Các Nguyên Lý Của Triết Học Pháp Quyền
“Triết học pháp quyền' là tên gọi ngắn gọn và quen thuộc dành cho tác phẩm lừng danh mang đến hai nhan đề: “Các nguyên lý của triết học pháp quyền” (Grundlinien der Philosophie des Rechts) và “Đại cương pháp quyền tự nhiên và khoa học về Nhà nước” (Naturrecht und Staatswissenschaft im Grundrisse) của Hegel sau khi tác giả của nó đã qua đời([2]). Từ đó, tên gọi ngắn gọn ấy mặc nhiên trở thành danh xưng cho một trong số không nhiều lắm những tác phẩm gây ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử của triết học chính trị. Nó nghiễm nhiên đứng vào hàng ngũ những tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực này, bên cạnh “Cộng hòa” (Politeia) của Platon, “Chính trị học” của Aristoteles, “Leviathan” của Thomas Hobbes, “Siêu hình học về đức lý” (Metaphysik der Sitten) của Immanuel Kant… Có thể nói, đây là nỗ lực sau cùng của một thứ Philosophia practica universalis trong lịch sử triết học, thực sự bao trùm hầu hết mọi chủ đề liên quan đến đời sống thực hành của con người.
Hơn thế nữa, tên gọi “triết học pháp quyền” còn trở thành “sở hữu” riêng của Hegel, đánh dấu sự thắng lợi của ông về mặt thuật ngữ khi nó thay thế và bao hàm cả hai môn học truyền thống ở phương Tây: học thuyết về pháp quyền tự nhiên và học thuyết về Nhà nước. Chữ “pháp quyền”, trong trường hợp này, là thích hợp, vì nó không chỉ bao hàm “pháp luật” theo nghĩa hẹp mà cả “hiện thực Nhà nước”, tức các định chế chính trị, xã hội. Với sự ra đời của thuật ngữ này, trong hơn một trăm năm qua, người ta có cơ sở để phân biệt các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau liên quan đến chủ đề “pháp quyền” hay “pháp luật”