Tất cả danh mục

Phương Pháp Phê Bình Điện Ảnh

Giá bìa: 89.000 ₫

Giá bán tại NETA: 80.100 ₫

Tiết kiệm: 8.900 ₫-10%

Khuyến mãi & Ưu đãi tại Sách Khai Trí

  1. Bao sách miễn phí (theo yêu cầu)
  2. Miễn phí giao hàng cho đơn hàng từ 150.000đ ở TP.HCM và 300.000đ ở Tỉnh/Thành khác  Xem chi tiết
  • Tác giả:

  • Ngày xuất bản:

    08-2020
  • Kích thước:

    14 x 20 cm
  • Nhà xuất bản:

    NXB Văn Hóa - Văn Nghệ
  • Hình thức bìa:

    Bìa mềm
  • Số trang:

    260
Phương pháp phê bình điện ảnh

Tác giả: Trần Luân Kim

Nhà nghiên cứu, lý luận phê bình Điện ảnh

Nguyên Viện trưởng Viện phim Việt Nam

Đã xuất bản 10 cuốn sách, trong đó 6 cuốn sách, trong đó 6 cuốn là đồng tác giả



Phương pháp phê bình điện ảnh

Lý luận - phê bình điện ảnh đồng hành và hỗ trợ sáng tác điện ảnh

Quyển sách Phương pháp phê bình điện ảnh của tác giả Trần Luân Kim đã đạt giải Nhì Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 2012 – 2017, gồm 4 phần: Chế tác phim truyện - Sơ thuật mấy vấn đề cơ bản; Phê bình phim truyện - Phương pháp và nội dung; Thực hành phê bình phim; Những bài phê bình phim.



Mở đầu

Là nghệ thuật tổng hợp nhiều cấp độ, nội hàm ĐIỆN ẢNH bao chứa các nội dung hoạt động với nhiều chuyên ngành khác biệt nhau. Trong đó, mỗi hoạt động hoặc mỗi chuyên ngành đều dung nạp khối lượng lớn kiến thức cùng hệ thống thủ pháp và kỹ năng thể hiện nghệ thuật hết sức phong phú, đa dạng. Lĩnh vực LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH ĐIỆN ẢNH, vì thế cũng trở nên đặc biệt rộng lớn và phức tạp.

Con đường tiếp cận, nghiên cứu điện ảnh thông qua lý luận - phê bình là con đường dài nhiều chặng, xuyên suốt các lĩnh vực hoạt động tổng hợp của điện ảnh; từ các yếu tố liên quan đến văn học, nghệ thuật tạo hình, dàn dựng cảnh, xử lý không gian thời gian, chọn lọc âm thanh, nghệ thuật diễn xuất... đến các vấn đề thuộc về tài chính, thương mại, cùng các lĩnh vực khác như vật liệu ghi hình, kỹ thuật tiền kỳ, hậu kỳ, phương thức quảng bá, v.v... Riêng lĩnh vực nghệ thuật, để nghiên cứu thấu suốt nghệ thuật điện ảnh, người ta không thể không đề cập tới hàng loạt vấn đề liên quan trực tiếp như mỹ học điện ảnh, tâm lý điện ảnh, ký hiệu điện ảnh, lịch sử điện ảnh, xã hội học điện ảnh,... Phạm vi rộng lớn của nội hàm điện ảnh đặt công tác lý luận phê bình điện ảnh vào một vị thế vừa chông chênh khó nhọc, vừa tinh vi lý thú.

Lý luận điện ảnh và phê bình điện ảnh là hai phạm trù gắn kết, hỗ trợ nhau chặt chẽ, không thể tách rời. Chính vì vậy, trước khi đề cập sâu lĩnh vực phê bình điện ảnh, thiết tưởng, tìm hiểu một số vấn đề lý luận cơ bản về nghệ thuật điện ảnh có mối liên quan trực tiếp đến phương pháp phê bình điện ảnh, là việc cần thiết.

