TRUNG A-HÀM - TIỂU SỬ TRUYỀN DỊCH
I. CÁC TRUYỀN BẢN
Trung A-hàm, bản Hán dịch của Tăng-già-đề-bà (Saṅghadeva) hiện hành được nói là Thánh điển của Hữu bộ (Sarvāstivāda). Điều này được phần lớn các nhà nghiên cứu hiện đại thừa nhận.[1]
Luật của các bộ phái, như Ngũ phần, Tăng-kỳ, Tứ phần, Thiện kiến,[2] đều có quan điểm như nhau, theo đó, ngay trong đại hội kết tập lần thứ nhất tại thành Vương xá các bộ loại Thánh điển nguyên thủy đã được định hình, trong đó, các kinh có lượng trung bình, không dài không ngắn được tập họp chung thành một bộ loại gọi là Trung.[3] Định nghĩa này không tuyệt đối chính xác, xét theo hình thức các kinh thuộc Trung A-hàm bản Hán dịch hiện tại. Trong số các kinh được gọi là Trung, tương đương với các kinh được tìm thấy trong Majjhima-Nikāya, cũng có một số các kinh được tìm thấy tương đương trong Trường A-hàm, Tạp A-hàm, Tăng nhất, hoặc trong các bộ Dīgha-Nikāya, Samyutta-Nikāya, Khuddaka-Nikāya. Vì vậy, luật Tát-bà-đa tì-ni tì-bà-sa của Hữu bộ nêu một định nghĩa khác: “Những nghĩa lý sâu xa được nói cho hàng chúng sinh lợi căn, tập hợp thành Trung A-hàm.”[4]
Do bởi nguyên bản Phạn hay Sanskrit đã thất lạc,[5] cũng không có bản dịch Tây Tạng tương đương, ngoại trừ bản dịch Hán, cho nên hiện nay cũng chưa có khảo cứu nào khả dĩ xác định hình thức tập thành nguyên thủy của Kinh này. Trong thời kỳ đầu, các kinh thuộc Trung A-hàm được dịch Hán sớm nhất có thể nói do bởi An Thế Cao, nay vẫn có thể đọc được trong Đại chính tạng. Đây chỉ là bảy trong số 222 kinh hiện được biết.
Nhìn chung, khởi đầu từ An Thế Cao, trong khoảng niên hiệu Kiến Hòa 2 đời Hậu Hán (tl. 148), cho đến Pháp Hiền, đến niên hiệu Hàm Ninh 4 đời Tống (tl. 1001), có tất cả 70 kinh đơn hành bản thuộc Trung A-hàm.
An Thế Cao người nước An Tức (Ba-tư). Từ đây đi vào Ấn, ngang qua Gandhara, căn cứ địa phía Tây của Nhất thiết hữu bộ; như vậy, các bản kinh thuộc Trung A-hàm mà An Thế Cao dịch tất có những liên hệ giáo nghĩa đối với bộ phái này, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Theo Tăng Duệ, trong bài tựa cho Trường A-hàm, nguyên hình của Trung A-hàm gồm bốn phần, năm tụng.[6] Về năm tụng, đó là chỉ cho hình thức kết tập, theo thời gian – mỗi ngày một tụng, còn được thấy nguyên hình trong bản Hán dịch hiện tại. Về bốn phần, hiện chưa xác định được cách phân chia này.
Tổ chức của Kinh, tổng cộng có 222 kinh, được kết tập trong năm ngày tụng. Theo đó, tụng ngày thứ nhất gồm 6 phẩm, gọi là 6 “tương ưng”, gồm 64 kinh. Không nói địa điểm tụng.
Tụng ngày thứ hai, được nói là tụng tại Tiểu thổ thành,[7] gồm 5 phẩm, 52 kinh.
Tụng ngày thứ ba, được gọi là “Niệm tụng”; không nói địa điểm; gồm 2 phẩm, 35 kinh.
Tụng ngày thứ tư, “Phân biệt tụng”; 3 phẩm, 35 kinh.
Tụng ngày thứ năm, “Hậu tụng”; 3 phẩm, 36 kinh.
