Hai tác giả Trần Danh Thùy - Bùi Lệ Cơ vốn xuất thân nhà giáo, say mê âm nhạc. Có thể nói, theo dòng đời, với những thanh âm không kém phần cuồng nộ, thì với họ, âm nhạc như dòng suối mát, tưới tắm và xoa dịu tâm hồn.
Thử đoái nhìn lại, sẽ thấy cái khí quyển của nhạc Việt ở thế kỷ 20 hẳn là rất đặc biệt đối với những lớp người đương thời. Lúc bấy giờ, vừa tiếp sau phong trào thơ mới thì nền tân nhạc Việt Nam cũng bắt đầu lộ diện. Sự lãng mạn, phóng khoáng, vừa là chất dẫn vừa là đường mở cho những chân trời sáng tạo, trong đó có cả những khát khao dân tộc. Lúc bấy giờ, nhạc Việt bắt đầu sử dụng các yếu tố nhạc tính Tây phương, lẽ dĩ nhiên nhạc cụ cũng được xu hóa; cho các bản hòa âm, nhưng phần lời vẫn rất đậm tinh thần Việt. Có lẽ nhờ thế mà nhạc Việt trở nên vừa mới lạ mà vẫn gần gũi, dễ nghe, dễ ru hồn người. Và, cặp đối tác giả này, trước hết cũng là một kiểu khán thính giả đặc trưng của những năm tháng ấy.
Yêu say và nâng niu “những âm xưa” như Trần Danh Thùy và Bùi Lệ Cơ không phải là ít. Nhưng từ yêu đến hành động, đến cụ thể hóa bằng văn bản, như những gì biểu hiện trong tập sách này, thì không phải ai cũng làm được. Bởi, yêu thôi chưa đủ, mà còn đòi hỏi ở suy tư bày tỏ và công phu tư liệu. Xem công việc của mình chỉ mang tính sơ khảo và những góc nhìn chỉ được trình bày ở thể loại tản văn, Trần Danh Thùy và Bùi Lê Cơ, trước hết mang lại một bầu không khí nhẹ nhàng cho người đọc. Từ sự nhẹ nhàng đó, chúng ta bắt đầu nhập cuộc, trong tâm thế “đi tìm thời gian đã mất”, để nhặt nhạnh quá khứ, thu xếp lại khoảng trời tâm hồn. Cái hay của tập sách là ở chỗ được cấu trúc đơn giản theo kiểu tác giả - tác phẩm, khiến dễ nhớ, dễ tra cứu. Ở đây, Trần Danh Thùy và Bùi Lệ Cơ cũng làm thêm một công việc chính đáng, đó là chống lại sự lãng quên. Bởi, thông thường, chúng ta có xu hướng mơ màng theo một giai điệu, lẩm nhẩm theo những lời ca, mà hầu như quên mất đi tên tác giả. Đến tên tác giả còn không nhớ, huống chi là hoàn cảnh ra đời của bài hát đó. Thì ở đây, nơi trí nhớ được phục dựng trong sự ấm áp của tâm hồn. Ở một khía cạnh nào đó, những âm xưa, hay âm nhạc mà chúng ta vẫn quen gọi là nhạc xưa, nhạc tiền chiến... lưu truyền mãi cho tới tận hôm nay, là bởi số đông những khán thính giả say mê thầm lặng như hai tác giả này. Họ không phải là những người làm công việc nghiên cứu và truyền bá âm nhạc. Họ cũng không phải là những giọng ca vàng nâng đôi cánh của âm nhạc. Nhưng ở họ, trong thầm lặng đó, không có gì ngăn trở được. Họ không cần sân khấu, không cần dàn nhạc, thậm chí không cần cả máy hát, họ vẫn hát lên từ chính tâm hồn mình. Cho nên, không ngạc nhiên khi mỗi nghệ sĩ có một số phận, mà mỗi sáng tác cũng có một số phận. Số phận của bài hát chính là sự cộng hưởng số phận của những tâm ca thầm lặng đó.
“Gìn giữ âm xưa” chính là gìn giữ những vẻ đẹp trong đời sống tinh thần người Việt, trong một chừng mực nào đó đã được trình bày trong tập sách này.
Xin được chúc mừng hai tác giả Trần Danh Thùy và Bùi Lệ Cơ đã “song kiếm hợp bích” cho ra đời một tập sách thú vị và giá trị.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TRẦN NHÃ THỤY
Sài Gòn, mùa Vu Lan, 2022