Tác phẩm điện ảnh (rộng hơn là tác phẩm nghe - nhìn) tác động trực tiếp đến quảng đại công chúng, do đó lý luận điện ảnh có mối tương quan mật thiết với tiến trình phát triển xã hội. Sự đa dạng, phức tạp của xã hội, vì thế cũng in dấu đậm nét lên sự đa dạng, phức tạp của lý luận điện ảnh. Hoàn cảnh và các điều kiện khác nhau của xã hội quyết định đặc trưng cơ bản của lý luận điện ảnh. Lý luận điện ảnh phụ thuộc vào hình tượng điện ảnh, và hình tượng điện ảnh cũng đồng thời chịu sự chi phối sâu sắc của xã hội, tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến nhận thức xã hội, tạo nên nguồn tác động hữu ích hai chiều. Từ đó có thể xác định rằng, lý luận điện ảnh là môi giới tích cực giữa hình tượng điện ảnh với xã hội. Cũng có thể nói khác: hình tượng điện ảnh là chốn ký thác tinh thần và tình cảm của các cá thể trong xã hội; qua đó mà thấu hiểu mình thông qua việc tham chiếu hình tượng điện ảnh.

Hình tượng điện ảnh là những mảnh vụn được kết nối từ lịch sử lịch sử của quá khứ và hiện tại. Chúng được ghép lại, qua lý luận phê bình điện ảnh, giúp ta nhận diện một phần lịch sử. Lý luận điện ảnh giải phẫu hình tượng điện ảnh, và góp phần kích thích lịch sử phát triển. Khi một hình tượng điện ảnh được đông đảo công chúng hoan nghênh, chứng tỏ nó đã làm tròn nhiệm vụ phản ánh một tâm lý xã hội tương đối phổ biến nào đó. Thông qua phân tích hình tượng, người ta có thể phát hiện và lý giải những mạch tâm lý ẩn chìm, và từ đó có thể cảm nhận nhịp đập của xã hội.

Lý luận điện ảnh đóng vai trò trọng yếu trong việc giải mã những ẩn tàng của nghệ thuật biểu đạt điện ảnh. Nghệ thuật điện ảnh thông qua hư cấu, tạo ra những dạng thái và hình tượng xã hội; được lý luận điện ảnh soi chiếu, phản ánh.

Lý luận - Phê bình điện ảnh là cây cầu, nối liền nghệ thuật điện ảnh với công chúng và xã hội. Vai trò quan trọng của lý luận điện ảnh là hướng đạo sự xuất hiện các hình tượng khác nhau; đồng thời luận giải xác đáng các hình tượng đó trước công chúng.

Giới lý luận điện ảnh phân chia nội hàm lý luận điện ảnh ra hai mảng chính: lý luận truyền thống và lý luận hiện đại. Lý luận điện ảnh truyền thống lấy phân tích tinh thần và phê bình hình thái ý thức làm trụ cột. Nó chủ yếu đề cập đến tác giả, tính hiện thực, tính giáo dục và tính thẩm mỹ. Lý luận điện ảnh hiện đại chủ yếu sử dụng hệ thống lý luận về ký hiệu học, về phân tích tinh thần, phê bình hình thái ý thức, chủ nghĩa nữ quyền và chủ nghĩa hậu hiện đại... Lý luận điện ảnh hiện đại khởi phát cuộc cải cách phương pháp tư duy, quan sát điện ảnh từ góc độ ký hiệu học. Dòng lý luận này tuy chưa hoàn thiện, song về bản chất, mang tính phê phán và cải cách rất đậm nét. Nó đào sâu các vấn đề về bản tính điện ảnh cùng mối quan hệ giữa điện ảnh với xã hội, làm thay đổi quan niệm truyền thống về bản chất của mối quan hệ giữa nghệ thuật điện ảnh với hiện thực đời sống. Cả hai, lý luận điện ảnh hiện đại và lý luận điện ảnh truyền thống đều cùng song hành tồn tại, hình thành một cấu trúc lý luận tổng hợp. Tuy cả hai không thể hòa vào nhau thành một thể hệ lý luận thống nhất và hoàn chỉnh; song chúng có thể tham chiếu nhau, tạo ra mối quan hệ đa chiều; cung cấp cho xã hội nhiều khả năng lưa chọn, giúp lý giải điện ảnh từ nhiều góc độ phong phú khác nhau.

