Tìm lại chính mình là một trong những tác phẩm hay của pháp sư Thánh Nghiêm, liên quan mật thiết đến đời sống tâm linh của con người hiện đại.
Là bậc thầy hướng dẫn đời sống tâm linh, pháp sư không chỉ bàn luận đến thành công và trưởng thành của mỗi cá nhân mà còn mở rộng tầm nhìn cho mỗi người.... Ngài cho rằng trưởng thành của mỗi cá nhân chính là sự trưởng thành của cả nhân loại, thành công của cá nhân chính là thành công của toàn xã hội, cá nhân và tập thể không mẫu thuẫn đối lập mà tác động qua lại, bổ trợ cho nhau.
Tìm lại chính mình là kết tinh của tâm từ mẫn, trí xuất trần giúp chúng ta tìm lại nẻo về bản lai diện mục, đối diện với chính mình.
Trích đoạn sách "Tìm Lại Chính Mình":
...Trong cuộc sống hối hả, bận bịu, bạn đã từng suy tư về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống? Có phải là để kiếm kế sinh nhai, kiếm quần áo mặc? Hay là để cầu tài, cầu danh, cạnh tranh với người khác?
Nhiều người tham sống sợ chết, tham danh cầu lợi, tranh đoạt... từng ngày trôi đi. Nhìn thấy mọi người muốn, tôi cũng muốn, mọi người không muốn, tôi cũng không thèm. Cho rằng cái mà mọi người đều muốn, đó phải là cái tốt đẹp, vì vậy tranh nhau cướp lấy, tuy mình chưa từng nghĩ bản thân thực sự cần cái đó? Dù sao mọi người đều muốn thì tôi cũng muốn, mọi người không cần thì mình lập tức vứt nó đi, bởi vì mọi người đã không cần, tôi vẫn muốn nó làm gì nữa?
Giống như con kiến, thông thường chúng chỉ cần những thứ mà chúng cảm thấy ngon, các chú kiến khác lần lượt sẽ vây quanh để cùng đi. Nhưng đó không phải là hành vi của con người. Con người cần có quan niệm rằng "Cái tôi cần chưa chắc người khác cần, cái người khác muốn chưa chắc là cái tôi muốn" đó mới chính là nhân cách độc lập đích thực. Tuy nhiên, đa số mọi người đều thích a dua theo người khác, đó là một hiện tượng đáng buồn.
Một người nếu sống không có mục đích, nhất định sẽ cảm thấy vô cùng trống rỗng, cảm thấy cuộc đời không có giá trị gì, giống như cái xác không hồn.
Nhưng mỗi một mạng sống con người đều có nhân quả, đều quý giá tượng trưng cho ý nghĩa nào đó. Vậy, mục đích sự sống con người là gì? Cuối cùng sẽ đi về đâu? Sẽ trở thành cái gì?
Theo quan điểm Phật giáo, cuộc sống của người phàm là để thụ báo và trả nợ. Phật, Bồ Tát ứng thế để thực hiện hoài bão độ sinh. Nếu nhận thức được thân thể con người quý báu không dễ gì có được, có thể biết được điều thiện và điều ác, vì cái thiện mà xua đi cái ác, cuộc sống con người sẽ có ý nghĩa. Nếu từng bước cống hiến tích cực, đem lợi cho mình và người khác, thì cuộc sống có giá trị biết bao.
"Thụ báo" là: Chúng ta cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi chúng ta làm, nói năng, suy nghĩ. Cuộc đời chúng ta là quá trình tự làm tự chịu, những điều mà chúng ta đã làm và những hành vi thiện ác của cuộc đời, kết hợp tạo thành cuộc đời hiện tại của một con người, đó chính nguyên nhân tồn tại của sự sống con người.
Có nhiều hiện tượng thoạt nhìn chúng ta thấy bất công, và chúng ta cũng không có cách nào giải quyết. Ví dụ có người rất cố gắng, nhưng không thành công, có người chẳng cần cố gắng vẫn thuận buồm xuôi gió, luôn gặp may mắn. Nhưng chúng ta thấy bất công. Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần truy nguyên quá khứ, tìm về nguyên nhân sâu xa trong quá khứ vô tận, những hành vi mà chúng ta đã làm, những thứ vẫn chưa báo có thể sẽ báo lại trong đời hiện tại, hoặc có thể báo trong đời sống tương lai khác. Hơn nữa những hành vi mà mình làm, có cái tốt, cũng có cái xấu, tạo nghiệp tốt sẽ nhận được phúc báo, tạo nghiệp ác sẽ chịu đau khổ.
