Tam đại triết gia Hy Lạp – Socrates, Plato và Aristotle – đã tạo lập nên tư duy phương Tây truyền thống. Phong cách tư duy này có nhiều mặt nổi trội và hữu ích, nhưng đang dần trở nên thất thế trong một thế giới đầy biến động. Nó cũng không đưa đến nguồn lực sáng tạo, không xây dựng điều gì mới mẻ. Nó thất bại vì đưa ra các phán xét và phân biệt nguy hiểm, thứ có khuynh hướng làm mọi việc tệ đi. Và nó quá tự mãn để tự nhìn ra sự thất bại đó.
Là một triết gia và có hiểu biết sâu sắc về tư duy phương Tây, Edward De Bono đã sử dụng chính những thói tục vốn có trong hệ thống này để giới thiệu một hệ thống tư duy hoàn toàn khác biệt, được ông đặt tên là “Tư duy hậu Socrates”. Hệ thống tư duy mới vừa kế thừa những đúc kết của các triết gia cổ xưa vừa có tính ứng dụng cao trong bối cảnh hiện nay.
Theo cách tư duy truyền thống, nếu hai người bất đồng với nhau thì ắt hẳn sẽ diễn ra một cuộc tranh luận nảy lửa, trong đó mỗi bên đều cố biện hộ cho quan điểm của mình và tìm mọi cách để chứng minh bên kia sai. Còn trong lối tư duy song song, hai quan điểm bất kỳ đối chọi với nhau như thế nào đều được đặt cạnh nhau. Nếu sau đó cần phải chọn lựa mọt trong hai (hay nhiều) quan điểm thì ta sẽ cố gắng chọn cái có ý nghĩa nhất, phù hợp nhất. Nếu không thể đưa ra một sự lựa chọn nào thì cần phải thiết kế ra một giải pháp bao trùm lên cả hai (hay nhiều) phương án này.
Cuốn sách “Tư duy hậu Socrates” vén màn những phương pháp brainstorm độc nhất và tìm đến bản chất đích thực của sự sáng tạo. Đây là cuốn sách thực hành tư duy cần thiết để bạn không chỉ biết nghĩ, mà còn biết hành động – để tồn tại trong một thế giới hối hả, không ngừng tiến về phía trước.