Dẫn Luận Về Xã Hội Học
Thuật ngữ "xã hội học" (sociology) bắt nguồn từ gốc chữ Latin: Societas (xã hội) và chữ Hy lạp: Lógos (ngôn từ, học thuyết). Khái niệm này được đưa vào hệ thống tri thức khoa học lần đầu tiên ở thế kỷ XIX với định nghĩa của Auguste Comte: “Xã hội học là khoa học về các quy luật của tổ chức xã hội”.
Emile Durkheim, một trong các bậc tiền bối của xã hội học đã phát biểu rằng: “Cuối cùng thì nhà xã hội học phải chẩn đoán xem xã hội ở trong tình trạng khỏe mạnh hay bệnh tật và sau đó phải kê đơn những loại thuốc cần cho sức khỏe của xã hội”.
Karl Marx không coi mình là nhà xã hội học, nhưng những tư tưởng trong di sản đồ sộ của ông đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển của xã hội học. Dường như tất cả các nhà xã hội học hiện đại khi giải thích xã hội đều tiếp cận bằng lý thuyết mâu thuẫn và xung đột của Marx, "đều vay mượn của Marx các lý giải về giai cấp, ngay cho dù nhà xã hội học đó kết thúc bằng cách bài bác Marx”.
Sách Dẫn luận về xã hội học của Steve Bruce là một dẫn nhập cô đọng về bộ môn khoa học mới mẻ nhưng những tầm nhìn của nó được đón nhận rộng rãi ở khắp mọi lĩnh vực.
Tại sao cuộc sống của hai dân tộc ở hai phần thế giới lại trở nên quá khác nhau, và vẫn tiếp tục khác nhau đến thế? Tại sao một số cuộc sống - và một số tương lai - vô cùng giàu có, số khác lại túng quẫn?