Ăn uống là chuyện muôn thuở của con người, và “ăn để mà sống”, để sinh tồn thì không có gì để bàn cãi. Nhưng đói mà không ăn, khát mà không uống, “Ăn xem nồi ngồi xem hướng” lại là điều làm chúng ta không khỏi suy tư. Tại sao người phương Tây lại ăn bơ, sữa, bánh mì và dụng cụ ăn là thìa nĩa, ăn theo suất theo phần, trong khi người Việt Nam lại ăn cơm, canh, dưa, cà, măm muối, ăn theo mâm vì “Ăn một mình đau tức”?
Tại sao dân tộc này lại thích ăn côn trùng, dân tộc kia thì coi đó là loại thực phẩm bẩn?
Tại sao người Ấn Độ thích ăn món cari đầy bột nghệ; người Trung Quốc thích món ăn mang vị nồng đậm, thích món rán, hấp, hầm, ninh, tần; người Nhật lại thích món sashimi/cá thái mỏng ăn sống, người Thái lại thích món ăn kết hợp cả 4 vị: ngọt, cay, chua, mặn; người Lào lại thích món ăn có nhiều ớt kết hợp với gia vị gừng, me, lá chanh; người Campuchia lại thích món ăn có nhiều gia vị, như ớt xanh, ớt đỏ, tỏi, mỡ hành, nước mắm, nước tương,...?
Tại sao mỗi dân tộc, đất nước có một phong cách ăn uống riêng như vậy?
Và cả mỗi vùng miền cũng có dấu ấn ăn uống riêng, ví như ở nước ta, miền Bắc món ăn mang vị thanh/ hòa hợp, trung dung, miền Trung vị cay, mặn, miền Nam vị chua, ngọt...?
Những câu hỏi đó hẳn nhiên liên quan đến phong cách ăn uống của từng dân tộc, từng quốc gia, tạo nên văn hóa ẩm thực mà không dễ có lời giải.
Việt Nam, một dân tộc mang trên mình một di sản văn hóa, văn hiến mấy nghìn năm lịch sử, đã đúc kết những giá trị ẩm thực thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc mà nhà thơ Tản Đà đã từng tổng kết thành 4 câu hỏi: Ăn cái gì (What)? Ăn lúc nào (When)? Ăn ở đâu (Where)? và Ăn với ai (With whom)? Và GS. Trần Quốc Vượng còn đặt ra câu hỏi: Ăn như thế nào?? đủ để thấy người Việt Nam có một phong cách nghệ thuật ẩm thực đặc sắc. Phong cách đó được thể hiện trong nhiều lĩnh vực, như ăn, sắp xếp vị trí bàn ăn,...
Tất cả đã tạo nên những giá trị nghệ thuật ẩm thực truyền thống Việt Nam: Ăn ngon, ăn chơi, ăn đẹp, ăn vui, ăn bằng mắt, ăn để thưởng thức, ăn biết cách... và vì thế, ẩm thực Việt Nam,dễ có nơi nào có được”; nó vừa là vật thể vừa phi vật thể, vừa là cái hữu hình vừa là vô hình, tâm linh,...
Trích Lời nói đầu