Nhận thấy tình hình chiến trường đang có những bước chuyển vô cùng thuận lợi, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tấn công chiến lược trên toàn miền Nam trong năm 1972. Chiến trường Trị - Thiên (Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế) được chọn là mũi tấn công chiến lược.
Sau khi ta giành được ưu thế bước đầu, giải phóng Quảng Trị, quân lực Việt Nam Cộng hòa, với sự yểm trợ hỏa lực pháo binh và không quân của quân đội Mỹ, ra sức giành lại ưu thế trên chiến trường. Thành cổ Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt nhất, nơi bộ đội ta kiên cường bám trụ giữ đất trước sự tấn công hùng hổ của kẻ thù trong 81 ngày đêm.
Trong những ngày đỏ lửa ấy, biết bao xương máu đã gửi lại nơi thành cổ Quảng Trị. Trước khi hy sinh, những chiến sĩ giải phóng, những người chiến đấu vì đất nước ấy, đã lấy gì làm động lực vượt qua những hiểm nguy, gian khổ tưởng chừng không thể vượt qua? Họ nghĩ gì và mơ ước gì?
"Những Bức Di Thư Thành Cổ" quyển sách tập hợp 10 bức di thư được viết hoặc được đọc trong khói lửa chiến trường của 81 ngày đêm ấy, đặc biệt có những bức thư được khai quật mấy chục năm sau cùng với thi hài liệt sĩ.
Những bức thư thấm đẫm tình yêu và sự oai hùng, thấm cả máu và mồ hôi những người lính, nước mắt những người vợ sẽ đưa chúng ta trở về những ngày ấy…
Trích đoạn
"...Trong cuốn sách nhỏ này, chỉ xin dân lại một số trong nhiều bức thư từ những người thân ở hậu phương được những người lính đọc và giữ bên mình như một phần cơm ăn, nước uống, khí thở trong những ngày chiến đấu đối mặt với cái chết đến vào từng khắc, từng giờ. Đặc biệt, là những bức thư - thậm chỉ là những đoạn thư của người lính viết vội trước và trong những thời khắc nghẹt thở của cuộc chiến gửi cho gia đình ở hậu phương. Trong đó, có một vài bức thư kịp gửi vội cho những đồng đội bị thương chuyển về phía sau may mắn đến tay người thân ở hậu phương, một vài bức thư chưa kịp gửi. Sau này được tìm thấy cùng xương cốt liệt sĩ... Tất cả trở thành những bức di thư thấm bầm máu thịt, như còn ấm nóng hơi thở của những người ngã xuống trong thời khắc sinh tử, trở thành một trong những thông điệp viết bằng lửa truyền đến mai sau”.