"Đối Thoại Socratic 1" tập hợp một số tác phẩm tiêu biểu của Plato, bao gồm Euthyphro, Socrates tự biện, Crito, Pheado. Ngoài ra, cuốn sách còn có những chú giải chi tiết và phần dẫn nhập của dịch giả Nguyễn Văn Khoa, tập trung vào những vấn đề lí luận trong Hi Lạp học nói chung và Socrates học nói riêng, như quan hệ phức tạp giữa Socrates và Plato, sự phát triển và suy vong của nền dân chủ Athens, nội dung và phong cách triết lí của Socrates. Mỗi dẫn nhập vào từng đối thoại nhằm nêu lên các vấn đề triết học đặc thù của nó, giúp cho việc tiếp cận các tác phẩm kinh điển này được dễ dàng hơn.
“Triết lý được xem như đã ra đời với Socrates không phải cái lý thuyết về Vật lý, thứ triết thuyết này từng xuất hiện sớm hơn mà là thứ Triết lý bàn về con người và nhân cách, về bản chi thiện, ác, tốt, xấu”... “Socrates là người đầu tiên đã lội triết học từ trên trời xuống, dẫn nó vào thành quốc, đưa nó vào từng nhà, đặt nó trực diện với cuộc sống và phẩm hạnh của người đời, và buộc nó xem xét, phát biểu thế nào là thiện, là tốt, thế nào là ác, là xấu” (Cicero, Brutus và Tusculan Disputations).
“Socrates [...] không bào chữa cho mình, Ông biện hộ cho chính nghĩa của một thành quốc biết chào đón triết học. Ông đảo ngược vai trò và nói với họ: tôi đâu có bào chữa cho tôi mà cho quý ông đấy. Rốt cuộc thì Thành quốc ở trong Ông, còn họ mới là kẻ thù của luật pháp, chính họ mới là kẻ bị xét xử, còn ông là quan tòa... Hegel còn nói rằng: “Socrates đã xuất hiện vào thời kỳ suy đốn của nền dân chủ Athens; Ông thoát ly tồn tại để trốn vào nội tâm truy tìm công lý và sự thiện hảo”. Thôi đi, đây mới chính là điều Ông tự ngăn cấm mình làm, bởi vì Triết gia nghĩ rằng người ta không thể sống công chính một mình, rằng sống công chính một mình không còn là sống công chính. Nếu thật ra cái mà Socrates bảo vệ chính là Thành quốc, đấu không phải chỉ là cái Thành quốc trong nội tâm Ông, mà còn là cái Thành quốc tồn tại quanh Ông” (Maurice Merleau-Ponty, Éloge de la Philosophie).