Tên gọi của cuốn sách này đòi hỏi phải được giải thích rõ. Triết học của tự do ở đây không có nghĩa là nghiên cứu vấn đề về tự do như một trong các vấn đề của triết học, tự do ở đây không có nghĩa là khách thể. Triết học của tự do ở đây có nghĩa là triết học của những người tự do, là triết học xuất phát từ tự do, trái ngược với triết học của nô lệ, với triết học xuất phát từ tính tất yếu, tự do có nghĩa là trạng thái của chủ thể đang triết lí. Triết học của tự do là triết học tôn giáo, là triết học trực giác, là triết học của những người con đẻ, chứ không phải là triết học của lũ con nuôi. Kim chỉ nam của cuốn sách này xuất phát từ tự do ngay từ đầu, chứ không dẫn tới tự do ở cuối. Không nên rút tự do ra từ bất kì cái gì, tự do chỉ có thể hiện diện ngay từ đầu ở trong nó. Cũng không nên rút ra sự thật về Chúa, nó mở ra trong ánh chớp, nó được đem lại toàn bộ trong Mặc khải. Niềm tin bất di bất dịch, không lay chuyển rằng, sự thật được đem lại trong trực giác thần bí, rằng không nên tiến lên, không nên vươn xa nếu không có điểm tựa là thành trì của Chúa, không có sự trợ giúp là hồng ân, khi bị bỏ rơi và cô độc, bị chia cắt với linh hồn thế gian, - niềm tin này quy định cách thức trình bày cuốn sách này. Cuốn sách này chủ ý sử dụng phương pháp xuất phát, chứ không phải phương pháp đi đến, xuất phát từ những gì đã được Mặc khải, đã nhìn thấy như ánh sáng, chứ không phải đi đến cái vẫn chưa được Mặc khải, chưa nhìn thấy và chìm đắm vào bóng tối. Mọi nhà tư tưởng thần bí đều đi theo con đường này; ví dụ, người có tinh thần gần gũi với tôi là Franc Baader đã đi như vậy. Triết học Kitô giáo, hay thần trí luận (теософия), trong cuốn sách này không đặt kì vọng vào “tính khoa học” mà vào tính chân thực. Kì vọng này có cơ sở của nó là sự thật không phải do tôi bịa đặt và khám phá ra, vì tôi truyền bá Kitô giáo. Tính khoa học không phải là tiêu chí duy nhất, tiêu chí tối hậu về tính chân thực.
Thiết nghĩ, cuốn sách này có sự thống nhất nội tại và tính nhất quán nội tại, mặc dù không có đủ sự thống nhất bên ngoài và sự nhất quán bên ngoài. Các phần của cuốn sách này được viết ở những thời gian khác nhau và nhiều đoạn đã được đăng tải trên “Các vấn đề triết học và tâm lí học”. Bây giờ, các đoạn này được chỉnh sửa, một số phần mới được viết, và được đưa vào một cuốn sách không có hệ thống nhưng phản ánh một trực giác trực quan và thụ cảm quan triết học tôn giáo về thế giới. Tôi sẽ vui mừng, nếu cuốn sách này làm gay gắt hơn nữa hàng loạt vấn đề triết học tôn giáo mang tính thời sự trong ý thức hiện đại, đặc biệt là trong ý thức của những người bắt đầu đi theo con đường tôn giáo thần bí. Bây giờ không phải là thời gian xây dựng các hệ thống hoàn tất và có luận cứ. Bây giờ, triết học tôn giáo phải là biểu hiện và sáng tạo của cuộc sống. Bây giờ, tính kì quặc của triết lí có thể phản ánh đúng tính antinomia của đời sống tôn giáo.
Việc phân chia thành hai kiểu cảm quan thế giới và quan hệ thế giới - khoa thần bí và ma thuật - trở thành cơ sở cho “Triết học của tự do”. Khoa thần bí hiện diện trong lĩnh vực tự do, trong nó có bước đột phá mang tính siêu việt từ tính tất yếu tự nhiên vào tự do của đời sống tinh thần. Ma thuật hiện diện trong lĩnh vực tất yếu, không vượt khỏi gông xiềng tự nhiên. Con đường ma thuật trong mọi lĩnh vực đều dễ dàng trở thành con đường của thần nhân (человекобожество). Con đường thần bí cần phải trở thành con đường của nhân thần (богочеловечество). Triết học của tự do là triết học của nhân thần.
Moscow, Tháng Giêng, Năm 1911
Москва. Январь. 1911 года
Trích dẫn
“Triết học của tự do ở đây không có nghĩa là nghiên cứu vấn đề về tự do như một trong các vấn đề của triết học, tự do ở đây không có nghĩa là khách thế. Triết học của tự do ở đây có nghĩa là triết học của những người tự do, là triết học xuất phát từ tự do, trái ngược với triết học của nô lệ, với triết học xuất phát từ tính tất yếu, tự do có nghĩa là trạng thái của chủ thể đang triết lí. Triết học của tự do là triết học tôn giáo, là triết học trực giác, là triết học của những người con đẻ, chứ không phải là triết học của lũ con nuôi. Kim chỉ nam của cuốn sách này xuất phát từ tự do ngay từ đầu, chứ không dân tới tự do ở cuối. Không nên rút tự do ra từ bất kì cái gì, tự do chí có thể hiện diện ngay từ đầu ở trong nó. Cũng không nên rút ra sự thật về Chúa, nó mở ra trong ánh chớp, nó được đem lại toàn bộ trong Mặc khải. Niềm tin bất di bất dịch, không lay chuyển rằng, sự thật được đem lại trong trực giác thần bí, rằng không nên tiến lên, không nên vươn xa nếu không có điểm tựa là thành trì của Chúa, không có sự trợ giúp là hồng ân, khi bị bỏ rơi và cô độc, bị chia cắt với linh hồn thế gian, - niềm tin này quy định cách thức trình bày cuốn sách này. Cuốn sách này chủ ý sử dụng phương pháp xuất phát, chứ không phải phương pháp đi đến, xuất phát từ những gì đã được Mặc khải, đã nhìn thấy như ánh sáng, chứ không phải đi đến cái vẫn chưa được Mặc khải, chưa nhìn thấy và chìm đắm vào bóng tối.” (Trích Lời tựa)
“Chúng ta chỉ dũng cảm bộc lộ ý kiến về một cái gì đó mà không dũng cảm trở thành một cái gì đó. Sự phản tư bệnh hoạn, sự hoài nghi triền miên về bản thân, về quyền sở hữu sự thật của bản thân đang gặm nhấm thời đại chúng ta; sự bạc nhược của niềm tin, sự yếu đuối của lựa chọn đang làm ô nhục thời đại chúng ta; người ta không dám nhiệt huyết và dứt khoát bày tỏ tình yêu đối với một cái gì đó và ai đó, người ta lải nhải, dao động, sợ hãi, nhìn trước ngó sau. Sự phân đối và suy nhược của ý chí đang thủ tiếu khả năng của lòng dũng cảm. Sự can đảm tinh thần không thay đổi đi liền với sự yếu đuối của lựa chọn theo ý chí.” (Trích Chương 1: Triết học và tôn giáo)