Thời Xuân Thu - Chiến Quốc, các học phái đua nhau nổi lên, học phái nào cũng bày tỏ chính kiến, tranh biện lẫn nhau, sử gọi là “bách gia tranh minh”. Đây là thời kì chứng kiến sự mở rộng to lớn về văn hóa và tri thức ở Trung Quốc; nó đã ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trong khu vực châu Á mà toàn thế giới cho đến ngày nay. Học phái tương đối có ảnh hưởng lúc bấy giờ có: Nho, Mặc, Đạo, Pháp, Âm dương... Những học phái này gắn liền với tên tuổi của những Khổng Tử, Mạnh Tử, Mặc Tử, Lão Tử, Hàn Phi Tử…
Thời Chiến Quốc, Mạnh Tử kế thừa và phát huy học thuyết của Khổng Tử. Ông thấy đương thời không có ai nối chí Khổng Tử, lo rằng sau này mỗi ngày một xa thì đạo đó sẽ thất truyền mất, nên tự cho mình trách nhiệm kế nghiệp thầy. Nếu như không dùng “nhân” để tu dưỡng bản thân, thì Mạnh cho “nhân” một công dụng rộng hơn, đưa nó vào việc trị nước và chính sách xã hội, có thể nói ông là người đầu tiên giảng kĩ lưỡng về chế độ nhân chính (trị dân bằng đức nhân); ông đề cao"nghĩa” cho nó luôn đi kèm với “nhân”.
Mạnh Tử là đại biểu xuất sắc của Nho giáo thời Chiến Quốc. Trong cuốn sách Mạnh Tử của dịch giả Nguyễn Hiến Lê đã viết: “(Mạnh Tử) sinh trong một thời như vậy, hỗn loạn hơn đời Khổng Tử cả về phương diện xã hội lẫn tư tưởng mà vẫn giữ đạo nhân nghĩa của Khổng Từ, lại chịu ảnh hưởng tính tình cương cường bất khuất của Tử Tư, thì dĩ nhiên Mạnh Tử cũng phải ôm hận như Khổng Tử, mấy chục năm bôn ba các nước Lương, Tề, Lỗ, Đằng rồi rốt cuộc cũng lại trở về quê nhà trứ thư lập ngôn. Về phương diện ấy, đời ông y hệt đời Khổng Tử”