"Cô Bé Nhìn Mưa" là thiên hồi ức về một gia đình trí thức lớn trong bối cảnh những biến động của lịch sử Việt Nam gần suốt thế kỷ XX:
Hồi ức về quê nội trên rừng và quê ngoại dưới biển; Hồi ức về người cha, một học giả uyên bác và người mẹ, một phụ nữ dịu dàng tần tảo; Hồi ức về những người thân yêu in dấu sâu đậm suốt tuổi thơ, về các chị em ruột thịt và gia đình riêng, về bạn bè và đồng nghiệp…; Đó cũng là hồi ức về cách mạng và kháng chiến, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về những người lính trẻ đã ra đi không trở lại.
Nhà văn Nguyên Ngọc từng gọi Cô bé nhìn mưa là một lịch sử không ồn ào, bởi tác giả viết, cũng là đối thoại với chính mình, về cuộc đời. Đáng nói, Cô bé nhìn mưa được viết khi tác giả 78 tuổi – kí ức của một con người đi xuyên thế kỉ, có nét từng trải, sâu sắc, lịch lãm, am hiểu lẽ đời, lại vừa mang âm hưởng tươi vui hóm hỉnh của “Cô Bé Nhìn Mưa” bên cửa sổ làng Quỳnh năm nào. Hơn nữa, tác giả là người có tâm hồn biết cảm nhận và lưu giữ những ấn tượng bình thường của cuộc sống ngay từ nhỏ, biết kết hợp khéo léo khả năng phân tích của tư duy phương Tây và dòng cảm xúc liên tưởng của phương Đông. Bởi thế, đọc hồi kí của Đặng Thị Hạnh, không chỉ là đọc đời tư của một cá nhân, một con người rất cụ thể, mà là đọc về một thế hệ xưa để biết, để hiểu, ngoài ra còn là lắng nghe tiếng nói của một trí thức uyên bác về chính những “hồi ức” ấy. Đặng Thị Hạnh như tách ra làm đôi, một bên là dành cho ghi chép hiện thực, một bên là để chiêm nghiệm, suy ngẫm, nhất là số lượng trang không nhỏ kể về thế giới “sách vở”, vô cùng ấn tượng.
Lần tái bản này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam có sửa chữa và đưa thêm phần phụ lục giới thiệu một số bài điểm sách với những cái nhìn đa chiều về “Cô Bé Nhìn Mưa”, từ đó, bạn đọc có thể rút ra được nhận xét của riêng mình.