Tác phẩm "Lịch Sử Tư Tưởng Phật Học Trung Quốc" dịch từ nguyên tác “Trung Quốc Phật học Tư Tưởng Khái Luận” của Lữ Trừng mà độc giả đang cầm trên tay vốn là tài liệu huấn luyện phiên dịch thể loại sách học thuật tôi đã sử dụng cho lớp phiên dịch của Viện Nghiên cứu. Bản dịch Việt của tác phẩm này đã đuợc Nhóm nghiên cứu Phật học và dịch thuật Tuệ Chủng hoàn tất và chuẩn bị xuất bản.
Cũng từ nay Nhóm nghiên cứu Phật học và dịch thuật Tuệ Chủng sẽ hợp tác với Trung Tâm Phật học Hán Truyền thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, tiếp tục công việc nghiên cứu và dịch thuật các tác phẩm thuộc chữ Hán ngành Phật học. Trung Tâm Phật học Hán Truyền sẽ chịu trách nhiệm trong việc xuất bản những công trình nghiên cứu và dịch thuật.
Truớc mắt Trung tâm sẽ xuất bản những tác phẩm dịch mang tính học thuật, giáo khoa để đáp ứng nhu cầu tham khảo cho các sinh viên, tăng ni sinh các trường Phật học trong nước. Ngoài ra, Trung tâm sẽ mở các lớp luyện dịch Hán văn ngành Phật học, nhằm cung ứng cho công việc dịch thuật và biên tập bộ Đại Tạng Kinh trong tương lai.
Phương pháp huấn luyện dịch của Trung tâm đòi hỏi người dịch phải hội đủ 3 phương diện: 1 . Thông thạo chữ Hán; 2. Thông thạo tiếng Việt; 3. Am tường tu tưởng các hệ phái Phật học, ngay cả tư tưởng Phật học Trung Quốc, mới có thể chuyển ngữ trọn ý nguyên bản, bản Việt ngữ sẽ lưu loát dễ hiểu. Dựa vào 3 nguyên tắc này khi tiến hành dịch phải tuân thủ ý nghĩa câu “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”, có nghĩa là dựa vào cấu trúc câu để nắm rõ ý nghĩa diễn đạt của nguyên bản, nhưng khi chuyển sang Việt ngữ phải chuyển ý đó thành câu tiếng Việt, không cố chấp vào ngôn ngữ, vì nguyên bản chữ Hán đôi khi viết ngữ pháp không chuẩn, dùng từ không chính xác, nên bản dịch cần phải điều chỉnh. Tác phẩm <_strong22_>Lịch Sử Tư Tưởng Phật Học Trung Quốc" của Lữ Trừng là sản phẩm được dịch theo phong cách này.
Tác giả Lữ Trừng (1896-1989) là một học giả uyên thâm Phật học người Giang Tô, Trung Quốc, cùng Thái Hư đại sư (1889 – 1947) thành lập Chi Na Nội Học Viện. (Ấn Thuận là học viên của trường này thời bấy giờ). Lữ Trừng thông thạo tiếng Phạn, Tạng, Pali, Nhật, Anh, Pháp… Ban đầu ông chuyên nghiên cứu về mỹ học, nhưng sau đó chuyển sang nghiên cứu ngành Phật học. ông có nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng, riêng hai tác phẩm “Ấn Độ Phật Học Tư Tưởng Khái Luận” và “Trung Quốc Phật Học Tư Tưởng Khái Luận” là hai tác phẩm có nhiều ảnh hưởng đến giới nghiên cứu. Hai tác phẩm này có nội dung nghiên cứu tỉ mỉ sâu sắc, phương pháp nghiên cứu mới, đề xuất một số vấn đề mang tính đột phá, rất cần thiết cho giới nghiên cứu người Việt Nam tham khảo. Tác phẩm Ấn Độ Phật Học Tư Tưởng Khái Luận đã được Hòa thượng Thích Phước Sơn dịch, với tựa đề “Ấn Độ Phật Học Nguyên Lưu Lược Giảng”, xuất bản năm 2011, còn bản dịch Việt của tác phẩm Trung Quốc Phật Học Tư Tưởng Khái Luận có tựa đề "Lịch Sử Tư Tưởng Phật Học Trung Quốc" nay đã được Trung Tâm Phật học Hán Truyền thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xuất bản.
Nơi đây, xin cảm ơn anh Trần Viết Tâm, hiệu trưởng trường Đại học Quốc tế Sài gòn cùng một số Phật tử nhiệt lòng ủng hộ; xin cám ơn đạo hữu Nhị Tường đã đọc bản thảo và sửa lỗi chính tả.
Thạnh Lộc ngày 12/8/2013
Giám đốc Trung tâm Phật học Hán truyền,
TS. Thích Hạnh Bình