Để hiểu được những sự kiện gây tranh luận trong xã hội Việt Nam hiện tại, bạn có thể tìm thấy câu trả lời ít nhiều trong “Tâm lý dân tộc An Nam”, dù cho tác phẩm đã được viết ra từ thế kỷ trước.
Công trình nghiên cứu “Tâm lý dân tộc An Nam” (Psychologie du Peuple annamite) được Paul Giran – một quan chức cai trị thuộc địa Pháp, xuất bản vào năm 1904 sau hơn ba năm thu thập và tích lũy quan sát ở Đông Dương, để phục vụ công cuộc thực dân của nước Pháp trên đất An Nam.
Ông cho rằng, “để cai trị tốt một dân tộc, trước tiên phải học hỏi tìm hiểu; và biết rõ về nó, phải thấu đáo tâm hồn, thần minh của họ.”
Trong công trình của mình, Paul Giran đề xuất một nghiên cứu về dân tộc An Nam; “để khám phá những sức mạnh sâu kín của đời sống cộng đồng hoặc riêng tư; rút ra các nguyên tắc tối thượng chi phối việc thành lập các thiết chế xã hội hoặc chính trị; phân tích mọi ảnh hưởng mạnh mẽ đã định hình nên lịch sử và sự tiến hóa của nó.” Hai nguyên nhân chính, theo Paul Giran, đã góp phần vào sự hình thành bản sắc dân tộc An Nam: chủng tộc và môi trường, đó cũng là đối tượng mà công trình này tập trung khảo sát.
Để hiểu thấu đáo “tâm hồn và thần minh” của người An Nam, Paul Giran, cũng như nhiều đồng nghiệp của ông, đã thâm nhập và sinh sống để học ngôn ngữ và hiểu người bản xứ. Qua đó, khắc họa nên đặc điểm quốc gia, sự tiến hóa lịch sử, trí thông minh, xã hội và chính trị An Nam; tất cả nhằm phục vụ cho công cuộc thực dân của nước Pháp.
Như vậy, 115 năm (1904-2019) đã qua đi kể từ thời điểm tác phẩm được xuất bản. Một thế kỷ, với rất nhiều sự kiện, trở thành một quãng độ thích hợp cho sự nhìn nhận của người Việt Nam hiện đại về quá khứ của chính dân tộc mình, để cố gắng hiểu hơn về ông cha mình và những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Sự thấu hiểu có được không chỉ thông qua tài liệu của người Việt mà còn qua “lăng kính” nhìn nhận của người Pháp đương thời, mà dù muốn hay không, đã gắn kết, trên một số phương diện, vào số phận Việt Nam thế kỷ XX.
Giới thiệu “Tâm lý dân tộc An Nam” trong “Tủ sách Pháp ngữ – Góc nhìn sử Việt”, chúng tôi mong muốn gửi đến độc giả một tài liệu tham khảo khả tín, góp thêm một tài liệu có ích để tìm hiểu về “Tâm lý dân tộc An Nam: đặc điểm quốc gia; sự tiến hóa lịch sử, trí tuệ, xã hội và chính trị”, hòng truy nguyên căn tính của một số hiện tượng tâm lý xã hội có thể còn gây nhức nhối cho chúng ta ngày hôm nay.
—————————
TÁC GIẢ: PAUL GIRAN
Học ở Trường Thuộc địa rồi được bổ nhiệm đến Đông Dương làm việc. Từng là Tham biện Dân sự vụ Đông Dương, sau trở thành Phó công sứ rồi Công sứ, công tác tại nhiều tỉnh Trung kỳ và Bắc kỳ, Lào.
Năm 1904, ông xuất bản tác phẩm “Psychologie du peuple annamite” (được Étienne Aymonier đề tựa), nhan đề tiếng Việt là “Tâm lý dân tộc An Nam – đặc điểm quốc gia; sự tiến hóa lịch sử, trí tuệ, xã hội và chính trị”.
Ngoài ra, Paul Giran còn có những tác phẩm: “Magie & religion annamites” (tạm dịch: Phép thuật và tôn giáo của người An Nam), do Gustave Le Bon đề tựa; “De l’éducation des races: étude de Sociologie coloniale” (Bàn về giáo dục chủng tộc: nghiên cứu xã hội học thuộc địa); “Les origines de la pensée” (Các nguồn gốc của tư tưởng)…
© Các ảnh dùng trên bìa sách: Émile Gsell (1838-1879)