“Sài Gòn” và “Gia Định”, cả hai cái tên thân thương này đều đã không còn được sử dụng như tên chính thức của vùng đất mà ngày nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy vậy, mỗi tên gọi đều gợi lên những ký ức, hoài niệm khác nhau đối với mỗi người dân thành phố này.
Sài Gòn đối với thế hệ trước 1975 là bánh mì chợ Cũ, là hình ảnh tà áo dài thướt tha trên con đường Duy Tân “cây dài bóng mát”, là thanh âm của những bản nhạc bolero trên đài phát thanh hằng đêm, là giờ giới nghiêm khi thành phố chìm vào tĩnh lặng... Còn đối với thế hệ 8x, Sài Gòn lại là một đô thị đông đúc đang rũ bỏ lớp áo cũ để khoác lên lớp áo mới tân thời, nhưng đâu đó vẫn còn chút hương xưa với những tà áo dài trắng trên con đường đầy lá me bay vào buổi tan trường… Cứ thế, hai chữ Sài Gòn gợi lên cả những kỷ niệm chung của cả một thế hệ và cả những nỗi niềm riêng của mỗi người. Nhắc đến Sài Gòn, ai mà không khỏi xao xuyến, ai mà không thương cho được…
Nếu như Sài Gòn vẫn còn được gọi tên, thì trái lại, Gia Định lại phần nào khiến ta có cảm giác vừa thân quen vừa xa cách. Sở dĩ thân quen vì địa danh Gia Định chỉ mới biến mất khoảng 50 năm nay thôi và những cư dân tỉnh Gia Định cũ vẫn còn đây. Nhưng xa cách có lẽ vì địa danh Gia Định đã được sử dụng cho nhiều địa giới hành chính khác nhau theo từng thời kỳ nên nó đã không thể định hình được một không gian ký ức riêng biệt trong tâm tưởng như Sài Gòn. Dù thế nào, hai chữ Gia Định lại gợi lên một cảm giác chung về một thời quá vãng của Prei Nokor, của vùng Đề Ngạn, của những trận đánh khốc liệt giữa Tây Sơn và chúa Nguyễn mà những nhân chứng sống cũng đã trở thành người thiên cổ. Và vì vậy, Gia Định là để nhớ, hay nói đúng hơn là để tưởng nhớ về một thời mà nơi đây vẫn còn là rừng rậm, đầm lầy, kinh rạch… Để ghi dấu công lao của các bậc tiền nhân đã vào Nam khẩn hoang, mở mang bờ cõi…
Mong rằng Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương có thể vừa như một thước phim để cùng quý vị tìm lại thời thanh xuân tươi đẹp của mình giữa một Sài Gòn rực rỡ, vừa như một chuyến du hành ngược thời gian để cùng tìm về một Gia Định trầm mặc, hoang sơ của những ngày đầu.
Những nhận xét về cuốn sách "Gia Định Là Nhớ - Sài Gòn Là Thương" của tác giả Cù Mai Công
"Gần hết cuộc đời nhìn lại cuộc chuyển dịch của mình, một tuyến “bản đồ“ không ra khỏi Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn. Và lạ thay dù đi đâu, ở đâu, tôi mỗi cuối năm cũng đều thầm lặng quay về miền đất của tuổi ấu thơ: Ông Tạ. Về như Từ Thức về trần. Không nhớ được thời gian thật đã trôi qua nửa thế kỷ rồi. Cho đến khi đọc được Cù Mai Công, người mà tôi buột miệng gọi “nhà Ông Tạ học", viết về vùng đất nơi tôi từng sống. Anh sẽ còn viết về Gia Định - Sài Gòn - Chợ Lớn với những thông tin, hiểu biết bất ngờ. Cù Mai Công với những cuốn sách ấy, đã cho tôi hiểu thâm sâu hơn câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn..." - Đỗ Trung Quân
"Cần một tình yêu đối với một thành phố nếu muốn viết về nó. Và tôi tin Cù Mai Công tràn trề tình yêu ấy với đất Sài Gòn – Gia Định, nơi gia đình của anh vốn gốc miền Bắc đến định cư từ năm 1954. Khu vực Ông Tạ đầy cá tính, nơi anh sinh ra và lớn lên, hút hồn anh, thúc đẩy anh ra cuốn sách đầu tiên về chốn này. Giữa chặng đường có thể ra tiếp cuốn hai về vùng Ông Tạ, anh bất ngờ ra “Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương”. Sách mang tính biên khảo với nhiều tư liệu được tìm kiếm công phu, nhiều chi tiết sắc nét, thấp thoáng trong đó là tình cảm sâu nặng về Sài Gòn – Gia Định của một người am hiểu thành phố, sống thường xuyên trên đường phố từ sáng sớm đến tối mịt, từ thời trai trẻ tới giờ..." - Nhà văn, nhà nghiên cứu Phạm Công Luận
"Công là người sống nhiều phận đời. Thuở thiếu niên, Công từng là thi sĩ, có nhiều thơ đăng báo. Tốt nghiệp sư phạm, ngỡ thành ông “tháo giày", nhưng lại thấy Công làm phóng viên, thành anh “Cỏ Cú” trên báo Mực Tím. Đùng một cái, vài năm sau, Công ra sáu tập “Saigon by night” kể chuyện “bay đêm” cùng tuổi teen và nhiều phóng sự trên báo Tuổi Trẻ theo sát “xã hội đen”. Không những thế, Công còn là võ sư chưởng môn Karate hệ Shorin-ryu bảy đẳng, với hàng ngàn đệ tử chân truyền. Nhưng Công không chỉ là võ sư mà còn là “võ sử” – tập sách này là một minh chứng. Ôi, Công của tôi, một cây bút “sống” được, viết được nhiều kiếp người như thế, không nhiều lắm đâu..." - Nhà báo, nhà nghiên cứu Phúc Tiến