Giới thiệu sách
Nhật Bản Qua Lăng Kính Người Việt Đầu Thế Kỷ XX
Kể từ sau cuộc Minh Trị duy tân thành công, người Việt đã có mối quan tâm đến Nhật Bản nhiều hơn, điều đó cũng được thể hiện qua các bài viết về Nhật Bản được đăng trên báo chí hồi đầu thế kỷ XX. Hầu hết các bài viết dù khảo cứu, dịch thuật… bất kỳ vấn đề gì, thì dung lượng dành cho thời kỳ Minh Trị duy tân vẫn là nhiều nhất, thậm chí có những bài chuyên bàn về vấn đề tài chính hay hiến pháp thời kỳ Duy tân. Ngoài những lời ca tụng có cánh dành cho công cuộc duy tân của Nhật Bản thì đi sâu vào từng vấn đề cụ thể các tác giả người Việt cũng có sự phê phán, chê trách một vài vấn đề trong thực tiễn quá trình triển khai Duy tân của Nhật Bản. Thậm chí còn từ những lỗi lầm, những vấn đề đáng phê phán đó mà kêu gọi và chỉ ra cho độc giả nhằm khuyên răn nên tránh đi vào những vết xe đổ Nhật đã gặp phải.
Qua các tài liệu nghiên cứu, mối quan hệ bang giao Việt Nhật có lịch sử từ rất lâu đời, từ thế kỷ VIII thời nhà Đường đô hộ An Nam, có một vị quan nhà Đường gốc Nhật là Abe no Nakamaro sang An Nam làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ. Và bẵng đi một khoảng thời gian rất dài, mãi đến cuối thế kỷ XVI trở về sau, sử liệu Nhật, Việt mới bắt đầu ghi chép mối quan hệ giao thiệp giữa hai nước. Có thể nói sử liệu Việt Nam do bị thất tán nhiều thành ra sự ghi chép về mối quan hệ bang giao giữa hai nước thực sự không có quá nhiều, dẫn tới hiện nay việc nghiên cứu mối quan hệ bang giao này chủ yếu dựa vào những sử liệu của Nhật, có thể kể đến một vài tư liệu Nhật Bản đáng chú ý về chủ đề này như An Nam kỷ lược cảo, Thông hàng nhất lãm… Ngược lại, khi nói đến tư liệu thành văn của người Việt viết về Nhật Bản phải mãi tới thế kỷ XIX với cuốn sách Nhật Bản kiến văn lục viết bằng Hán văn của Trương Đăng Quế. Cuốn sách này hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, từng được GS. Kim Vĩnh Kiện khảo cứu và dịch sang tiếng Nhật, sau này được học giả Ngô Thế Long dịch, đăng trên tạp chí Hán Nôm, và GS. Trần Ích Nguyên (Đài Loan) cũng có những nghiên cứu sâu hơn. Sang đến đầu thế kỷ XX, trước tình hình thế giới có sự biến động lớn, đặc biệt công cuộc Minh Trị duy tân của Nhật Bản chấn động địa cầu đã dẫn đến nhu cầu tìm hiểu về Nhật Bản của Việt Nam cũng nhiều hơn, các cuộc Đông du được diễn ra tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… và thông qua các nguồn tư liệu sách báo từ Trung Quốc, từ Pháp viết về Nhật Bản, người Việt cũng bắt đầu có những mối quan tâm nhiều hơn và sâu hơn đến Nhật, điều đó được thể hiện qua nguồn tư liệu trên báo chí hồi đầu thế kỷ XX của Việt Nam viết về những vấn đề có liên quan đến Nhật khá nhiều. Với mong muốn hiểu hơn về xu hướng cũng như nội dung các lĩnh vực người Việt quan tâm đến Nhật Bản hồi đầu thế kỷ XX qua tư liệu báo chí, cuốn sách này đã được ra đời.
+TRÍCH DẪN:
“Nước này sở dĩ không bao lâu mà tiến hóa được mau chóng lạ lùng, khiến cho cả thế giới phải kính phục, là nhờ được về hồi đầu đời Minh Trị có một hạng thượng lưu sáng suốt, giàu cái tư tưởng quốc gia, hiểu cái nghĩa vụ của mình, hăng hái đứng lên chủ trương việc giáo dục cho quốc dân, gây thành một cái công cộng tinh thần đã nhiều lần tỏ ra rất cương cường hoạt bát.
Nước Nhật lại được nhà vua cũng cùng một lòng ái quốc như bọn thượng lưu, nên cải hóa được cả tâm lý người dân, phá được cái lòng tây riêng các phiên các đảng phân rẽ trong nước, dạy cho dân biết thờ danh dự, thờ tổ quốc, lấy Hoàng đế làm tiêu biểu cho nước nhà, nói tóm lại là huấn luyện thành một dân tộc rất có đoàn thể, rất có kỷ luật, biết nghe lời khuyên bảo của kẻ thượng lưu, biết theo cái quyền chủ trương sáng suốt của người đàn anh trong nước mà làm nên những công nghiệp vĩ đại vẻ vang cho cả nòi giống.” Phạm Quỳnh
“Thần giáo, Khổng giáo và Phật giáo, là ba tôn giáo đã cùng nhau dựng nên một nền luân lý cho dân tộc Nhật Bản, và có ảnh hưởng rất sâu xa đối với tư tưởng, tính tình, phong tục người Nhật. Người Nhật sở dĩ ưa sạch sẽ, thích giản dị, đối với người ngoài rất lễ phép, đối với gia đình rất yêu mến, đối với nước với vua một dạ trung thành, người Nhật mà thế là nhờ những tôn giáo trên kia cả; vì theo Thần giáo thì khi đi lễ bái các thần trong mình phải sạch sẽ, trong lòng phải thanh khiết, theo Phật giáo thì chỉ cốt tu tâm tu tính chớ không cần trang sức bề ngoài, theo Khổng giáo thì phải biết ơn người trước, phải quý trọng những của ông cha để lại không nên phí phạm, phải kính cẩn những ông già bà cả, phải một lòng trung tín với đấng quân vương...” Nguyễn Văn Hiếu
“Khác với phần đa người đọc quan tâm đến ‘thiên triều’ hay ‘mẫu quốc’ nhìn về Việt Nam ra sao, cuốn sách này tiếp cận một chủ đề không thật sự phổ biến khi quan tâm đến cách nhìn của người Việt đối với thế giới mà cụ thể ở đây là Nhật Bản. Cuốn sách này với mong muốn tập hợp các bài viết, tư liệu trên báo chí của người Việt dịch, thuật, khảo cứu về các khía cạnh trong xã hội, lịch sử Nhật Bản để qua đó đi trả lời câu hỏi: Đầu thế kỷ XX, người Việt nghĩ gì, viết gì và quan tâm đến vấn đề gì của Nhật Bản? Đồng thời thông qua việc trả lời câu hỏi đó cũng tự nhiên có rất nhiều câu hỏi nghiễm nhiên được trả lời dù chưa thực sự thỏa đáng hoàn toàn như: Tại sao người Việt quan tâm đến Nhật Bản? Người Việt biết về Nhật Bản thông qua đâu, bằng hình thức nào?” Nguyễn Mạnh Sơn
Sách Nhật Bản Qua Lăng Kính Người Việt Đầu Thế Kỷ XX của tác giả Nguyễn Mạnh Sơn, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí