Giới thiệu sách
Nguồn Gốc Và Sự Hình Thành Giọng Quảng Nam
“Trong cuốn sách này, Andrea Pham đã sử dụng những phân tích ngôn ngữ học và chứng cứ lịch sử của Việt Nam để đưa ra lời giải đáp xác đáng cho giả thuyết về nguồn gốc của tiếng Quảng Nam, làm thông suốt, gỡ rối những đặc trưng khó hiểu trong giọng nói này. Giọng Quảng Nam nổi bật so với các giọng nói chung quanh trong nhiều phương diện, nhưng lại có chung nhiều nét với một số thổ ngữ Bắc Trung Bộ ở xa xôi như tận ngoài Hà Tĩnh. […]. Ứng dụng một cách thành thạo kỹ năng phân tích âm vị học với dữ liệu điền dã thu được, tác giả đã đưa ra một trường hợp khả tín cho luận điểm của mình, rằng các đặc điểm này của giọng Quảng Nam phát sinh từ các di dân phía bắc, vào vùng Quảng Nam từ thế kỷ thứ 15... Cuốn sách sẽ thu hút sự quan tâm từ các nhà ngôn ngữ học, các chuyên gia về nhân học văn hoá học, và bất cứ ai muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.” - Giáo sư Michael Kenstowicz, Khoa Ngôn ngữ và Triết học, Đại học MIT, Hoa Kỳ
Cuốn sách gồm 8 chương, cụ thể:
- Chương 1: Giọng Quảng Nam trong bức tranh chung phương ngữ Việt
- Chương 2: Ngữ âm, âm vị giọng Quảng Nam - Giọng nói “một mình một chợ”
- Chương 3: Di dân Thanh - Nghệ - Tĩnh và Quảng Nam: Sự khai sinh của một phương ngữ
- Chương 4: Đức An, Hà Tĩnh - Một cái duyên tình cờ
- Chương 5: “Tìm em như thể tìm chim” - Thổ ngữ làng Thạc, xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa
- Chương 6: Các giải thích khác về sự hình thành giọng Quảng Nam
- Chương 7: Tìm dấu vết giọng Quảng Nam qua văn bản quốc ngữ thế kỷ thứ 17
- Chương 8: Con người là nguồn nước, là khí trời của nhau
Lời ngỏ
Giọng nói của người tỉnh Quảng Nam - và ở phần phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi - đã là nguồn cảm hứng cho bao nhiêu giai thoại và truyện cười dân gian. Cuốn sách này là một cố gắng “giải mã” căn nguyên của những giai thoại ấy.
Một trong những khó khăn của chúng tôi khi biên soạn cuốn sách là không có nhiều tư liệu về hệ thống âm vị của các phương ngữ tiếng Việt. Trong các nghiên cứu trước đây, các nhà ngữ học thường chú trọng vào miêu tả mặt ngữ âm của giọng Quảng Nam, so sánh với các giọng địa phương chính như giọng Bắc hoặc Nam, và không đi xa hơn việc liệt kê các nguyên âm, phụ âm và thanh điệu. Các nghiên cứu thường có ý hướng vào những nét tương đồng nhiều hơn là dị biệt. Không có nghiên cứu nào thử giải thích lý do vì sao có các khác biệt này, hoặc các biến đổi âm thanh đã diễn ra như thế nào.
Cuốn sách này là một nỗ lực khiêm tốn, trước hết miêu tả giọng nói của người Quảng Nam, sau nữa là cố gắng đưa ra giải thuyết vì sao giọng Quảng Nam lại khác xa đến thế so với các giọng địa phương lớn của tiếng Việt, và con đường biến đổi của các âm và vần để đưa đến hình dạng ngày nay của tiếng Quảng Nam. Nhiều chuyến điền dã đã được thực hiện không chỉ ở Quảng Nam mà còn ở Hà Tĩnh và Thanh Hoá, hai phương ngữ nền tảng đã cung cấp chất liệu cho việc hình thành giọng nói Quảng Nam.