Căn cứ theo bài tựa cho Tạp A-hàm bởi Thích Đạo An, và theo bản kinh lục của Tăng Hựu,[8] toàn văn Trung A-hàm lần đầu tiên được phiên dịch sang Hán phải kể là do Đàm-ma-nan-đề (Dharmanandi) trong khoảng niên hiệu Kiến Nguyên 20 (tl. 384), gồm 59 quyển. Đàm-ma-nan-đề người Đâu-khư-lặc (Tukhāra), chuyên trì hai bộ Trung và Tăng nhất A-hàm. Niên hiệu Kiến Nguyên triều vua Tần Phù Kiên, đến Trường An, rất được Phù Kiên trọng vọng. Vũ uy Thái thú Triệu Chính, thị thần của Phù Kiên, rất sùng mộ Phật pháp, thỉnh cầu ngài Đạo An, tập họp các tăng sĩ nghĩa học trong thành Trường An, dưới sự chủ trì của Đàm-ma-nan-đề, phiên dịch Trường và Tăng, có Trúc Phật Niệm và Đạo Tung làm bút thọ.[9] Bản dịch này – cũng như các bản dịch khác của Đàm-ma-nan-đề, theo nhận xét của Đạo Từ, trong bài tựa cho Trung A-hàm, phần nhiều sai lạc với ý chỉ của nguyên bản, danh không phù hợp với thật.[10] Hẳn đây là lý do xuất hiện bản trùng dịch của Tăng-già-đề-bà.
Tuy có sự nghi ngờ về dịch giả của bản dịch Trung A-hàm hiện tại có thể là cải bản từ bản dịch trước đó của Đàm-ma-nan-đề, [11] nhưng ý kiến này chưa được đồng tình một cách phổ biến. Vì vậy, ở đây Tăng-già-đề-bà vẫn được chấp nhận là dịch giả.
II. TIỂU TRUYỆN TĂNG-GIÀ-ĐỀ-BÀ
Tăng-già-đề-bà là từ phiên âm của Sanskrit Saṅghadeva, Hán dịch là Chúng Thiên, nguyên người nước Kế-tân, họ Cù-đàm (Gotama). Các sử liệu Hán văn đều ghi chép Sư sau khi xuất gia chuyên tâm nghiên cứu A-tì-đàm tâm luận. Kế-tân, mà phần lớn sử truyện Trung Hoa đồng nhất với Ca-thấp-di-la (Kaśmīra), là địa phương chịu ảnh hưởng của Hữu bộ. A-tì-đàm tâm luận, nguyên bản Phạn có tên là Abhidharmahṛdaya, hay Abhidharmasāra,[12] được soạn tập bởi Pháp Thắng (Dharmaśrī), là bản tóm tắt các tinh nghĩa của A-tì-đàm, có ảnh hưởng khá lớn trong Hữu bộ. Điều này có thể xác nhận Sư xuất gia theo Hữu bộ. Tuy nhiên, ngoài A-tì-đàm tâm luận, Sư còn chuyên học Tam pháp độ luận, rất lấy làm thưởng thức, cho đây là uyên phủ của Đạo. Tam pháp độ luận, soạn tập bởi Sơn Hiền (hay Thế Hiền: Vasubhadra?) mà Huệ Viễn[13] xưng tụng là bậc Ứng chân Đại nhân tức A-la-hán, được xem là luận điển của phái Độc tử bộ (Vātsīputriya). Như vậy, bộ phái này hẳn có ảnh hưởng nhất định đối với tư tưởng Phật học của Sư.
Dưới triều Phù Kiên, trong khoảng niên hiệu Kiến Nguyên (365-384), Sư đến Trường An. Cũng trong khoảng thời gian ấy, cao tăng Thích Đạo An được Phù Kiên đón về Trường An. Bấy giờ tuy tuổi đã gần 70, nhưng Đạo An vẫn chuyên tâm hỗ trợ sự nghiệp phiên dịch.
Sau đó, niên hiệu Kiến Nguyên 18 (tl. 382), có Cưu-ma-la-bạt-đề,[14] vốn là quốc sư của vua nước Xa-xư Tiền-bộ, đến Trường An mang theo một số kinh luận bằng Phạn bản; đồng thời các sa-môn người Kế-tân là Tăng-già-bạt-trừng và Đàm-ma-tì, sa-môn người Đâu-khư-lặc là Đàm-ma-nan-đề, cũng lần lượt đến Trường An. Niên hiệu Kiến Nguyên 19 (tl. 383), theo thỉnh cầu của Pháp Hòa, đồng học của Đạo An, Tăng-già-đề-bà khởi sự dịch A-tì-đàm Bát kiền-độ luận.[15] Rồi Sư cùng với Đàm-ma-nan-đề hỗ trợ Tăng-già-bạt-trừng dịch Bà-tu-mật Bồ-tát sở tập luận.