Ở Việt Nam, lý luận điện ảnh tiến bước chậm trễ. Mặc dù nền điện ảnh dân tộc đã hình thành và phát triển, cho đến nay đã ngót 60 năm, vẫn chưa xây dựng được hệ thống lý luận riêng. Trong nhiều năm, hoạt động điện ảnh Việt Nam phát triển chủ yếu dựa vào đường lối văn nghệ của đất nước cùng hệ thống lý luận chuyên ngành chủ yếu đến từ Liên Xô. Lý luận điện ảnh Việt Nam, như vậy, cũng chưa xây dựng được cơ sở lý thuyết cơ bản, ngay cả ở lĩnh vực thông dụng nhất là nghệ thuật chế tác phim. Trong hoàn cảnh đó, khi một phần lý luận điện ảnh hiện đại từ bên ngoài thâm nhập vào, điện ảnh Việt Nam chưa sẵn sàng điều kiện để tiếp thu chủ động và có chọn lọc. Quan niệm chi phối lâu nay ở ta coi điện ảnh là công cụ nhằm đạt tới các mục tiêu về đạo đức chính trị xã hội; đòi hỏi điện ảnh phải hàm chứa tính xã hội nổi bật, trên thực tế hình thành lý luận điện ảnh và xã hội. Trong điều kiện đó, tính thương mại đơn thuần trong điện ảnh không được khuyến khích, mà đòi hỏi yếu tố thương mại cũng phải phục vụ các mục tiêu lành mạnh của xã hội. Hiện nay, chúng ta cần từng bước hình thành cơ sở lý luận cơ bản cho nền điện ảnh dân tộc. Cần kết hợp lý luận điện ảnh truyền thống với lý luận điện ảnh hiện đại; vận dụng phù hợp với hoạt động thực tiễn; đồng thời đáp ứng tích cực nhu cầu phát triển của điện ảnh nước nhà trong tương lai gần và xa. Theo các bài viết giới thiệu phê bình phim đã được đăng tải trên các phương tiện đại chúng thời gian qua, có thể thấy, đặc điểm phương pháp lý luận của số đông tác giả là không thâm nhập sâu vào cấu trúc mỹ học của bộ phim, mà chỉ dừng sự quan tâm ở nội dung cũng như giá trị, khía cạnh văn học - xã hội của tác phẩm đó. Nhiều tác giả đã chú trọng phân tích hình thái ý thức của tác giả phim và tác phẩm. Và khi phân tích hình thái ý thức thì nhiều tác giả có xu hướng đi sâu vào mối quan hệ giữa dục vọng con người với quy phạm xã hội. Do tồn tại hiện tượng thiên lệch trong phân tích, không lấy ngôn ngữ biểu hiện làm trung tâm, nên phần lớn các bài phê bình phim chưa thực sự đụng chạm đến những vấn đề bản chất của nghệ thuật điện ảnh.



Trích đoạn:

Tính năng giải trí của điện ảnh

Người xem bình thường đều có nhu cầu giải trí khi thưởng thức điện ảnh. Họ coi điện ảnh là phương tiện giải tỏa các áp lực đời sống hàng ngày, an ủi những ước mơ không thể thực hiện được trong đời sống. Có người coi trọng công năng xã hội của điện ảnh, chủ trương gắn liền chức năng giải trí cùng chức năng giáo dục; thực hiện đạo đức hóa, cao thượng hóa, thể chế hóa giải trí.

Song cũng có người chủ trương đơn thuần hóa chức năng giải trí, tuyệt đối hóa vai trò giải trí của điện ảnh, rằng điện ảnh chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ đơn thuần của người xem, không có quan hệ gì với những vấn đề đạo đức xã hội và thẩm mỹ; vì nó đáp ứng bản năng của con người. Họ nhấn mạnh rằng người mua vé đến rạp chỉ cốt để mua vui, mà mua vui thì không cần gì khác ngoài cái lạ, cái khác thường và sự kích động. Đây là quan điểm cực đoan, biểu hiện của sự dễ dãi, bế tắc trong đường hướng và khả năng chế tác những tác phẩm có giá trị đích thực, đủ sức lôi cuốn đông đảo người xem. Giải trí là chính đáng, nhưng luôn cần đi đôi với đạo đức, làm cho con người phấn chấn, thoải mái và hướng thiện hơn.



* Qua kết quả điều tra và nghiên cứu thực tiễn, có thể phân khán giả điện ảnh thành bốn nhóm sau:

1. Phần lớn thích những truyện phim éo le có nhiều tình tiết hoạt náo.

2. Giới nữ say mê những câu chuyện khơi gợi tình cảm, gây động lòng.

3. Một bộ phận thích những cốt truyện hàm chứa không gian, thời gian dài rộng để có điều kiện theo dõi các thân phận và cá tính đặc biệt của nhân vật.

4. Khán giả trí thức chuộng những tác phẩm xây dựng được hình tượng nổi bật và có ý nghĩa sâu lắng, được xử lý nghệ thuật sắc sảo.

* Đối với phim truyện, những yếu tố được phần đông người xem ưa thích thường là:

- Có tựa đề gây chú ý.