Về các sự kiện lịch sử và các cuộc di dân, với tủ sách cá nhân hạn chế ở Hoa Kỳ, chúng tôi phần lớn dựa vào các bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thưcủa Ngô Sĩ Liên soạn dưới thời vua Lê Thánh Tông;Phủ tập Quảng Nam ký sự, tài liệu viết tay bằng tiếng Hán cổ khoảng nửa sau thế kỷ thứ 16;Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết gần cuối thế kỷ thứ 18;Khâm định Việt sử Thông giám cương mục và Đại Nam thực lục(Tiền biên và Chính biên) do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn từ thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ thứ 20. Các tài liệu sách báo xuất bản sau này về Đàng Trong thời Đại Việt và quan hệ Chăm - Việt chúng tôi tham khảo từ các công trình của Phan Khoang (1969), Li Tana (1998), và các chương do nhiều tác giả viết trong Trần and Lockhart (2011). Về giọng Quảng Nam, ngoài một số công trình của các tác giả đi trước, chúng tôi phần lớn dựa trên kết quả của những nghiên cứu của mình về giọng Quảng Nam và những biến âm trong tiếng Việt đã được đăng vài năm gần đây trong các sách chuyên đề và các tạp chí chuyên ngành ngôn ngữ học, trong và ngoài Việt Nam. Những bài báo đã đăng sau các ý kiến phản biện của các chuyên gia thế giới về Ngôn ngữ học Lịch sử. Những luận điểm ngôn ngữ chính và các lý giải đều đã được trình bày và bảo vệ ở các Hội nghị, Hội thảo Ngôn ngữ học quốc tế. Tuy nhiên, chắc chắn rằng sẽ không tránh khỏi nhiều sai sót. Tác giả nhận trách nhiệm về tất cả những sai và sót trong cuốn sách và rất mong được đón nhận ý kiến đóng góp của các bậc tiền bối, các nhà ngữ học chuyên môn, đồng nghiệp, bạn đọc và sinh viên.
Từ khi miêu tả giọng Quảng Nam trong luận văn Thạc sĩ năm 1997, tiếp nối với các bài báo âm vịvề giọng Quảng Nam cho đến cuốn sách này là 25 năm. Cuốn sách vẫn không phải là một công trình hoàn chỉnh. Những kết quả tìm tòi và trình bày trong cuốn sách này chỉ là một phần của bài toán khó. Còn nhiều câu hỏi vẫn chưa chạm đến. Những kiến giải trong cuốn sách cũng chỉ là một cách nhìn, một cách hiểu. Chúng tôi không khẳng định rằng đây là cách hiểu tốt nhất, lại càng không phải là cách hiểu duy nhất. Đối với tác giả, với những chứng cứ hiện có, đây là một cách hiểu hợp lý nhất. Tác giả chỉ mong khơi gợi những tranh luận học thuật tiếp nối từ những độc giả quan tâm đến câu hỏi vì sao người Quảng Nam lại nói một giọng nói như thế.
Với mong mỏi giới thiệu cuốn sách đến rộng rãi tầng lớp độc giả, tác giả cố gắng trình bày các luận giải ngữ âm-âm vị học một cách nhẹ nhàng, dễ đọc. Các chương được viết với mục đích độc giả có thể đọc như những chương độc lập. Bạn đọc ngoài ngành ngữ âm-âm vị học có thể lướt hoặc bỏ qua những phần khá chuyên môn mà sinh viên khoa ngôn ngữ hoặc các đồng nghiệp giảng dạy môn ngữ âm-âm vị học có thể quan tâm. Cách hành văn trong tiếng Việt có thể nhiều chỗ không được trôi chảy, kính mong bạn đọc lượng thứ. Chúng tôi cũng kèm phần Synopsis tóm tắt các chương bằng tiếng Anh cùng thông tin của những bài báo bằng tiếng Anh tác giả đã đăng, để những nhà ngữ học không đọc được tiếng Việt quan tâm đến vấn đề có thể tìm đọc thêm tư liệu và luận giải chính của cuốn sách qua những bài báo ấy.