Giá trị cuộc sống con người là gì? Nhiều người cho rằng giá trị cuộc sống của con người là có tiền bạc, có địa vị, có danh lợi, được người khác tôn trọng. Ví dụ, thăng quan tiến chức, áo gấm vinh quy khiến cho người thân, hàng xóm và bạn bè ở quê thơm lây, không những thể hiện giá trị của cá nhân, mà cả quê hương, gia đình cũng hưởng phúc theo. Tuy nhiên đó phải chăng là giá trị đích thực?
Giá trị đích thực không phải là hư vinh của dòng họ gia tộc mà nó nằm ở những cống hiến thiết thực của bạn. Nếu bạn là người đầu cơ mưu lợi, tranh giành quyền thế danh lợi, dù lúc đó sẽ rất tự hào vẫn cũng không phải là giá trị đích thực. Bởi giá trị đó là mặt trái của nó, tạo ác nghiệp, tương lai bạn sẽ phải trả nợ theo nhân xác đã gieo đó.
Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng: có bao nhiêu sự cống hiến sẽ có bấy nhiêu giá trị. Ví dụ, trong thời gian này tôi đang giảng về Phật pháp cho mọi người, đó chính là giá trị của tôi. Nếu trong thời gian này, tôi đang ngủ, ăn cơm hay cãi nhau với người khác, thì tôi chẳng tạo ra giá trị gì cả. Giá trị của cuộc sống chính là việc tạo ra những điều có lợi cho người khác, hơn nữa nó có lợi đối với sự trưởng thành của chính mình.
Chúng ta có thể lập thệ nguyện cho đời mình. Nguyện vọng đó dù lớn dù nhỏ, có thể chỉ là sự cầu nguyện: "Cả đời này của tôi chỉ muốn làm người tốt" cầu nguyện trong cuộc đời này, mình không làm điều xấu, không lười biếng, không đầu cơ mưu lợi, tận tâm tận lực với trách nhiệm của mình. Cho dù cả đời này làm không tốt cũng không sao, bởi vẫn còn cuộc sống mới để nỗ lực. Cuộc đời như vậy, mới có giá trị, có ý nghĩa và tràn đầy hi vọng.
Mục lục sách "Tìm Lại Chính Mình"
- Lời giới thiệu
- Lời dẫn
- La bàn định hướng cuộc đời
- Tìm lại cái tôi đích thước
- Không còn trống rỗng, hư vô
- Bận nhưng vui, mệt mà hoan hỷ
- Sắp xếp cuộc sống vẹn toàn
- Xác định phương hướng
- Cuộc sống không còn ngày trống trải vô nghĩa
- Mục đích, ý nghĩa, giá trị cuộc sống
- Nguyện vọng của con người
- Tìm lại giá trị cuộc sống
- Hưởng tụ và quý trọng cuộc sống
- Giải thoát cho mình
- Cố chấp và chấp trước
- Kiên trì là nguyên tắc hay thiên kiến
- Cuộc sống tích cực
- Rũ bỏ chân lý, thật tự do
- Hoa nở hoa tàn, không nên cố chấp
- Khai tác tiềm năng trí tuệ
- Ý nghĩ tốt đẹp, ý nghĩ xấu xa
- Cân bằng cách nhìn chủ quan và khách quan
- Chủ động và bị động
- Luận về tích cực
- Tài năng phù hợp với công việc
- Tâm bình yên, tĩnh lặng chính là sự thành công
- Tìm về với âm thanh nội tại
- Sự điều hòa giữa tâm và vật
- Không còn chấp trước thất tình lục dục
- Lương tâm
- Tự do và tôn nghiêm
- Chuyển hóa cái tôi riêng tư thành vô ngã
- Cái tôi ngu xuẩn này phải chăng có thực
- Chuyển cái tôi hẹp hòi ích kỉ thành cái tôi công đức
- Khẳng định bản thân, trưởng thành và thể nhập vô ngã
- Tôi nhưng không phải tôi
- Tình vào chính mình
- Hiểu rõ bản thân là tiền đề trưởng thành
- Ươm hạt giống từ bi trí tuệ
- Chẳng có gì đáng khoe khoang
- Biết tự kiềm chế, không nên gượng ép
- Hãy luôn nuôi dưỡng lòng tri ân