Giới thiệu Phụ trương PHẬT HỌC CỦA BÁO LỤC TỈNH TÂN VĂN
Ghi chú trong lần ấn hành 2019
Cách đây vài năm, chúng tôi có đến tham vấn hòa thượng Thích Minh Thanh một số sử liệu về phong trào chấn hưng Phật giáo. Hòa Thượng không chỉ nhiệt tình kể cho nghe những “ngoại sử” không có trong sử sách về chùa Long Phước và Hội Lưỡng Xuyên Phật học mà còn hoan hỷ trao tặng Thư viện Huệ Quang 13 số Phụ trương Phật học của tờ Lục Tỉnh Tân Văn.
Hòa thượng Thích Minh Thanh là đệ tử của cố Hòa thượng Thích Thiện Hoa, hiện là viện chủ chùa Bảo An-Trà Vinh và chùa Bửu Sơn - Sài Gòn. Chúng tôi không biết Hòa thượng làm việc gì trong giáo hội, nhưng qua những lần được diện kiến chúng tôi nhận thấy Hòa thượng rất am tường nội tình của Phật giáo và đặc biệt Ngài có một trí nhớ vô cùng tốt. Hòa thượng có thể kể miệt mài nhiều giờ không gián đoạn về các sử liệu cách đây mấy mươi năm. Hòa Thượng thật là một kho sử liệu sống về phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Nam. Vô số những mẩu chuyện về các vị cao tăng như tổ Phi Lai, tổ Khánh Hòa, Khánh Anh, Hòa thượng Khánh Thuyên, Hòa thượng Trí Tịnh… có thể được Ngài kể ra một cách chi tiết, tường tận.
Hòa thượng Thích Minh Thanh trong những năm qua cũng đã hiến toàn bộ kho tư liệu, đa phần là báo chí Phật giáo mà Ngài đã lưu giữ suốt mấy mươi năm vào Thư viện Huệ Quang.
Lục Tỉnh Tân Văn (六省新聞 1907-1944) số 1 ra ngày 15-01-1907, số cuối cùng - số 7741 ra ngày 30-09-1944 là một tờ báo tiếng Việt xuất bản tại Sài Gòn, tiêu đề được viết bằng cả chữ Quốc ngữ lẫn chữ Hán.
Biên tập: ông Schneider giao cho ông Pierre Jantet, một công chức Pháp, điều khiển tổng quát. “Ông Pierre Jantet đã cộng tác với một bộ biên tập toàn người VN, gồm các ông Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Trạc, Thọ An, Thiện Đắc, Giác Ngã.
Với số báo 996, ra ngày 1-10-1921, nhằm ngày Mùng Một tháng 9 năm Tân Dậu, tờ LTTV kết hợp với tờ Nam Trung Nhựt Báo, nhưng vẫn giữ tên LTTV, trở thành một tờ nhựt báo với các chi tiết như sau: (Hình số 5)
Giám Đốc – Chủ Nhân (Directeur – Propriétaire): Nguyễn Văn Của
Chủ bút: Lê Hoằng Mưu
Toà soạn: 157 đường Catinat, Sài Gòn
Định kỳ: xuất bản mỗi ngày, trừ ngày lễ và Chúa Nhựt
Số trang: 6 trang
Giá bán:
Nội dung: Xã luận, tin tức về chính trị (Việt Nam, Đông Dương và thế giới), tin tức về kinh tế (canh nông, thuơng mại, công kỹ nghệ), văn nghệ (thơ văn, tiểu thuyết dịch và tiểu thuyết Việt ngữ, v.v.), kiến thức tổng quát (lịch sử, địa lý, khoa học thường thức, v.v.), giải trí (câu đố, truyện cười, vè, v.v.), và quảng cáo.
Ngày 16-07-1935 (16-06-Ất Hợi), Lục Tỉnh Tân Văn cho ra tuần báo phụ trương Phật Học số đầu tiên.
Mục đích xuất bản tuần báo phụ trương Phật Học nêu rõ ở số 1 trong bài viết Tại sao tờ Lục Tỉnh Tân Văn có trương Phật học: “Nghĩ rằng chúng tôi có cái trách nhiệm đương cái giỏ kia ra, còn tư lương thì lúc đương giỏ xong chúng tôi xin giao cho các nhà tâm đạo chung nhau giải quyết thế nào cho có kết quả mỹ mãn”.
Đó là sự tùy hỷ quý báu của những nhà lãnh đạo tờ Lục Tỉnh Tân Văn, muốn tạo một môi trường, một diễn đàn để góp công vào công cuộc chấn hưng Phật giáo đang vào giai đoạn hưng khởi. Và với cơ sở và nền tảng sẵn có, họ nhanh chóng làm cho tuần báo Phật học có tính chất báo chí rõ rệt. Ngoài các bài xương sống nghiên cứu về giáo lý, lịch sử Phật giáo còn có những bài tin tức hoạt động Phật giáo, phóng sự phỏng vấn… điều mà những tờ báo Phật giáo đương thời chưa làm được.
Vì vậy, tuy chỉ sưu tầm được 13 số mỏng, không biết là đã kết thúc hay chưa, nhưng là tài liệu vô cùng quý hiếm, chúng tôi tạm thời xử lý in ra, để ngoài phần bảo tồn tư liệu quý còn góp chút ít tư liệu vào việc tìm hiểu giai đoạn đầu chấn hưng Phật giáo Việt Nam vốn có phần khan hiếm.
Nhân đây, Thư viện Huệ Quang xin chân thành tri ân hòa thượng Thích Minh Thanh, người đã trân tàng và hiến tặng những số phụ trương Phật Học quý hiếm này.
Huệ Quang mùa thu năm Kỷ Hợi, 2019
Thích Không Hạnh