- Có sự tham gia của diễn viên nổi tiếng.

- Có nhân vật bất hạnh, tạo thương cảm.

- Có nhân vật người hùng kiệt xuất, đủ tài trí vượt qua mọi chướng ngại hiểm nguy để giành chiến thắng.

- Có nhiều sự kiện căng thẳng gây hồi hộp.

- Tạo được hấp lực, cuốn người xem vào những tình tiết ly kỳ.

- Nghệ thuật thể hiện cao tay giấu kín được các tình tiết trọng yếu, khiến người xem phút chốc lạc bước trong suy đoán của mình.

- Đem đến ấn tượng khó quên sau khi xem xong phim.

Phim làm ra phải có người xem và có càng đông. Đó là quan điểm hợp thời.



Nhân vật điện ảnh

Trong sáng tác và chế tác điện ảnh, nhân vật là nhân tố trung tâm. Nói cách khác, khắc họa nhân vật là lao động sáng tạo quan trọng bậc nhất và cũng khó khăn, tinh tế bậc nhất đối với tác giả điện ảnh.

Nhân vật trong phim vừa là hạt nhân thuật kể, là động lực triển khai cốt truyện; vừa là hạt nhân của xung đột kịch tính, là cơ sở tạo hình của tác phẩm. Nhân vật trong phim được đặt trong đòi hỏi cơ bản là phải đại diện cho một loại người nào đó; phải có tính cách rõ nét, tuyệt nhiên không phải là mẫu người chung chung; được thể hiện nổi bật qua hệ thống tình huống, sự kiện, và đối thoại tiêu biểu. “con người” ở đây được hiểu là con người tự nhiên, con người xã hội. “Nhân vật” ở đây là mẫu người được hư cấu và là ký hiệu của kết cấu kịch, là hình tượng điện ảnh do diễn viên sáng tạo nên. Trong tiềm thức mọi người, nhân vật là diễn viên, là vai diễn.



Ánh sáng điện ảnh

Ánh sáng là linh hồn của nghệ thuật cấu tạo hình ảnh. ánh sáng điện ảnh là phương tiện và hình thức biểu hiện trọng yếu đối với hiệu quả thị giác. Cảm xúc và biểu đạt đúng độ sáng là nhiệm vụ nghệ thuật của nhà quay phim. Sử dụng hình thức ánh sáng nào trong phim sẽ hình thành phong cách thể hiện phù hợp với hình thức ánh sáng ấy.

Xử lý ánh sáng điện ảnh trước hết là vấn đề của kỹ thuật, sau đó mới là vấn đề của nghệ thuật. có trường phái xử lý ảnh “chân thực”; lại có trường phái xử lý theo quan niệm “duy mỹ”, coi trọng “hiệu quả kịch”. Cả hai trường phái trên đều cùng nhắm tới mục đích hoàn thiện khắc họa nhân vật và biểu hiện hoàn cảnh trong phim.

Trường phái xử lý ánh sáng tự nhiên, chân thực có xu hướng sử dụng ánh sáng trời tự nhiên. Trong trường hợp phải sử dụng nguồn sáng nhân tạo thì cố gắng điều tiết để có ánh sáng duy mỹ với xu hướng “hình thức hóa” và “chủ quan hóa” mô thức biểu hiện ánh sáng, quan tâm đến mối quan hệ giữa hình thức ánh sáng; với nội dung câu chuyện phim. Ở đây, người ta sử dụng nguồn sáng, hướng chiếu sáng ngược với tự nhiên. Để làm nổi bật vị trí của nhân vật giữa không gian miêu tả, nhà quay phim sử dụng ánh sáng ngược, chiếu vào nhân vật. Trong trường hợp này, hình tượng nhân vật được tôn lên trong một vẻ đẹp đặc trưng. Có trường hợp, tác giả có ý sử dụng nhiều nguồn và nhiều loại ánh sáng khác nhau cho một cảnh quay, tạo ra bầu không khí đặc biệt, mang phong cách siêu thực. Chẳng hạn trong cảnh đôi trai gái chuẩn bị vượt qua con đường nhỏ để đến với nhau trong cảnh đêm. Tuy cả hai cùng ở trong một không gian nhưng mỗi người được tác giả bố trí một môi trường ánh sáng hoàn toàn khác nhau: người con gái nổi lên giữa luồng sáng rõ, và người con trai bị chìm trong bóng tối bí hiểm. cách xử lý ánh sáng như vậy ngược với duy thực cũng như với môi trường ngoại cảnh, nhưng lại hết sức duy mỹ và đạt hiệu quả đặc biệt, có thể miêu tả nổi bật một hình tượng nhân vật đặc biệt. Người ta có xu hướng cố ý sử dụng một hình thức ánh sáng riêng biệt nào đó, thường xuyên dành riêng cho nhân vật chọn sẵn trong mọi trường hợp anh ta xuất hiện, như sử dụng ánh sáng ven để diễn tả một nhân vật độc ác bí hiểm...



