Ba năm sau thành công vang dội của tập truyện Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư trở lại với bạn đọc qua tập truyện Gió lẻ và 9 câu chuyện khác.
Tập truyện dài 173 trang, gồm chín truyện ngắn và một truyện vừa, như những bức tranh khắc họa khía cạnh tình người - đúng thế mạnh của nhà văn. Trở lại lần này, vẫn là Nguyễn Ngọc Tư với giọng văn Nam bộ chất phác, với kiểu viết tỉnh rụi, so sánh lạ lẫm và đôi lúc... tưng tửng, song lại khiến người đọc xót xa khi từng chữ, từng câu thấm vào lòng. Tập truyện này Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu mượn đôi mắt trẻ thơ để nhìn cuộc đời có quá nhiều biến cố, lọc lừa.
Truyện vừa Gió lẻ được kể bằng hai giọng kể đan xen nhau. Truyện bao gồm ba nhân vật. Ông Buồn, anh Tìm Nội (theo như cách gọi của nhân vật Em), những cơn gió lẻ lạc loài, buồn bã và nhân vật Em với quá nhiều tên gọi. Nào Lạc, Câm, Em Cưng, Á, Mỹ Ái, Lam. Mỗi tên gọi lại bóc ra một mảng số phận của Em.
Ba người cùng gặp nhau trên một chiếc xe Landu chở hàng, run rủi bó chặt số phận mình vào nhau qua vòng chuyển động của bánh xe và tự mình bộc lộ, hé mở câu chuyện của chính mình. Với nhân vật Em, đó là chuyến đi miên viễn em tự chọn cho mình kể từ khi mẹ chết. "Hồi sáu tuổi, có lần em lén lấy dao cạo râu của cha để tỉa lông cho con chó Lu Lu, không ngờ vì chuyện đó mà cha mẹ em cãi nhau...", rồi mẹ em thắt cổ tự vẫn. Từ đó em câm lặng, vì "sự câm lặng cần thiết cho những bí mật".
Em không còn muốn nói tiếng người, ngay cả khi bị cưỡng hiếp em cũng không kêu nổi một tiếng. Em nôn mỗi khi nghe ai đó nói dối. Em nói tiếng nói của loài vật. Cái thứ tiếng lộn xộn, lủng củng, không làm đau ai và không chứa mùi dối trá. Mỗi khi em nói, ông Buồn lại muốn nghe tiếng nói ấy, vì ông không thích tiếng người. Ông không thích những gì gợi nhớ đến gia đình, như thứ tình cảm níu giữ, "gửi thư”, "mua quà”, "nhà bếp", "sinh nhật". Dường như từ trang đầu đến trang cuối, chỉ có vài cụm từ như "ra đi", "lên đường" và "trôi". Còn Dự - anh Tìm Nội, chọn gắn bó với chuyến xe và hàng trăm con đường vì sự lỗi lầm trong quá khứ khi vì câu nói trong lúc ham chơi: "Bà nội báo hại con quá. Phải bà chết sớm con khỏe" khiến nội bỏ đi. Bảy năm của Dự là sự tìm kiếm trong dằn vặt, đau đớn, để đến khi tìm được nội thì chỉ còn là "một ụ đất bên đường".
Cách đây ba năm, khi Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện, văn phong tác giả như cô gái quê mộc mạc, chân quê bỡ ngỡ lên thành phố. Cô gái khiến người ta thích thú vì lạ, vì nét mộc mạc nơi cô trước một rừng son phấn quá nhàm chán thường ngày. Lần trở lại này, vẫn là cô gái quê ấy, nhưng cô đã biết nói chuyện điệu đàng hơn, đã biết điểm trang và thay đổi vẻ ngoài một chút. Tuy vậy, nhưng độc giả trông chờ ở Gió lẻ và 9 câu chuyện khác sự đột phá cao hơn, mạnh mẽ hơn thế, đã không tìm thấy.
Có lẽ vì yêu quý nhà văn nên độc giả đã yêu cầu khắt khe quá chăng?