Triết học có mang gương mặt của đàn ông, khi mà tuyệt đại đa số mọi người khi hình dung về một triết gia đều sẽ liên tưởng đến một người đàn ông, có thể là một ông già Hy Lạp cổ đại, cũng có thể là một người đàn ông cùng cây bút lông vũ của Thời kì Khai sáng, hoặc giả gần hơn nữa, là một người đàn ông hiện đại với tiểu luận về chủ nghĩa hiện sinh?
“Triết học cho con gái” giúp lấp đầy sự thiếu khuyết và mờ nhạt ấy của phụ nữ trong triết học. Bắt đầu từ lời giới thiệu với câu chuyện về Persephone, hai biên tập Melissa M. Shew và Kimberly K. Garchar đưa ra cho người đọc lời mời suy tư về việc nhìn nhận Perpephone như một nhân vật chính đúng nghĩa trong câu chuyện của nàng, qua con đường triết học của nàng. Tương tự, các chương về sau đều lấy điển tích về các cô gái và phụ nữ trong thần thoại, lịch sử, nghệ thuật, văn học hoặc khoa học, có thật hoặc không, làm hiện tượng trung tâm để giải thích qua lăng kính triết học.
“Triết học cho con gái” trao cho phụ nữ nói chung và các cô gái trẻ nói riêng quyền trở thành những người học triết và hiểu triết bằng cách khuyến khích họ đánh giá, thách thức, đặt câu hỏi và khẳng định kinh nghiệm và suy nghĩ của họ thông qua những ý kiến chuyên môn và công cụ được cung cấp bởi các nữ học giả thuộc lĩnh vực triết học.