Nhiệm vụ phê bình phim

Phê bình phim là miêu thuật, đồng thời là giải nghĩa, đánh giá tác phẩm điện ảnh.

Xem phim không chỉ để biết rõ bản thân cấu trúc của phim, mà còn trên cơ sở đó, tiến lên một bước, phá vỡ cấu trúc hiện hữu của nó để có được một “tân cấu trúc”, đem lại sự hiểu biết tận tường về ý nghĩa đích thực của tác phẩm điện ảnh. Như vậy, ý nghĩa nội tại cũng như ngoại tại mà tác phẩm điện ảnh có được là vừa do tự nó thực có, vừa do người xem bồi đắp vào. Sự bồi đắp ấy của công chúng xem phim luôn là nguồn sinh lực sống động và dồi dào, tạo ra sức sống cho tác phẩm điện ảnh.

Phê bình điện ảnh là động thái tìm hiểu, phân tích, đánh giá, bày tỏ chính kiếncủa nhà phê bình đối với tác phẩm điện ảnh. Nội dung phê bình có thể được đề cập toàn diện về bộ phim, cũng có thể chỉ đề cập hạn chế về một lĩnh vực, một phương diện nào đó của bộ phim.

Phê bình điện ảnh là một trong ba phương thức chính nghiên cứu điện ảnh, bên cạnh lý luận điện ảnhvà nghiên cứu lịch sử điện ảnh. Giữa phê bình với lý luận và nghiên cứu lịch sử điện ảnh có mối quan hệ chặt chẽ, nhất là giữa phê bình với lý luận điện ảnh. Phê bình điện ảnh do đó có ý nghĩa và vị trí đặc biệt đối với nghiên cứu điện ảnh. Mặt khác, tuy đều cùng là những phương thức nghiên cứu điện ảnh, phê bình, lý luận và lịch sử điện ảnh đều mang những nội hàm khác hẳn nhau.

Phê bình điện ảnh là một hình thức phê bình học thuật. Nó gắn nghệ thuật điện ảnh với nghệ thuật học nói chung, cũng như với mỹ học, triết học, xã hội học cùng các ngành khoa học xã hội nhân văn khác.

Phê bình điện ảnh là một khoa học - khoa học nghệ thuật chuyên biệt. đối tượng của phê bình điện ảnh là tác phẩm, tác giả phim; là các khâu sáng tạo trong quá trình chế tác phim cũng như khán giả, thị trường điện ảnh ở trong và ngoài nước. Riêng phê bình tác phẩm thì nhà phê bình thường quan tâm đến các khía cạnh của văn học cũng như của ngôn ngữ thể hiện, bao hàm cả các lĩnh vực kỹ thuật liên quan. Đối với công việc phê bình điện ảnh, thông thường người ta quan tâm đến các vấn đề về tính chất, tác dụng cũng như lịch sử phát triển phê bình và mô thức phê bình; về nguồn gốc tư tưởng và căn cứ lý luận của phương pháp phê bình, trong đó bao gồm mối quan hệ giữa lịch sử điện ảnh với phê bình và lý luận điện ảnh; cuối cùng là về thực trạng sáng tác với những thành tựu cũng như yếu kém của hoạt động sáng tác điện ảnh.

Thực chất, phê bình điện ảnh là cuộc trao đổi học thuật mang tính thực tiễn và khoa học giữa người thưởng thức có nghề với nhà sáng tác điện ảnh. Đó là cuộc trao đổi đòi hỏi phải thẳng thắn và xây dựng, lại phải cụ thể, chính xác và bao quát, khách quan. Nó phải hài hòa giữa trách nhiệm, nhận thức cá nhân nhà phê bình với ý niệm, tác động xã hội. Phê bình điện ảnh, dĩ nhiên phải bám sát thực tiễn hoạt động điện ảnh, đồng thời gắn chặt với lý luận điện ảnh để tạo cơ sở triển khai phê bình. Lý luận điện ảnh luôn gắn nghiệp vụ chế tác phim với các quy trình vừa phức tạp vừa vô cùng phong phú của nghệ thuật này.



