Cơ Cấu Việt - Nho
Việt Nam hiện còn thiếu một cử nhân triết văn (Philo-lettres) mà đó là một nhịp cầu giữa triết và văn sẽ giúp ích rất nhiều cho văn học Việt Nam: Nó vừa mở ra cho triết lý một đất dụng võ rộng hơn hầu mang ơn ích đến cho nhiều tâm hồn đang bơ vơ không biết đâu là hướng sống... vừa làm cho Việt văn trở nên sâu xa hơn và giàu thêm khả năng phát huy được những nét đặc trưng của mình. Vì thế cần phải sửa soạn cho ngành đó. Dầu sao thì cũng là để bù đắp một sự thiếu sót mà đối với hoàn cảnh nước nhà lại có tính cách quan trọng vì cán cân văn hóa hiện nghiêng quá nhiều về văn chương mà nhẹ về triết lý. Môn triết văn sẽ giúp vào việc lập lại thế quân bình. Để góp phần vào việc đó chúng tôi không ngần ngại gởi đến quý độc giả một ít suy tư và tài liệu sau đây, phần lớn vận hành trong cõi huyền sử, cơ cấu, truyện tích, truyền kỳ. Sở dĩ chúng tôi chú ý phần cổ văn này vì chúng giàu đức tính móc nối nhất, hay nói khác đó là thứ văn chương chứa triết lý hoặc là triết lý nằm sâu trong những câu chuyện văn chương cho nên chúng quả là lãnh vực phong phú riêng biệt cho môn triết văn.
Sách chia ba phần: Phần đầu bàn về cơ cấu và những điểm liên quan đến Việt Nho tuy ít nhưng hy vọng đã giới thiệu được phần nào cái tinh hoa của cơ cấu.
Phần hai thử rút ra từ cơ cấu và phân tâm một hai quy luật để dùng giải nghĩa một số truyện tích cũng như suy diễn về cơ cấu của Việt Nho.
Phần ba chú ý đến sự đưa triết lý vào Việt văn, coi đó như hướng đi cần thiết cho nền văn học nước nhà hiện nay.