Các bản dịch này chưa được hoàn chỉnh. Nhưng vào cuối đời Kiến Nguyên, do loạn Mộ Dung Xung, Tăng-già-đề-bà và Pháp Hòa tập họp môn đồ cùng đi về phương Nam lánh nạn. Ở đây được chừng 4, 5 năm, khi ấy vốn Hán ngữ của Tăng-già-đề-bà có phần thông thạo, do đó duyệt lại các bản dịch trước kia mới phát hiện còn có khá nhiều sai lạc. Sư cùng với Pháp Hòa kiểm lại bản dịch Bát kiền-độ luận. Không bao lâu, được biết đất Trường An, dưới sự thống trị của Diêu Tần, pháp sự có cơ hội trùng hưng, Pháp Hòa bèn từ giã trở về đó. Riêng Tăng-già-đề-bà lại tiếp tục vượt sông Trường Giang đi về phương Nam. Lúc bấy giờ cao đệ của Đạo An là Tuệ Viễn đang trụ trì tại Lô Sơn. Hay tin Đề-bà đang đi về phía Nam, Tuệ Viễn liền đi đón Đề-bà về Lô Sơn. Tại đây, Sư thực hiện các bản dịch A-tì-đàm tâm luận, Tam pháp độ luận. Tuệ Viễn viết lời Tựa.
Lịch đại Tam bảo ký[16] còn ghi một bản dịch nữa được thực hiện tại Lô Sơn là Giáo thọ tì-kheo-ni pháp, 1 quyển, nhưng nay đã thất lạc.
Niên hiệu Long Hòa 1 (tl. 397), Tăng-già-đề-bà đến Kiến Khang, thủ phủ của nhà Tấn. Ở đây Sư được các hạng vương công, danh sĩ rất tôn trọng. Thượng thư lệnh Vương Tuân trước đã cho xây dựng một tinh xá, tập họp đông đảo học chúng chuẩn bị dịch kinh. Khi Tăng-già-đề-bà đến đây, Vương Tuân thỉnh cầu Sư đến ở tại tinh xá này giảng A-tì-đàm.
Vương Tuân nhận thấy các bản dịch Trung và Tăng nhất A-hàm bởi Đam-ma-nan-đề chưa được hoàn chỉnh, do đó tập họp tại kinh đô khoảng 40 sa-môn nghĩa học, dẫn đầu là Huệ Trì, tổ chức dịch trường, thỉnh Tăng-già-đề-bà dịch lại Trung A-hàm, và hiệu chính, biên tập lại Tăng nhất. Đạo Từ làm người bút thọ. Nhân đó, Đạo Từ viết bài tựa cho bản dịch Trung A-hàm này, được ấn hành trong Đại Chính, ở cuối kinh, tựa đề là “Hậu xuất Trung A-hàm kinh ký.” Bài tựa viết:
“Trước đây, tại Trường An Thích pháp sư dịch Trung A-hàm, Tăng nhất, A-tì-đàmQuảng thuyết (Bệ-bà-sa, hay A-tì-đàm tì-bà-sa, thất lạc), Tăng-già-la-xoa (Tăng-già-la-sát tập kinh), A-tì-đàm tâm (A-tì-đàm tâm luận, thất lạc), Bà-tu-mật, Tam pháp độ, Tùng giải thoát của hai chúng, Tùng giải thoát duyên. Các Kinh Luật được phiên dịch này, tổng cộng, có hơn trăm vạn lời; nhưng thảy đều sai lạc ý chỉ của nguyên bản, danh không phù hợp với thực, từ nghĩa mơ hồ, văn cú lệch lạc. Đấy là do người dịch nông nổi, chưa thông thạo Hán ngữ.
“Gặp lúc chiến trạng bộc phát giữa Yên và Tần; Quan Trung rơi vào đại loạn. Do bởi bậc Lương tượng lánh xa cõi đời, cho nên không người cải chính.