Cảm nhận Cánh đồng bất tận

Giữa thập niên trước, truyện ngắn Cánh đồng bất tận ra mắt độc giả, từng gây nhiều xôn xao dư luận. Khen nhiều và chê không ít. Cuối cùng, thiên truyện xuất sắc đã giữ chắc chỗ đứng của mình trên văn đàn. Bằng kịch bản chuyển thể cùng tên của Ngụy Ngữ, Nguyễn phan Quang Bình đã chế tác thành phim, cũng gây xôn xao dư luận. Khen cũng nhiều và chê cũng không ít. Và rồi, bộ phim đang tạo dấu ấn riêng một cách chắc chắn trên thị trường điện ảnh nước nhà.

Nhiều phim chuyển thể nổi tiếng của các nước cho thấy, tác phẩm văn học thường chỉ là cơ sở dựa vào để khai thác, sáng tạo một thế giới mới cho tác phẩm điện ảnh, khi từ khía cạnh này, khi từ ý tưởng khác của nguyên tác. Trường hợp Cánh đồng bất tận không hoàn toàn theo công thức ấy. Nguyên tác được phục hiện gần như trọn vẹn, từ cốt truyện đến nhân vật, từ xung đột trung tâm đến hình tượng tác phẩm. Điểm khác biệt rõ nhất có lẽ là ở phương thức và tần suất thể hiện các chốt mâu thuẫn, xung đột - trên phim có vẻ gay cấn và dồn dập hơn so với truyện ngắn. Cả hai, phim và truyện, đều cô đặc cảnh đời của bốn nhân vật vào một không gian hạn hẹp ở trong và quanh con thuyền luôn trôi dạt đơn côi. Tại đó, tấn bi kịch khác thường được phô diễn trên tấm phông hiện thực ẩn chứa bao điều kỳ bí, đặc sệt dấu ấn có một không hai của miền đất chan hòa cỏ cây với trời nước.

Bốn con người rời rã, gần như tách biệt nhau trong tâm khảm lại buộc phải sống cạnh và cọ xát nhau triền miên trong chuỗi sự kiện kéo dài với nhiều tình huống, chi tiết dẫn đến xung đột. Từ đó bộc lộ cá tính, tư chất, thân phận từng cá thể cùng mối quan hệ đa chiều giữa họ. Nghệ thuật tác dựng cốt truyện và mổ xẻ nhân vật tỉ mỉ, nhiều chiều trong không gian hẹp như vậy rất giống kiểu miêu thuật đặc trưng của Hollywood, và đó là một trong những bí quyết thành công của nhiều tác phẩm tâm lý cũng như hành động mà trung tâm điện ảnh này từng giành được.

Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư cùng của Nguyễn phan Quang Bình đều sắp đặt sự tồn tại song song cạnh nhau cái cương ác với cái nhu thiện, khiến tấn bi kịch tâm trạng của các nhân vật có cơ cháy âm ỉ và từng lúc bùng lên dữ dội. Nó luôn kéo căng cực độ nhưng không tới mức làm gãy đứt mối ràng buộc giữa họ. Các tác giả khéo léo dựng lên hai cực đối chọi kề cặp nhau giữa hai nhóm nhân vật, với một bên có tâm trạng bất tín, tuyệt vọng dẫn tới ích kỷ ác độc của Út Võ, sự bê tha bất cần dẫn tới liều lĩnh của Sương; và bên kia có nỗi đau vô vọng cùng niềm khát khao hiểu biết và yêu thương của hai chị em Nương - Điền. Ngay trong bản thân Út Võ và Sương cũng tồn tại hai cực đối chọi nhau như thế giữa sự bạc nhẫn với tình thương, giữa thái độ bất cần với cử chỉ nhân ái, trách nhiệm. Phương pháp tạo đồng điệu trong tương phản ấy thúc đẩy hình tượng nhân vật tới gần hơn đời sống hiện thực, đồng thời tạo điều kiện xoáy sâu và gây ấn tượng mạnh hơn….
Sách Phương Pháp Phê Bình Điện Ảnh của tác giả Trần Luân Kim, có bán tại Sách Khai Trí với ưu đãi Bao sách miễn phí
Phương Pháp Phê Bình Điện Ảnh

Giá bìa: 89.000 ₫

Giá bán tại NETA: 80.100 ₫

Tiết kiệm: 8.900 ₫-10%