Nhận thức được tầm quan trọng của quốc hiệu và kinh đô đối với đất nước, từ thời xa xưa, tùy theo bối cảnh chính trị, xã hội của từng thời kỳ mà các triều đại ở Việt Nam trong lịch sử lần lượt thay đổi tên đất nước, chọn nơi định đô mới với ước mong về một đất nước thịnh vượng, vững bền. Sự ra đời của quốc hiệu Việt Nam dưới thời Nguyễn là một dấu mốc lịch sử quan trọng, để rồi hôm nay quốc hiệu Việt Nam đã trở thành hai tiếng thiêng liêng và niềm tự hào của dân tộc trên bản đồ thế giới.
Mỗi lần thay đổi quốc hiệu và kinh đô trong lịch sử đều được ghi chép trong các bộ quốc sử của các triều đại, mà bản khắc được lưu giữ trên mộc bản hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ. Điều này được tái hiện phần nào trong Triển lãm “Quốc hiệu và Kinh đô Việt trong Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới” do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước – Bộ Nội vụ phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Triển lãm giới thiệu đến công chúng 32 tài liệu tiêu biểu về Quốc hiệu và Kinh đô nước Việt trong lịch sử. Đây là những tài liệu gốc, mang nhiều giá trị để giới thiệu đến người xem về nguồn gốc, ý nghĩa của các Quốc hiệu chính thức và Kinh đô của nước Việt đã trải qua trong các thời kỳ lịch sử của dân tộc.