Ngành Hán Nôm là nhịp cầu trung chuyển giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc Việt Nam, là một phần quan trọng của nền Quốc học Việt Nam.
Kỷ niệm 50 năm thành lập (1970-2020), Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) xuất bản bộ đôi ấn phẩm Quốc học vun bồi và Cổ học điểm tô.
Bộ đôi ấn phẩm này thể hiện những quan điểm thống nhất trong đa dạng của hai thế hệ các nhà nghiên cứu đang công tác tại VNCHN.
Qua bộ đôi ấn phẩm này, người đọc cũng có thể hình dung một cách tương đối toàn diện về những lĩnh vực then chốt trong ngành Hán Nôm trong bối cảnh đương đại.
Cuốn Quốc học vun bồi: Hồi cố và triển vọng nghiên cứu Hán Nôm đầu thế kỷ XXI (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020) là tập hợp có chọn lọc 24 chuyên đề nghiên cứu của 18 tác giả, thực hiện trong các năm 2017, 2018 và 2019.
Đây chủ yếu là những chuyên đề được Viện trưởng VNCHN “đặt hàng” các nhà khoa học trong Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm nhiệm kì 2016 - 2020, bao gồm 15 thành viên, trong đó: PGS.TS. Nguyễn Tuấn Cường (Chủ tịch Hội đồng), PGS.TS. Nguyễn Công Việt (Phó Chủ tịch), TS. Đỗ Thị Bích Tuyển (Thư ký)… Ngoài ra, Viện trưởng còn mời thêm một số nhà nghiên cứu khác mỗi người viết một chuyên đề.
Cuốn sách này cũng là một ấn phẩm khoa học kế tục cuốn sách nhan đề Nhìn lại Hán Nôm học thế kỷ XX, do VNCHN biên soạn (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003).
Chủ biên cuốn sách - PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng VNCHN cho biết ngành Hán Nôm là nhịp cầu trung chuyển giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc Việt Nam, là một bộ phận quan trọng của nền Quốc học Việt Nam.
“Có thể xem cuốn sách này như một sự “vun bồi” cho nền Quốc học từ nỗ lực của những người đã được nền Quốc học đó đào tạo thành. Đó là nguyên nhân khiến cuốn sách được đặt tiêu đề là Quốc học vun bồi”, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường nói.
Cấu trúc của cuốn sách gồm 3 phần. Phần 1 là Tổng luận, gồm 1 bài nghiên cứu tổng luận về lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm nhìn từ bối cảnh đầu thế kỷ XXI.
Phần 2 là Tổng thuật nghiên cứu, gồm 8 bài viết tổng thuật nghiên cứu Hán Nôm trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI trên một số lĩnh vực: Văn tự học, công tác sưu tầm và bảo quản, nghiên cứu và phiên dịch văn bản Hán Nôm về sử địa, văn học, luật, tôn giáo, văn bia, diễn xướng.
Phần 3 là Nghiên cứu chuyên đề, bao gồm 15 bài viết trải rộng trên các vấn đề nghiên cứu cụ thể, gồm: nguồn tư liệu Hán Nôm, nghiên cứu biển đảo qua tư liệu Hán Nôm, di sản Hán Nôm ở khu vực biên giới phía Bắc, văn bản Hán Nôm Phật giáo Việt Nam, nghiên cứu kinh Phật chữ Nôm, di sản Hán Nôm Công giáo, tài liệu Hán Nôm của các dân tộc thiểu số, văn bia thời Tây Sơn, mộc bản học, văn bản thần tích, gia phả, ấn chương hành chính, địa danh Hán Nôm, và một nghiên cứu nhìn từ kinh nghiệm Nhật Bản.
Ở một chiều cạnh khác, song song với cuốn sách này, Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức xuất bản cuốn Cổ học điểm tô: Nghiên cứu Hán Nôm từ góc nhìn của các nhà khoa học trẻ (Nguyễn Tuấn Cường, Đỗ Thị Bích Tuyển đồng chủ biên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020).
Cuốn sách gồm 19 bài viết được chọn lọc từ 33 bài tham luận của ba hội thảo Hán Nôm trẻ, tổ chức do VNCHN vào các năm 2016, 2017, 2019. Những bài viết này được các tác giả sửa chữa và cập nhật nội dung, sau đó tổ chức biên tập và xuất bản thành ấn phẩm khoa học.
Độc giả có thể nhận ra rằng, phần lớn các bài viết này đều gắn với chủ đề nghiên cứu của các học giả trẻ trong quá trình thực hiện khóa luận cử nhân, luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ của mình.
Chất lượng chuyên môn của các bài viết cũng ghi nhận dấu ấn của từng chặng đường nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ. Ẩn sau những bài viết ấy là sự chuyên tâm học tập và nghiên cứu, sự nỗ lực tự định vị của các nhà khoa học trẻ trong môi trường khoa học hiện đại vốn đòi hỏi rất nhiều cố gắng để có thể tồn tại và tự khẳng định mình.
Nguồn zing