Phàm là nước, nước nào cũng có sử; phàm là dân trong một nước, người nào cũng nên có đọc sử của nước. Sử có nhiều thể; không cứ theo thể nào, soạn cho ra sử thật là khó. Tôi học ít tài kém, dám đâu nói đến việc làm sử; chỉ vì một phiến cảm tình đối với các trẻ con giai gái trong nước, muốn cho từ lên sáu, lên tám, đã thông hiểu quốc ngữ thời nên biết Quốc sử ra làm sao. Vậy nên phỏng theo các lối sử đông tây, đem sự tích trong mấy nghìn năm, chép yếu lược làm một bổn sách; có cương, có mục, có phụ lục, có phụ khảo, có ký, án, có biện, luận, nhan là “QUỐC SỬ HUẤN MÔNG”. Dẫu ở sử học giới không đủ kể là có không, song mà đối với những trẻ con nước nhà, hoặc có chút ít vậy.
Giới thiệu tác giả:
Tản Đà (1889-1939). Tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu. Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Đi khắp miền đất nước, ông đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”.