Chân Nguyên là một tác gia lớn của nửa sau thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII. Ông đồng thời cũng là một nhà tư tưởng có một số quan điểm đáng lưu ý, đặc biệt trong lĩnh vực lịch sử văn học và tư tưởng Phật giáo tại nước ta. Dẫu thế, cho đến ngày nay những người viết lịch sử văn học cũng như tư tưởng và Phật giáo vẫn tiếp tục bỏ qua tác gia lớn này, dù rằng tác phẩm của ông đã được bàn cãi khá sâu rộng, nhưng cũng khá mập mờ do không nắm vững tác quyền của chúng.
Vì thế, cần có một nỗ lực tập hợp và nghiên cứu lại toàn bộ tác phẩm của Chân Nguyên hiện biết nhằm cung cấp những tư liệu chính xác cho những người công tác trong các lĩnh vực văn học, ngôn ngữ, tư tưởng và Phật giáo.
Chân Nguyên thiền sư toàn tập I ra đời là để thể hiện nỗ lực ấy. Tập I này gồm toàn bộ những tác phẩm Hán văn, trừ Ngộ đạo nhân duyên, mà chúng tôi hiện chưa có văn bản trong tay, cùng với Thiền tịch phú và Thiền tông bản hạnh.
Chân Nguyên thiền sư toàn tập II: công bố những tác phẩm truyện cũng viết bằng quốc âm từ trước tới nay chưa bao giờ được giới thiệu. Thực hiện công trình này chủ yếu là nhờ chúng tôi đã phát hiện ra bản in thế kỷ XIX của các tác phẩm Nam Hải Quan Âm bản hạnh, Đạt na Thái tử hạnh và Hồng mông hạnh. Nói rõ hơn, nhờ tìm được bản in năm Tự Đức thứ 3 (1850) của Nam Hải Quan Âm bản hạnh, bản in năm thứ 19 (1938) của Đạt-na Thái tử hạnh, và bản in "Minh Mạng vạn vạn niên" của Hồng mông hạnh, chúng ta biết Chân Nguyên còn là tác giả thêm ba tác phẩm nữa. Không những thế, vì Nam Hải Quan Âm bản hạnh đã cải biến thành một tác phẩm văn học dân gian phổ biến, xuất hiện dưới tên Đức Phật bà truyện, nên Toàn tập II cũng phiên âm và công bố ở đây, để làm tài liệu nghiên cứu cho những người tìm hiểu văn học dân gian và quá trình biến thành dân gian của những tác phẩm hữu danh.
Chân Nguyên thiền sư toàn tập III: Tác phẩm Thiên nam ngữ lục. Từ lâu tác phẩm này được nhận thức là "một gạch nối trung tâm giữa văn thơ nôm thời Nguyễn Bỉnh Khiêm và văn thơ nôm thời Nguyễn Du". Qua những bản chú thích viết về nó vào thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX, rồi việc một người học trò Bắc Ninh đã nộp bản, để đến năm 1857 thị giảng Trần Dương Quang dâng lên cho vua Tự Đức xem, và năm sau (1858) vua sai Phan Thanh Giản và Phạm Huy chọn người để chữa lại thơ, Thiên nam ngữ lục quả đã nhận được sự quan tâm nhiều mặt của học giới, dân dã và quan phương. Nhưng phải đợi tới giữa thế kỷ XX, những công trình nghiên cứu và phiên âm mới xuất hiện.
[...]
Trích Lời nói đầu
Lê Mạnh Thát