Tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố đăng lần đầu trên báo Việt nữ từ năm 1937, sau đó được in thành sách và gần như ngay lập tức nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ công chúng.Tại thời điểm mà các sáng tác về đề tài nông thôn vẫn còn vắng vẻ, đìu hiu, chẳng đáng kể gì cho lắm thì sự ra đời của tác phẩm Tắt đèn đã được Vũ Trọng Phụng ví như “kiệt tác, tòng lai chưa từng thấy”.
Với lợi thế am hiểu thôn quê và xã hội cổ truyền của mình, qua Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã tái dựng một cách sinh động về đời sống nông thôn Việt Nam lúc bấy giờ, một đời sống ngột ngạt cùng quẫn tăm tối bởi nạn “sưu cao thuế nặng” mà đối tượng trung tâm là những người nông dân thấp cổ bé họng. Điều giúp cho Tắt đèn ghi dấu sâu sắc trong lòng lớp lớp độc giả chính là tấm lòng cảm thông, trân quý những kiếp người bé mọn trước cảnh bị dồn vào đường cùng của tác giả. Ấn bản này được thực hiện theo ấn bản Tắt đèn của Mai Lĩnh xuất bản, in năm 1939, chỉ sửa một số cách viết cho phù hợp với quy tắc chính tả hiện nay, ví dụ “dây cót” thay cho “giây cót”, “giận dữ” thay cho “dận dữ”…