"Tôi tin là Hà Nội luôn ở trong lòng những người đi xa, những người đã trót yêu Hà Nội. Không phải vì điều gì lớn lao, mà vì những đẹp đẽ tinh tế luôn ẩn hiện trong đời sống thường ngày. Bác ruột lũ trẻ nhà tôi, một người đã từng đi vào cả truyện ngắn, tiểu thuyết của tôi, người luôn tinh tươm mỗi khi bước ra khỏi nhà, nói rằng: Trong cuộc đời một con người, nhất định phải có bến đỗ. Cái bến đỗ khiến người ta không lang thang bất định, khiến người ta cảm thấy ấm áp trong lòng mỗi khi mỏi mệt và muốn được nương tựa. Và cho đến giờ thì tôi nghĩ, Hà Nội là một bến đỗ của tôi." (“Làm sao để yêu Hà Nội”)
“Đi trong phố, như đi trong một cuộc đời, đi qua những cuộc đời, đi lẫn giữa những mảng đời, những trẻ, già, sôi nổi và hoang vắng, đơn lẻ, sặc sỡ và giản dị. Lạ thế đấy! Không gian phố như nét mặt người, trạng thái người, vòng quanh nếp gấp phố như khuôn mặt cuộc đời. Có phải tôi đã thấy như xuyên qua mình, đan xen với mình bao nhiêu suy tư của phố, của người nữa chăng!” (“Phố về khuôn mặt đời”)
“Cứ ngồi trong nhà nhìn ra ngoài cửa sổ mà mường tượng, thèm biết bao cảm giác một chiều bình yên, thong dong đón mùa về trong hân hoan và quen thuộc. Thèm được trở lại nhịp sống ngày thường. Được tất bật, ngược xuôi, được thả chân tự do, tự tại cùng giọng phố rộn ràng. Để nhịp sống lại phập phồng trong từng tiếng còi xe, tiếng rao hàng, tiếng chổi quét đường mỗi sớm mai. Phố giờ đang ngơi nghỉ. Để đợi một ngày phố sẽ hồi sinh!” (“Đợi ngày phố hồi sinh”)