“Triết học” là một khái niệm rất thông dụng, song để hiểu được đúng bản chất của “triết học” không hề đơn giản, do vậy việc dạy và học môn học này gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, khác biệt lớn nhất của triết học so với tất cả các khoa học khác là nó luôn phải trả lời cho câu hỏi: Nó là gì và nó cần để làm gì? Mỗi nhà triết học lớn đều cố đưa ra câu trả lời của riêng mình cho câu hỏi này, vì đây thực chất là quan điểm của ông ta đối với những vấn đề sống còn của thời đại và của con người.
Thông thường người ta đưa ra bốn câu trả lời khác nhau cho câu hỏi nêu trên là: (1) Triết học là khoa học về tư duy, nó dạy con người tư duy đúng. Câu trả lời này là không xác thực, vì các nhà khoa học lớn nhất (thước đo hiện nay có thể là giải thưởng Nobel) thường không học triết học. Còn nếu coi tư duy của họ là “tư duy biện chứng tự phát”, thì đâu còn cần “tư duy biện chứng tự giác”; (2) Triết học là khoa học về phát triển, về các quy luật chung nhất của sự phát triển của tự nhiên, của xã hội, của tư duy con người. Câu trả lời này cũng không xác thực, vì thực tế cho thấy, các nước phát triển nhất (Nhật Bản, Singapore, Mỹ,... chỉ đến đầu thế kỷ XX mới có riết học riêng của mình là triết học thực dụng như phản ứng đối với thuyết tiến hóa cực đoan của Spencer được du nhập từ Anh quốc) đều không phải dựa vào triết học; (3) Triết học là hạt nhân, cốt lõi của văn hóa. Câu trả lời này cũng không xác thực, vì bảy kỳ quan thế giới, các di sản văn hóa được UNESCO thừa nhận hầu hết đều xuất hiện khi chưa có triết học (ở Việt Nam cũng vậy). Nguyễn Du, Nguyễn Trãi không học triết học, song lẽ nào họ lại không trở thành các nhà văn hóa lớn, danh nhân văn hóa thế giới?; (4) Triết học là khoa học dạy làm Người. Câu trả lời này không xác thực và cần được suy ngẫm kỹ lưỡng nhất...
(Trích Mở đầu)