“Trải qua mấy năm, Quan Đông có hơi yên ổn. Đạo nhân người Ký Châu là Thích Pháp Hòa; sa-môn người Kế-tân là Tăng-già-đề-hòa, cùng tập họp môn đồ đi về Lạc Ấp. Trong vòng 4, 5 năm, Sư nghiên cứu, diễn giảng chuyên tinh, do đó Hán ngữ dần dần trở nên thông thạo, nên mới nhận biết những chỗ sai lầm trong các bản dịch trước. Pháp Hòa ân hận vì những sai lầm này, bèn hỗ trợ Đề-bà dịch lại A-tì-đàm Quảng thuyết. Từ đó trở đi, các bản dịch Kinh Luật dần dần được chính xác. Duy Trung A-hàm, Tăng-già-la-xoa, Bà-tu-mật, Tùng giải thoát duyên, đều được dịch trở lại. Gặp lúc bấy giờ Tăng-già-đề-bà đến Kinh đô, tùy vận mà giáo hóa, ban bố Pháp ở Giang Tả.
“Bấy giờ có vị Đại trưởng giả nước Tấn là Thượng thư lệnh Vệ tướng quân, Đông đình hầu Ưu-bà-tắc Vương Nguyên Lâm, xem sự thường hộ trì Chánh pháp là phận sự của mình; tức là đàn-việt. Vì mục đích dịch Kinh, ông tạo lập tinh xá, thỉnh mời cao tăng hữu đạo như Thích Huệ Trì, cùng với các sa-môn nghĩa học, hơn 40 vị; cung cấp nơi ở, cùng các nhu yếu không thiếu. Lại dự thỉnh Kinh sư Tăng-già-la-xoa cúng dường đến mấy năm. Sau đó, niên hiệu Long An thứ nhất, tại tinh xá ở Dương Châu, ông đề nghị dịch lại Trung A-hàm này. Thỉnh sa-môn người Kế-tân là Tăng-già-la-xoa đọc bản Phạn; Tăng-già-đề-bà chuyển dịch sang tiếng Hán; Dự Châu sa-môn Thích Đạo Từ bút thọ. Năm sau, bản thảo hoàn tất.
“Trung A-hàm này gồm 5 tụng, 18 phẩm, 222 kinh, kể có đến 51 vạn 4 nghìn 8 trăm 25 chữ, phân làm 60 quyển.
“Bấy giờ, trong nước có đại nạn, nên bản dịch cho đến Long An thứ 5 mới được chính thức sao chép, hiệu đính và lưu truyền.
“Bản dịch này, so với bản dịch trước (bởi Đàm-ma-nan-đề) có nhiều chỗ bất đồng. Trong số 222 kinh, nếu dịch cho êm xuôi thì e sợ trái với ý chỉ của bậc Thánh; nếu y theo bản gốc, thì các từ ngữ phần nhiều khác với trước, nghịch với thói quen đã có, không thiệp với nhận thức số đông, Vì vậy, người dịch không thể tự chuyên. Giờ có bản cải chính, nhưng vẫn theo tên gọi như trước. Song le, sự dị đồng giữa năm bộ, ai biết đâu là chính, mà Đạo Từ thì theo ý ngu nhặt ra những chỗ sai lầm với nguyên bản đã được cải chính, sao chép lại dưới đây; cả hai bản mới và cũ đều được giữ lại, tập thành một quyển, cùng liền với mục lục, để truyền cho đời sau, các bậc Hiền trong tương lai biết những chỗ dị đồng, tiện bề tham khảo. Nếu may mà gặp vị cao minh ngoại quốc giỏi của Hán và Phạn, sẽ có thể tham vấn những được mất, rồi sửa lại cho hoàn hảo.”
Trong bài Tựa Đạo Từ có nói đến bảng đối chiếu những điểm dị đồng giữa hai bản dịch; rất tiếc, bảng đối chiếu này hiện thất lạc.
Qua các tường thuật dẫn trên, chúng ta cũng được biết sự nghiệp phiên dịch của Tăng-già đại khái chia làm hai giai đoạn. Thời kỳ đầu, tại Trường An và Lạc Dương. Khởi đầu, mới đến Hoa nên chưa thông Hán ngữ; khởi sự tham gia hỗ trợ Đàm-ma-nan-đề dịch Trung và Tăng nhất. Các bản dịch của Sư trong thời này được nhắc đến gồm có A-tì-đàm bát kiền độ luận, 8 quyển; A-tì-đàm tâm luận, 20 quyển; Bệ-bà-sa A-tì-đàm (= Quảng thuyết), 14 quyển. Các bản dịch này về sau khi Tăng-già-đề-bà lánh nạn sang Lạc Dương khá tinh thông Hán tự được hiệu chính lại.
