Giới thiệu sách
Nghề Cổ Nước Việt Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại
“Trong suốt hai trăm năm công nghiệp hóa và đô thị hóa, nhân loại mất đi nhiều nghề thủ công truyền thống không bao giờ phục hồi lại được nữa. Cho đến xã hội thông tin và công nghệ toàn cầu hiện nay, với sự phát triển toàn diện của ngành design, các nghề thủ công cổ được nhìn nhận lại, trước tiên phục vụ cho công việc bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể, sau đó là những ngành design thủ công và độc bản cũng có cơ hội kinh doanh. Việt Nam không nằm ngoài vấn đề này, mặc dù công nghiệp của nước ta chậm phát triển, chỉ trong thế kỷ 20, nhưng do chiến tranh, những chính sách kinh tế không thích hợp, nhiều làng nghề thủ công và nghệ thủ công truyền thống cũng suy thoái và biến mất.
Cho đến nay, không có một thống kê chính xác Việt Nam từng có bao nhiêu làng nghề, phường nghề và nghề thủ công truyền thống, cái nào mất, cái nào còn, cái nào biến đổi trong cơ giới hóa và dây chuyền, gần đây còn là áp dụng công nghệ, ví dụ tiện chạm công nghệ theo mẫu mã, hoặc in 3D. Sách về làng nghề và thủ công truyền thống không nhiều và cũng chưa thật đi sâu vào chuyên môn mang tính kỹ thuật, lý do là ngành nghiên cứu Việt Nam không có truyền thống và rất hạn chế về đầu tư, những người biết nghề thì có xu hướng giữ kín nghề nghiệp, nên không bao giờ công bố các công thức và kỹ nghệ, những người viết về làng nghề và nghề thủ công chủ yếu là các nhà văn hóa có hạn chế nhất định về tay nghề và cũng chẳng có ai có thể nắm được mọi kỹ thuật nghề nghiệp mà viết từng nghề cho rành rọt. Đây là công việc của nhiều thế hệ và nhiều người. Việc những nhà văn hóa viết về làng nghề và nghề thủ công đã là quý lắm, bởi họ có ý thức giữ gìn truyền thống trong khả năng có thể.
Cuốn Nghề cổ nước Việt – từ truyền thống đến hiện đại” của Vũ Từ Trang, ra mắt trong năm nay, do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành, là một công trình đáng kể, sau nhiều năm hoạt động văn chương và nghiên cứu văn hóa của tác giả. Ông xuất thân là một trí thức làng Sặt (Trang Liệt) ở Từ Sơn, Bắc Ninh, quê hương của nhiều di sản văn hóa và làng nghề, nguyên việc khảo cứu làng nghề Kinh Bắc xưa đối với ông là hoàn toàn thuận lợi và các làng nghề Kinh Bắc cũng cởi mở hơn rất nhiều nơi khác trong việc cung cấp thông tin cho người nghiên cứu. Vũ Từ Trang từng 20 năm làm phóng viên chuyên theo dõi và viết về đề tài tiểu thủ công nghiệp. Từng được đi hầu hết các làng nghề thủ công truyền thống.
Tập sách với 25 nghề cổ:
1. Nghề làm gốm và các làng gốm.
2. Nghề rèn.
3. Nghề đúc đồng.
4. Nghề chạm vàng bạc.
5. Nghề làm cầy bừa.
6. Nghề làm nón.
7. Nghề đan tre, song mây.
8. Nghề làm giấy.
9. Nghề làm lược.
10. Nghề làm quạt.
11. Nghề sơn then, sơn thếp, sơn mài.
12. Nghề làm pháo và pháo khổng lồ.
13. Nghề làm tranh dân gian.
14. Nghề chạm khắc đá.
15. Nghề mộc, nghề chạm khắc gỗ.
16. Nghề dệt chiếu cói.
17. Nghề làm mành trúc, mành tre, mành cọ.
18. Nghề làm đồ chơi.
19. Nghề làm đường mật, bánh kẹo.
20. Nghề làm hương xạ, hương trầm.
21. Nghề đóng thuyền.
22. Nghề chế biến thực phẩm.
23. Nghề làm đồ gia dụng.
24. Nghề làm vật liệu cơ khí.
25. Nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt vải.
Không phải nói thì ai cũng biết để khảo cứu được từng nghề một cách nghiêm túc có chiều sâu, tác giả mất nhiều năm tháng lăn lộn trong thực tế thế nào. Mỗi bài viết là một chuyên khảo nghiên cứu công phu từ địa lý làng nghề, tổ nghề và thời điểm xuất phát, nghi lễ tín ngưỡng cho làng nghề, sự truyền nghề và những đặc điểm kỹ thuật và sản phẩm của nghề. Cấu trúc của từng bài khác nhau, nhưng vấn đề nội dung tương đối chung nhất, từng mục nông sâu do khả năng khai thác của tác giả và tư liệu để lại, do đó mà từng bài lại không có mẫu nào chung nhất. Mặt khác vốn là nhà văn, ông chú trọng nhiều đến khía cạnh văn hóa của làng nghề.” (Trích Lời bạt - Phan Cẩm Thượng)
Sách Nghề Cổ Nước Việt Từ Truyền Thống Đến Hiện Đại của tác giả Vũ Từ Trang, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí