Cuốn sách này đề cập chủ yếu đến Hội Tam Điểm Pháp, và một phần Hội Tam Điểm Mỹ, hai quốc gia có nhiều mối liên quan đến Việt Nam. Đặc biệt là Hội Tam Điểm Pháp bởi nước Pháp gắn chặt với quá trình cai trị thuộc địa Đông Dương, nhiều thành viên của Hội Tam Điểm lại là nòng cốt trong chính quyền thuộc địa Pháp, nên có thể nói sự có mặt của những thành viên Tam Điểm đã đóng vai trò nhất định trong sự bình định và khai hóa thuộc địa.
Cuốn sách có thể còn thiếu sót, do nhiều tư liệu bị đốt, hoặc bị đem đi tiêu hủy khi nước Pháp bị quân Đức chiếm đóng, và bởi tình hình chính trị ở Việt Nam có nhiều biến động qua các thời kỳ. Mặc dù Pháp đã rời bỏ Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ, Mỹ cũng phải ra đi gần hơn mươi năm trước, nhưng nhiều gia đình tại Việt Nam vẫn ngại cung cấp thông tin, và né tránh nhắc đến ông cha họ vì sợ bị hiểu lầm.
Thời gian đã trôi qua, đại đa số những thành viên Tam Điểm đầu tiên đã về cõi tiên. Việc nhìn nhận vai trò của họ trong lịch sử Việt Nam lúc giao thời giữa hai nền văn hóa là điều cần thiết và cũng để xóa bỏ những hận thù, hiềm khích, hiểu nhầm do chiến tranh gây ra. Những thành viên Tam Điểm Việt Nam đầu tiên đã đóng góp rất lớn trong lĩnh vực văn hóa, văn học và đặc biệt cho công cuộc đòi lại chủ quyền, độc lập dân tộc mà triều đình nhà Nguyễn đã để rơi vào tay thực dân Pháp.
Tác Giả: Trần Thu Dung
Tiến sĩ Văn Sử Pháp tại Đại học Paris VII, chuyên gia nghiên cứu về hội Tam Điểm và những vấn đề liên quan đến Đông Dương.
Các tác phẩm tiếng Việt đã xuất bản:
Annales du bac (đồng tác giả Nguyễn Thương Thương), Nhà xuất bản Tri Thức, 2006
Thư mục hai thứ tiếng Pháp - Việt những tác phẩm văn học viết bằng tiếng Pháp liên quan đến Đông Dương, đồng tác giả Hoàng Ngọc Hiến, NXB Lao động, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2009
Đạo Cao Đài và Victor Hugo, nhà xuất bản Thời Đại, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2011
Dấu ấn Việt Nam qua tên những con đường ở Pháp, nhà xuất bản Văn hóa thông tin (Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây), 2014
Nhớ Thương Tự hào, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2017
Dấu ấn Tam Điểm trong văn hóa nghệ thuật, NXB Đà Nẵng, 2019
TRÍCH ĐOẠN HAY
“ Việc từ chối kết nạp những người bản xứ vào Tam Điểm là hiển nhiên. Khi đã coi ai là thấp hèn hơn mình thì sự bình đẳng và dân chủ rất khó thực thi. Cũng như ở các thuộc địa khác của Pháp như Congo Brazzaville và Bắc Phi, việc kết nạp người bản xứ là cả một vấn đề. Ở Việt Nam vấn đề này càng trở nên nóng hổi, vì các phong trào nổi dậy đòi độc lập ngay từ ngày đầu của chế độ thực dân, nên huynh đệ Tam Điểm rất ái ngại. Các nước châu Phi, vốn nhu mì và “dễ bảo” hơn. Đám “An Nam cứng đầu” không muốn làm nô lệ vì bản thân đất Việt có một nền văn hóa lâu đời, và một truyền thống đấu tranh giành độc lập.
Năm 1946, tướng Leclerc được cử ra Hà Nội để lo giữ Bắc kỳ, ông đề nghị khôi phục lại Tam Điểm tại Hà Nội, chi nhánh Tình huynh đệ Bắc kỳ được Eugène Berthet khôi phục lại. Các hội khác ở Hà Nội ngừng hoạt động hoàn toàn, một số hoạt động yếu ớt do tình hình căng thẳng, không an toàn để hội họp. Năm 1952, Thẩm Hoàng Tín, một thành viên Tam Điểm, lúc đó được bầu làm Thị trưởng, đã đề nghị các huynh đệ Tam Điểm trao trả độc lập hoàn toàn trong vòng mười tám tháng cho Việt Nam. Chức sắc Tam Điểm Grébert phản đối kịch liệt, ông đã báo cáo về Đại đường về việc những huynh đệ đang hăm hở chống Pháp. Ta có thể coi như Tam Điểm ở miền Bắc hoàn toàn không còn tồn tại nữa vì những thành viên Tam Điểm Việt Nam đã hiểu được thực chất của các chữ tự do, bình đẳng mà các huynh đệ Pháp tuyên truyền. Họ ý thức được là phải đấu tranh giành độc lập cho dân tộc mới có được sự tự do bình đẳng thực sự.
Đại đa số trí thức thời đó chỉ là những thông ngôn, thầy kí, sáng xách ô đi, tối xách ô về, cuộc sống buồn tẻ, họ hiểu họ chỉ là những công chức quèn hạng bét trong sở. Bằng cấp cao cũng không được bình đẳng với mấy tay Pháp chính thống học thấp và kém khả năng hơn. Sự bình đẳng trong xã hội người bóc lột người là ảo tưởng. Nhiều trí thức qua Pháp loay hoay đi tìm con đường đòi độc lập cho Tổ quốc cũng đã tìm đến Hội Tam Điểm để tham gia như Nguyễn Thế Truyền, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Ái Quốc, Trịnh Đình Thảo, Dương Văn Giáo...
THÔNG TIN THÊM
Ai phù hợp với tác phẩm này ?
Độc giả quan tâm đến lịch sử Hội Tam Điểm, đặc biệt là lịch sử Tam Điểm ở Việt Nam, một phần lịch sử lẩn khuất.
Điểm nổi bật của cuốn sách:
Là một cuốn sách biên khảo với đề tài lịch sử, tuy nhiên, nội dung cuốn sách mang tính chất kể chuyện nhiều hơn là phân tích với tư liệu, số liệu khô khan.
Nội dung sách chủ yếu khảo và luận về sự hình thành, phát triển cũng như thoái trào của Hội Tam Điểm tại Việt Nam, cũng như vai trò, sự đóng góp của những thành viên Tam Điểm người Việt trong lịch sử, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, chủ quyền dân tộc. Đồng thời còn làm rõ về mối quan hệ, xung đột giữa các thành viên Tam Điểm người Việt và Pháp, sự mở rộng và những biến thể độc đáo của Tam Điểm riêng có tại Việt Nam dưới hình thức tôn giáo bản địa.