Đại Việt Sử Ký Tục Biên do sử gia của triều đại Lê - Trịnh viết ra nên tất yếu đứng trên lập trường đề cao họ Trịnh, coi vua Lê ở hàng thứ yếu và coi nhà Tây Sơn cũng như nhà Nguyễn đều là kẻ thù. Lập trường này bộc lộ ở cách chọn lọc các sự kiện kịch sử và ở cả những ước lệ trong dùng chữ đặt câu. Nhưng đi sâu vào thì trên lập trường chung đó cũng có thể chia ra ba loại, với ba mức độ khác nhau:
1. Loại đề cao họ Trịnh: đó là các bản 2, 3, 4, 5, 6 và phần đầu của bản 1. Tiếp tục lập trường đề cao họ Trịnh của phần Bản kỷ tục biên (tức các quyển XVII, XVIII, XIX) trong bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, các bản trên đây tuy chưa gọi các chúa Trịnh bằng những tiếng vẫn dùng để tôn xưng hoàng đế (những tiếng đó vẫn phải dành cho vua Lê) nhưng thái độ đề cao đã được bộc lộ không còn ở mức bình thường. Nhiều chỗ họ coi chúa Trịnh như những nhân vật “nhà trời” thần thông về năng lực, siêu việt về trí tuệ...
2. Loại có sửa chữa bổ sung nhằm bày tỏ thái độ tôn trọng trong họ Nguyễn: đó là các bản chín và phần hai của bản một. Việc sửa chữa này biểu hiện ở hai phương diện: hoặc đưa vào sách một số sự kiện lịch sử của xứ Đàng Trong, hoặc dùng những mĩ hiệu tôn xứng hoàng đế để gọi các chúa Nguyễn. Nhưng dầu sao sự sửa chữa vẫn không quán triệt được trong toàn bộ bộ sách nên đây đó vẫn còn sót nhiều từ ngữ tỏ rõ lập trường đề cao họ Trịnh, miệt thị họ Nguyễn. Điều đó càng chứng tỏ những sự sửa chữa kia chỉ là sửa chữa vào một quyển sử đã viết từ trước, nói cách khác tuy tên gọi đã bị đổi đi (như Hậu Lê thì sự kỷ lược) nhưng văn bản của chúng về cơ bản vẫn là quyển Đại Việt Sử Ký Tục Biên viết dưới thời Lê - Trịnh.
3. Loại có sửa chữa bổ sung nhằm bày tỏ thái độ tôn trọng nhà Tây Sơn.