Việc xuất bản cuốn sách có công sức của không ít người mà thiếu nó, cuốn sách này không thể thành hình hoặc hoàn tất. Tác giả chân thành cảm ơn các cộng tác viên người Quảng Nam ở Toronto và ở Việt Nam mà không có họ thì không có công trình này. Trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Đà Nẵng, Ban Giám đốc và Ban Biên tập đã sốt sắng quan tâm đến công trình này và tận tình giúp đỡ để cuốn sách có thể ra đời sớm. Cảm ơn Huỳnh Yên Trầm My, nguyên là biên tập viên chính của NXB Đà Nẵng, về lòng tin quả quyết khi nghe tác giả nói về dự định viết, rồi không ngừng thúc hối và giúp đỡ; GS.TS. Hồ Cẩm Hà (Đại học Sư phạm Hà Nội) đã cổ vũ và theo dõi từ khi ý tưởng vừa thành hình; GS.TS. Ronald Wardhaugh (Đại học Michigan, Đại học Toronto) về những giúp đỡ và niềm tin không suy suyển đối với công việc của tác giả trong vài chục năm qua; GS.TS. Michael Kenstowicz (Đại học MIT) luôn sẵn sàng đọc và góp ý bản thảo các bài báo đã đăng bằng tiếng Anh, những bài báo đã là điểm tựa về lý thuyết và các luận điểm âm vị học cho cuốn sách này; GS.TS. Mark Alves(Đại học Montgomery) đã đọc các bài báo liên quan mà tác giả đã in và viết nhận xét cho cuốn sách; Tiến sĩ Lê Tiến Công (PGĐ Nhà Trưng bày Hoàng Sa) và một vài người bạn đã đọc và cho nhận xét về bản thảo. Tác giả cũng cảm ơn Viện Đại học Florida đã tài trợ một phần trong các chuyến điền dã; cảm ơn các bạn bè ở Việt Nam và các nước khác đã luôn sốt sắng tìm giúp tài liệu khi có thể. Tác giả biết ơn gia đình ở Việt Nam về những thương yêu chăm sóc cho những chuyến tác giả làm việc ở Việt Nam, đặc biệt, vợ chồng em trai Phạm Bắc Bình và Trương Thị Vinh luôn chăm lo giúp đỡ các phương tiện đi lại, ăn ở, và cũng là nguồn giới thiệu cộng tác viên dồi dào. Con trai Andrew Anh Pham, đồng thời là cộng sự trong một số công trình ngôn ngữ học xã hội, đã là nguồn cảm hứng và là một trong những động lực để tác giả viết cuốn sách. Những người đóng góp vào sự hình thành cuốn sách chắc chắn còn rất nhiều, không thể nhắc hết ở đây. Tác giả xin chân thành gửi lời cảm ơn chung đến tất cả.
Cuối cùng, cảm ơn mảnh đất và con người Quảng Nam, nơi tác giả đã sinh ra và lớn lên. Cuốn sách này xin là tấm lòng dâng tặng quê hương của một người con đất Quảng ở xa xôi.
Andrea Hoa Pham
Viện Đại học Florida Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hoá
[email protected]
Thông tin tác giả Andrea Hoa Pham
Quê gốc tại Quảng Nam; tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Đại học Toronto; hiện đang là Phó Giáo sư, Tiến sĩ tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa, Đại học Florida; đạt Giải thưởng Giáo sư tiêu biểu của Đại học Florida (2021-2024).
Sách Nguồn Gốc Và Sự Hình Thành Giọng Quảng Nam của tác giả Andrea Hoa Pham, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí