Cú pháp học là khoa học nghiên cứu các nguyên tắc và các quá trình mà thông qua đó các câu được xây dựng lên trong các ngôn ngữ cụ thể. Mục đích của việc nghiên cứu cú pháp của một ngôn ngữ nào đó là xây dựng một ngữ pháp có thể được coi như một dạng phương tiện tạo ra các câu của ngôn ngữ đang được phân tích. Tổng quát hơn, các nhà ngôn ngữ học phải quan tâm tới vấn đề xác định các đặc tính nền tảng cơ bản của những ngữ pháp thành công. Kết quả cuối cùng của những nghiên cứu này nên là một lí thuyết về cấu trúc ngôn ngữ trong đó các phương tiện miêu tả được tận dụng trong các ngữ pháp cụ thể được trình bày và nghiên cứu một cách trừu tượng mà không quy chiếu riêng biệt tới các ngôn ngữ cụ thể. Một chức năng của lí thuyết này là cung cấp một phương pháp tổng quát để chọn lựa một ngữ pháp cho mỗi ngôn ngữ dựa trên một ngữ tập [corpus] các câu của ngôn ngữ này.
Khái niệm trung tâm trong lí thuyết ngôn ngữ là khái niệm về “cấp độ ngôn ngữ”. Một cấp độ ngôn ngữ, như âm vị học, hình thái học, cấu trúc ngữ đoạn, về bản chất là một tập hợp các phương tiện mô tả được tạo ra để phục vụ cho việc xây dựng các ngữ pháp; nó thiết lập một phương thức cụ thể để thể hiện các phát ngôn. Chúng ta có thể xác định tính thoả đáng của một lí thuyết ngôn ngữ bằng cách phát triển một cách nghiêm nhặt và chính xác cái hình thức ngữ pháp tương ứng với tập hợp các cấp độ được chứa đựng trong lí thuyết này, và sau đó khảo sát khả năng của nó trong việc xây dựng lên các ngữ pháp đơn giản và mang tính phát lộ cho các ngôn ngữ tự nhiên. Chúng ta sẽ nghiên cứu một vài quan niệm khác nhau về cấu trúc ngôn ngữ theo cách thức này, lần lượt xem xét các cấp độ ngôn ngữ tăng dần về tính phức tạp tương ứng với các mô tả ngữ pháp ngày càng có hiệu lực cao hơn; và chúng ta sẽ nỗ lực để chỉ ra rằng lí thuyết ngôn ngữ phải chứa đựng ít nhất các cấp độ này nếu nó cung cấp một ngữ pháp thoả đáng, cụ thể là cho tiếng Anh. Cuối cùng, chúng ta sẽ đề xuất rằng sự nghiên cứu thuần túy hình thức về cấu trúc ngôn ngữ này có những gợi ý thú vị cho các nghiên cứu ngữ nghĩa.
Mục lục
Cuộc cách mạng Chomsky a
Giới thiệu của David W. Lightfoot i
Lời nói đầu 5
1. Dẫn nhập 11
2. Tính độc lập của ngữ pháp 13
3. Một lí thuyết ngôn ngữ học sơ đẳng 18
4. Cấu trúc ngữ đoạn 26
5. Các hạn chế của miêu tả cấu trúc ngữ đoạn 34
6. Về mục tiêu của lí thuyết ngôn ngữ 49
7. Một vài cải biến trong tiếng Anh 61
8. Sức mạnh giải thích của lí thuyết ngôn ngữ 85
9. Cú pháp và ngữ nghĩa học 92
10. Tổng kết 106
11. Phụ lục I: Kí hiệu và thuật ngữ 109
12. Phụ lục II: Các ví dụ về cấu trúc ngữ đoạn và các quy tắc cải biến của tiếng Anh 111
Thư mục 115