Những Lời Bộc Bạch là cuốn tự truyện của Rousseau, được chia thành hai phần khác biệt nhau rõ rệt. Như tác giả nói rõ, phần Một dành cho ba mươi năm của tuổi thanh xuân với những hồi ức tươi mát và êm đềm, với "muôn ngàn ấn tượng thú vị", phần Hai thuật lại quãng thời gian tương tự, đầy những biến động trong cuộc chiến đấu với bản thân, với xã hội: vinh quang, danh tiếng, khổ đau, tai họa...
Kết cấu phần Một cân đối, các quyển có số trang tương đương, tuy bao trùm những khoảng thời gian không đều nhau, có khi mười mấy năm có khi chỉ mấy tháng. Mỗi hồi tưởng là một lạc thú mới mẻ, được tác giả trở đi trở lại "và có thể sửa sang không ngại ngùng sự diễn tả cho đến khi hài lòng".
Phần hai, viết nhanh trong trạng thái "lo sợ và đãng trí, bị những kẻ rình mò và canh gác đầy cảnh giác đầy ác ý vây bọc", có kết cấu lỏng lẻo hơn. Cuộc đối đầu liên miên với những trở ngại, những sự ngược đãi, các tài liệu, thư từ được viện dẫn, khiến số trang của mỗi quyển tăng lên.
Bình luận sách
Phong phú và đa nghĩa, kể từ khi xuất bản (phần Một năm 1782, phần Hai năm 1789) cho đến nay, Những lời bộc bạch không ngừng là đối tượng cho những phương pháp tiếp cận khác nhau. Nhiều điều được cách đọc phân tâm học khai thác: việc Jean-Jacques ra đời khiến người mẹ thiệt mạng, tình của người cha với yêu thương và oán trách hòa trộn, khoái cảm của chú bé lên mười nhận sự trừng phạt từ bàn tay cô gái ba mươi tuổi, hành vi ác với Marion bắt nguồn từ cảm nghĩ trìu mến...
Cách đọc xã hội học chú trọng đến hoàn cảnh kinh tế, địa vị giai cấp, khi lý giải thái độ kiên quyết khước từ ân huệ của triều đình, lựa chọn sự thanh bần và tự do, khi phân tích những ý tưởng sắc sảo, cũng như những điều cực đoan, hoặc mâu thuẫn trong các luận điểm của Rousseau. Cậu thiếu niên Jean-Jacques nghĩ về sự cách biệt với người anh họ thân thiết, từ khi mình làm thợ học việc “anh là một cậu con trai của chốn cao sang; tôi, gã học việc còm, tôi chỉ còn là một thằng bé của Saint-Gervais, giữa chúng tôi không còn sự ngang hàng nữa...”, và hơn hai mươi năm sau, nhà văn viết cho bà De Francueil “chính đẳng cấp của những người giàu, chính đẳng cấp của bà lấy cắp của đẳng cấp chúng tôi miếng ăn cho các con tôi”. Với các nhà phê bình chú trọng đến ngôn ngữ, phong cách, ba bản thảo chép tay Những lời bộc bạch mà Rousseau để lại là tư liệu khảo sát quý giá.
Rousseau nhiều lần bộc bạch nhược điểm không “lợi khẩu”, không nhanh trí để ứng đối trong các phòng khách, nhưng ông tự tin ở văn tài, kết quả của lao động kiên nhẫn và sáng tạo. (Quả thật con người tự học này đạt được những điều phi thường: học nhạc trong khi dạy nhạc và bằng cách dạy nhạc, vậy mà ông phụ trách hai trăm mục từ về âm nhạc cho Bách khoa toàn thư, sáng tác một vở nhạc kịch nổi tiếng ở cung đình và ở Paris, biên soạn một cuốn Từ điển âm nhạc cho đến thế kỷ XIX vẫn là sách tham khảo!) Không thuộc loại tác gia “xuất khẩu thành thi”, Rousseau sáng tác rất công phu, cẩn trọng. Qua mỗi bản thảo, những sửa chữa, giảm nhẹ hay nhấn mạnh, bổ sung hay lược bớt, cho thấy Rousseau người tự thuật vẫn là “người làm văn chương đến cùng” (Jean-Louis Lecercle).
Chính vì tác giả Những lời bộc bạch là “thợ thủ công văn chương” (Michel Launay), là “pháp sư văn chương” (Raymond Trousson), mà người dịch tự thấy bị đặt trước một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Và cảm giác bất lực của người dịch, cũng như sự trông cậy ở những góp ý của độc giả, là chân thành.
(Trích Lời giới thiệu Những lời bộc bạch, Jean-Jacques Rousseau, Lê Hồng Sâm dịch, NXB Tri thức, 2012)