Hội Hè Lễ Tết Của Người Việt tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên về lễ-tết-hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống. Viết bằng tiếng Pháp, những tiểu luận này, trước hết, là cách trò chuyện thú vị và hấp dẫn giữa một người trí thức bản địa với những độc giả, nhà nghiên cứu Pháp, những người cũng đang mong muốn và thậm chí, tham vọng tìm hiểu Việt Nam một cách kỹ càng. Thông qua cách trò chuyện mang tính hàn lâm đó, Nguyễn Văn Huyên còn tiến đến những vỡ lẽ nhận thức mà ngày nay chúng ta càng thấm thía hơn: chính sự đa dạng và khác biệt văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng mới thực sự làm nên giá trị bền vững chứ không phải là hơn - kém hay ít - nhiều.
Cuốn sách sẽ cho ta trở lại đắm mình trong không khí của Tết Nguyên đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung thu…, cho ta hình dung rõ ràng và như được tham dự Lễ hội Phù Đổng. Những điều đặc biệt khác, như tục thờ cúng thần tiên, sự có mặt khắp chốn của thành hoàng làng, các húy kỵ sinh và tử, sự phong nhiêu của thần tiên gốc Việt…, cũng sẽ được tác giả mô tả, phân tích hết sức sinh động, tinh tế và khoa học.
Bởi luôn lắng nghe và suy tư về cỗi gốc dân tộc mình nên những trang viết của Nguyễn Văn Huyên, sau hơn bảy mươi năm, vẫn có thể mời gọi mọi độc giả Việt hôm nay cùng đọc lại, nghĩ suy và tiếp nối hành trình đối thoại, thông hiểu lẫn nhau.
Trích đoạn:
“Bọn trẻ con cũng không bị bỏ quên. Là hy vọng của tất cả các thế hệ ở nước này hơn là ở các nước khác, chúng có phần Tết của mình. Để phục vụ chúng, ở khắp nơi, đâu đâu cũng có những người bán tranh dân gian có giá trị giáo dục lớn. Bằng những nét vụng về và ngây thơ, bôi màu sặc sỡ, những bức tranh này diễn tả sinh hoạt thật là bận rộn của đồng ruộng, lớp học rất sôi động của thầy đồ cóc, đám rước vinh quy bái tổ của ông nghè chuột, theo sau là phu nhân chuột ngồi trong kiệu, tay cầm quạt. Những tranh đó gợi lại, một cách thật là sinh động và chua chát, cuộc sống của kẻ giàu và người nghèo. Chúng kể lại các sự tích anh hùng lấy từ lịch sử dân tộc: Hai Bà Trưng và nữ anh hùng Triệu Ẩu mặc chiến bào đang đánh đuổi những bọn áp bức Trung Quốc; Đinh Tiên Hoàng, người sáng lập vương triều đầu tiên của dân tộc, có khi theo truyền thuyết, đang cưỡi rồng vượt qua sông, có khi được hiện đại hóa, đang duyệt binh theo kiểu Pháp; cuộc gặp gỡ cảm động của Lý Chiêu Hoàng trẻ tuổi với Trần Cảnh, vua đầu tiên của nhà Trần, v.v...’’ (Tết Nguyên đán của người Việt Nam)
“… tục thờ cúng các nữ thần mưa của chúng ta đến nay vẫn còn rất sống động, mặc dù được truyền lại từ rất xa xưa. Nghiên cứu tục này cho thấy rằng, Phật giáo, ở vào buổi đầu mới du nhập Việt Nam, đã phải uốn mình theo những đòi hỏi của bản địa mà để cho những thần linh của các lực lượng tự nhiên trong tín ngưỡng sâu xa của dân ta, biến thành những thứ ít nhiều có thể tạm gọi là những vị Bồ tát. Như vậy là, ở đây, bên dưới đạo Phật theo giáo lý còn có một đạo Phật dân gian cắm rễ sâu trong những tín ngưỡng nguyên thủy nhất của quần chúng nông dân ta” (Chống hạn trong tập quán Việt Nam)