì mím lại bướng bỉnh!
Bà ngoại chứng kiến, sững sờ không nói được gì. Trong khi đó người phụ nữ mà ba Còm bắt anh em nó phải gọi là “Má” vội chạy tới kéo tay ba nó ra xa rồi bà đứng che lấy anh Hai của Còm, nói với anh:
- Các con gọi dì là dì cũng được rồi...
Anh Hai không khóc nhưng trên cả hai gò má anh có hai giọt nước mắt lăn ra. Còm cắn môi, bực tức lắm nhưng không biết phải làm gì. Thằng Tư, thằng Năm thì đứa mới lên sáu, đứa mới lên bốn chưa biết gì, riu ríu bước tới ôm lấy anh Hai.
Còm nhìn người phụ nữ, nói thầm trong đầu mình: “Bà là người gây ra cớ sự này. Rồi bà sẽ biết tay anh em tôi!”.
-9-
Còm thương má nhất nhà. Chỉ là nó không nói ra lời đó thôi. Đúng ra thì ban đầu tình cảm đó chỉ là tình thương bình thường của một đứa con với người sinh ra mình trên đời, cho mình bú mớm, dạy mình nói từng lời đầu tiên. Lên bốn, Còm đã nói sõi, là một đứa trẻ lanh lợi và hiểu nhiều chuyện. Trong ngày về chơi nhà ngoại dưới huyện, Còm tình cờ nghe bà ngoại kể rằng “ngày xưa” khi sinh ra Còm, hai má con nó suýt chết vì nó ra ngược khiến cô đỡ nông thôn lung túng không biết xử lý ra sao. Sau này má nó kể lại thêm rằng nếu chậm hơn một lúc nữa mà nó vẫn chưa ra đời thì cả hai má con cùng có thể bị nguy hiểm tính mạng. Trong những giây phút thập tử nhất sinh ấy, má nó lấy hết sức lực còn có được, rặn hết sức cho Còm chui ra thoát ngộp, khóc tiếng khóc đầu đời. Những lúc vui vẻ sau này, má hay nói với Còm: “Hai má con mình đã suýt chết cùng nhau thì mình sẽ sống cùng nhau hoài phải không Còm?”.
Vậy nhưng má đã bỏ Còm mà ra đi vĩnh viễn…
Bà kia xuất hiện, dẫu có giỏi giang thế nào thì cũng không thể thay thế mà Còm trong lòng nó. Nó chỉ là một thành viên nhỏ trong gia đình nên chẳng làm gì được bà kia, nhưng đợi tới khi nó lớn lên, đi làm kiếm được tiền để sống, ắt sẽ phải khác đi. Nó sẽ ra ngoài thuê nhà ở riêng, thuê tiệm rọi thêm tấm ảnh mới cho má rồi lập bàn thờ riêng, khỏi phải nhìn thấy mặt bà kia mỗi ngày”.
-13-
Đêm ấy nằm ngủ Còm mới chợt nghĩ lại ý kiến của nó nói với ba. Lạ chưa! Lẽ ra với tình cảm trước nay của nó, thì nó sẽ phải đồng ý để bà kia đi làm thêm chứ. Cho bõ ghét! Vậy mà sao nó lại không đồng ý. Có lẽ đúng ra phải là như vậy. Thời gian qua, người dì đã chu toàn mọi việc trong nhà để ba nó yên tâm đi làm, anh em nó vô tư đến trường học hành, vô tư ra công viên chơi vui, thỉnh thoảng còn làm “đô vật” thi tài với nhau khiến đụng bàn làm xê dịch, rồi làm đổ ghế, đạp văng cái xô nước, cái thùng các tông chứa đồ lặt vặt nào đó... vậy mà bà chỉ nhắc nhở với giọng ôn tồn chứ chưa lần nào la mắng...
Còm tự hỏi phải chăng sau khi anh Hai thay đổi thái độ từ lần được ba dẫn đi đâu, nói “chuyện người lớn” nào đó, tới lượt thằng Tư, thằng Năm có nhiều dấu hiệu “phản bội”, thì bây giờ đến lượt nó “nghiêng ngả”?
Còm nằm nhích lại sát anh Hai, thủ thỉ hỏi:
- Hồi trước ba chở anh Hai đi đâu rồi nói chuyện bí mật gì với anh Hai phải không? Bây giờ em lớn rồi, anh Hai nói cho em nghe đi?
- Ừ! Bây giờ thì được. Bữa đó ba kể cho tao nghe rằng ba gặp dì trong đám giỗ một người quen rồi tình cờ biết rằng dì là con gái người bạn với bà ngoại hồi ở quê miền Tây. Ba lại biết dì đã lập gia đình, có bầu hai lần đều bị hư, bác sĩ bảo là không thể có con nữa, nên ông chồng bỏ đi lấy vợ khác. Dì đã xin việc trong một cô nhi viện để có dịp nuôi dạy những “đứa con” cho thỏa lòng khát khao được làm mẹ. Sau lần ấy hai người còn gặp nhau nhiều lần nữa. Cuối cùng ba ngỏ lời nếu dì chịu về nhà mình thay má thì dì sẽ có một lúc mấy đứa con mà không khí gia đình nhỏ dù sao vẫn ấm cúng hơn ở cô nhi viện... Trước đó thì ba đã hỏi ý kiến bà ngoại và được bà ngoại cho phép.
- Nghĩa là bà kia đơn giản chỉ vì muốn được làm má?
- Ừ! Ba còn nói thêm là gia đình mình phải biết ơn dì mới đúng. Tự dưng về nhà mình hầu từ ba tới thằng Út, cực khổ hơn hẳn làm việc ở cô nhi viện. Lúc nghe ba kể chuyện thì tao nhớ ngay buổi ra mắt, tao đã không chịu gọi dì là má, thiệt là đáng ăn cái tát của ba lắm chớ không oan. Chắc sắp tới, anh em mình phải đối xử khác với dì mới đúng!
Còm không nói gì. Gần đây, anh Hai đã bớt gọi bà kia khi nói chuyện với anh em Còm mà chuyển qua gọi là dì!
- Mày ngủ rồi hả Còm?
Còm vẫn nằm im. Thèm làm má! Có thiệt đó là ước muốn của bà kia? Người lớn quả tình khó hiểu. Rất khó hiểu!
Thông tin tác giả Nguyễn Thái Hải
Năm sinh: 1950. Quê quán: Thái Bình. Nơi sống và làm việc: Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Giải thưởng văn học:
- Truyện dài Cha con ông Mắt Mèo, giải khuyến khích cuộc vận động sáng tác “Vì tương lai đất nước” của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Trẻ, 1993
- Truyện ngắn Hai con diều bay thấp, giải nhì cuộc vận động sáng tác “Tình bạn tuổi thơ” của Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch (2006-2007)
- Tiểu thuyết Lời nguyền hai trăm năm, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1989-1990)
Sách Má và Con của tác giả Nguyễn Thái Hải, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí