"Đào Nguyên Văn Tập - Tập 1 - Ảnh hưởng của Phật giáo trong Văn Học Cổ Điển Việt Nam", sách này, như nơi phần tên gọi đã nêu rõ, tức là những khảo cứu, những biện dẫn bước đầu về ảnh hưởng của Phật giáo đối với các tác giả trong Văn Học Cổ Điển Việt Nam (Văn học chữ Hán, Văn học chữ Nôm), từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.
Nội dung của sách được phân làm 5 chương:
Chương thứ 1: Gồm 11 bài viết nhằm quy về chủ đề: Một số ghi nhận, soi sáng thêm về Văn Học Thiện thời Lý Trần.
Đây có thể xem là những dẫn nhập, những khơi gợi, những đề xuất giúp cho những người đang đến với Văn Học Thiện thời Lý Trần có được những sự tiếp cận rộng mở, bao quát và thấu đáo hơn.
Ba Chương thứ 2, thứ 3 và thứ 4 là các chương chính yếu của sách, khảo cứu, biện dẫn về Ảnh hưởng của Phật giáo trong Văn Học Việt Nam thế kỷ XV, XVI, XVII (Chương thứ 2) thế kỷ XVIII (Chương thứ 3) và thế kỷ XIX (Chương thứ 4). Mỗi chương như thế đều có hai phần chính là Phần Nêu dẫn chung và Phần Nêu dẫn các Tác phẩm, Tác giả.
Chương thứ 5 (Chương cuối): Là những ghi nhận tóm tắt về sự tương quan giữa Cửa Thiên và Văn Học Chữ Nôm trong quá trình hình thành cùng phát triển của chữ Nôm và Văn Học Chữ Nôm, từ thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XIX.
Nói chung, theo chỗ nhận biết của chúng tôi, thì sách này là tác phẩm đầu tiên đã khảo cứu biện dẫn về đề tài ấy (Ảnh hưởng của Phật giáo trong Văn Học Cổ Điển Việt Nam), do một người chuyên nghiên cứu Phật học, chuyên Việt dịch Kinh Luận thuộc Hán Tạng, đứng trên lập trường Phật học toàn diện để viết, để biện dẫn. Hơn nữa, tác giả của sách tức chúng tôi, trong hơn 20 năm qua (1996 - 2018) cũng đã vận dụng mọi nội lực có thể có để thực hiện công việc Phê bình, Biện chính nhằm làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ sự thật. Đó là những sự thật trong Phật Giáo và Phật Học, những sự thật trong Văn Học Phật Giáo Việt Nam, và nhất là những sự thật nơi mảng Ảnh hưởng của Phật giáo trong Văn Học Cổ Điển Việt Nam.
Trích Lời đầu sách
Bộ Đào Nguyên Văn Tập gồm 10 tập, sẽ lần lượt xuất bản.