Thời kỳ thứ hai, do thỉnh cầu của Tuệ Viễn, Tăng-già-đề-bà đến Lô Sơn; tại đây dịch A-tì-đàm tâm luận, 4 quyển; đồng thời hiệu chính Tăng nhất bản dịch của Đàm-ma-nan-đề và dịch lại Trung A-hàm, 60 quyển. Bản dịch này do Tăng-già-la-xoa đọc Phạn bản; Tăng-già-đề-bà đọc lời dịch. Như vậy, trong cả hai lần dịch, lần trước do Đàm-ma-nan-đề chủ trì; lần này do tự thân; thảy đều do người khác đọc bản Phạn; theo đó có thể biết Tăng-già-đề-bà không phải chuyên tinh Trung A-hàm. Điều này cũng có thể giải thích lý do về một số nhầm lẫn trong bản Hán; tất nhiên do người dịch chưa nắm hết ý nghĩa của Kinh văn. Những nhầm lẫn này thảy đều được ghi chú trong bản dịch Việt ở đây.
Về cuối đời, theo lời tán của Cao tăng truyện, Tăng-già-đề-bà do du lãm rất nhiều nơi trong và ngoài Trung Hoa, nên biết rất nhiều phong tục các địa phương; tính cách con người rất thong dong, nhạy bén, rất khéo léo trong đàm luận; sự nghiệp hoằng pháp rất rộng rãi; nhưng cuối đời không biết đi đâu.
T.S.
[1] Cf. Bhikṣu Thích Minh Châu, The Chinese Madhyama Agama and the Pali Majjhima Nikaya. Evidences to prove that the CMA belongs to the Sarvastivada School. Motilal Banarsidas Publishers Pvt. Ltd. 1991. - Ấn Thuận, Nguyên thủy Phật giáo Thánh điển chi tập thành, Chánh văn, Đài bắc, 1993; tr. 703. – Tiền Điền Huệ Học, Nguyên thủy Phật giáo Thánh điển chi thành lập sử nghiên cứu, dẫn bởi Ấn Thuận, op.cit., tr. 95.
[2] Di-sa-tắc bộ Hòa-hê Ngũ phần luật, quyển 30, T22 No.1421, tr. 191a25; Ma-ha Tăng-kỳ luật, quyển 32, T22 No. 1425, tr. 491c17; Tứ phần luật, quyển 54, T22 No. 1428, tr. 68b20 ; Thiện kiến luật tì-bà-sa, quyển 1, T24 No. 1462 tr. 677a26.
[3] Hán, Trung A-hàm 中阿含, Skt. Madhyama-āgama, tương đương Pāli, Majjhima-Nikāya.
[4] Tát-bà-đa tì-ni tì-bà-sa, quyển 1, T23 No. 1440 tr. 503c28.
[5] Cf. Natsuda Kazunobu, New Sanskrit Fragments of the Madhyama-āgama from the Cecil Bendall Manuscripts in the National Archives Collection, Kathmandu. 印度學佛教學研究, Vol. 44(2), 1995, pp. 868-862.
[6] Tăng Duệ, Trường A-hàm kinh tự, T1 No 1; tr. 1a11.
[7] Tiểu thổ thành, có lẽ là thuộc Cổ thành của Vương xá mà tên Pāli gọi là Giribbaja. Cf. Dictionary of Pāli Proper Names; ii. 721.
[8] Xuất Tam tạng ký tập, quyển 2, T55 No. 2145, tr. 10c5.
[9] ibid., quyển 13, tr. 99b11.
[10] Xuất Tam tạng ký tập, quyển 9, tr. 63c22.
[11] Thủy Dã Hoằng Nguyên, Trung A-hàm giải thuyết: bản Hán dịch 60 quyển hiện lưu truyền chính là bản dịch 59 quyển của Đàm-ma-nan-đề, được hiệu chính bởi Tăng-già-đề-bà. Dẫn bởi Phụ lục của Phật quang Đại tạng kinh.
[12] L. de la Vallée Poussin, L’Abhidharmakośa de Vasubandhu, tom. I, Bruxelles, 1971, tr. lxii.
[13] Xuất Tam tạng ký tập, quyển 10: Tam pháp độ tự, Thích Huệ Viễn soạn.
[14] Xuất tam tạng ký tập, quyển 8, tr. 52b12. Đại Đường nội điển lục, quyển, 3, đọc là Cưu-ma-la-phất-đề.
[15] Tức Phát tri luận, bản Hán dịch, Huyền Trang, T26 No 1544.
[16] quyển 7, T49 No 2034, tr. 70c10.