Hành trình thám hiểm Đông Dương của Đại úy hải quân Francis Garnier là cuốn sách thứ ba trong Tủ sách Đông Dương của Đông A, sau Một chiến dịch ở Bắc Kỳ và Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ. Cuốn sách là Báo cáo của Đoàn thám hiểm sông Mekong 1866-1868 dưới quyền Trung tá Doudart de Lagrée, gồm 22 chương, 309 hình khắc và phụ bản ảnh dựa theo phần lớn các tranh vẽ của L. Delaporte. Sách lần đầu được giới thiệu tới bạn đọc trong nước qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Minh.
Với lối viết dung dị và khúc chiết, tác phẩm Hành trình thám hiểm Đông Dương có thể ví như khối sa bàn chi tiết mô phỏng toàn cảnh lưu vực sông Mekong, vùng nội địa Đông Dương và Nam Trung Hoa vào nửa sau thế kỷ XIX. Không chỉ giới hạn trong mảng khảo cứu địa lý, tác phẩm còn tóm bắt những trải nghiệm sống động của đoàn thám hiểm về đời sống văn hóa của các cộng đồng dân cư trong lưu vực sông Mekong, từ những hỉ nộ ái ố trong đời sống sinh hoạt thường ngày đến các lễ hội dân gian bản địa, những tệ đoan của người bản xứ. Không quá khi nói rằng, Hành trình thám hiểm Đông Dương xứng đáng là một công trình khảo cứu đồ sộ, tóm lược toàn bộ thành quả mà phù sa sông Mekong kiến tạo nên suốt nhiều thế kỷ, bao quát nhiều lĩnh vực như lịch sử, địa lý, địa chất, thiên văn, thủy đạo, nhân chủng, dân tộc, chính trị, tôn giáo, văn minh...
Ấn bản Hành trình thám hiểm Đông Dương do Đông A phát hành được thực hiện theo nội dung đăng trên tạp chí Le Tour du Monde, ngoài ra còn tham khảo ấn bản 1885 do Léon Garnier thực hiện, với 309 bức hình khắc kèm thêm phụ bản ảnh. Cuối sách, Đông A thực hiện phần chỉ mục dựa theo bản in năm 1873, có bổ sung thêm một số mục từ có liên hệ đến Việt Nam, nhằm giúp bạn đọc thuận tiện trong việc tra cứu. Một số mục từ sẽ được ghi kèm tên phiên âm Hán-Việt hoặc tên thông dụng hiện nay, bên cạnh tên theo bản tiếng Pháp. Chúng tôi hy vọng quý độc giả sẽ hòa mình vào chuyến viễn du trên dòng sông Mekong huyền bí thông qua cuốn sách đang cầm trên tay.
Thông tin tác giả
Francis Garnier (1839 – 1873) là đại úy hải quân và nhà thám hiểm người Pháp. Năm 1863, dưới quyền Đô đốc Charner, Francis Garnier được phái đến Nam Kỳ, đảm đương lần lượt các vị trí thanh tra sự vụ bản xứ và quận trưởng Chợ Lớn. Năm 1866, Garnier tham gia trong đoàn thám hiểm dòng sông Mekong huyền bí, nhận sứ mạng tìm kiếm và khai mở tuyến đường thương mại mới giữa Nam Kỳ và miền nam Trung Hoa. Sau chuyến đi này, Garnier phụ trách tổng hợp và biên soạn một bộ báo cáo về hành trình của đoàn thám hiểm. Từ năm 1870, một phần của bộ báo cáo đã được Garnier cho đăng trên tạp chí Le Tour du Monde, nhưng phải đến năm 1873, bản báo cáo chính thức mới thực sự ra mắt dưới nhan đề Hành trình thám hiểm Đông Dương, do Nhà xuất bản Hachette phát hành. Công trình biên khảo đồ sộ cùng chuyến thám hiểm dòng sông Mekong đã mang lại nhiều vinh quang và danh dự cho Garnier.
Ở Việt Nam, Francis Garnier thường được biết đến là viên quan Pháp đã dùng vũ lực chiếm đóng Bắc Kỳ năm 1873. Ngày 21 tháng 12 năm đó, Garnier bị quân Cờ Đen phục kích và giết chết ở ngoại thành Hà Nội.
Louis Delaporte (1842 – 1925) là thành viên của đoàn thám hiểm sông Mekong, tác giả của chương V trong cuốn sách này. Trong chuyến viễn du trên dòng Mekong huyền bí, khi có cơ hội, Delaporte đã tự mình thực hiện một vài cuộc khám phá riêng, thu thập được nhiều thông tin về phong tục tập quán địa phương, bổ túc cho bản sơ thảo về vùng Hạ Lào của Francis Garnier. Là một họa sỹ tài năng, Delaporte đã vẽ phác thảo rất nhiều bức tranh về phong cảnh, di tích, công trình kiến trúc và đời sống sinh hoạt của người dân xung quanh dòng sông Mekong. Phần lớn các hình minh họa khắc gỗ trong sách này đều dựa trên các bức tranh của ông.
Có niềm đam mê lớn với kiến trúc Khmer, năm 1873, Delaporte đã trở lại Angkor thực hiện một chuyến thám hiểm mới và đem về Pháp khoảng 70 mẫu hiện vật điêu khắc và kiến trúc Khmer, giúp lập nên Bảo tàng Đông Dương tại Palais du Trocadéro. Kể từ năm 1927, các hiện vật này được trưng bày tại Bảo tàng Guimet.