Nếu chúng ta là người tử tế, chúng ta sẽ quan tâm đến người khác, kể cả những người có xu hướng tự làm tổn thương mình. Tất cả chúng ta đều từng có bạn bè hoặc người thân có tiềm năng phát triển nhưng phung phí hoặc thậm chí là hủy hoại cuộc sống của họ vì những thứ như lạm dụng ma túy, quyết định chi tiêu thiếu khôn ngoan hoặc thói quen ăn kiêng không lành mạnh.
Sự quan tâm mà chúng ta dành cho người khác thường thúc đẩy chúng ta tán thành luật pháp hoặc các biện pháp can thiệp riêng tư nhằm giữ cho mọi người không làm hại bản thân ngay cả khi đó là điều họ muốn làm. Tuy nhiên, những biện pháp can thiệp mang tính “gia trưởng” như vậy không hề tốt và chúng có xu hướng khiến chúng ta quên đi rằng chúng ta nên để những người trưởng thành tự quyết định.
Trong cuốn sách "Triết Lí Của Người Ra Quyết Định Sai", William Glod đã dùng lý lẽ để chứng minh cho luận điểm rằng việc để cho những người trưởng thành đưa ra những quyết định dù là tồi tệ không xấu. Kể cả khi những lựa chọn đó có nguy cơ gây ra nhiều tác hại thì cũng không có vấn đề gì. Hầu hết những người bảo vệ chủ nghĩa gia trưởng cũng đều đồng tình rằng một số lựa chọn tồi không nguy hại đến mức phải nhờ đến luật pháp ngăn chặn chúng. Tuy nhiên, Glod còn đi xa hơn khi lập luận rằng một số người có thể muốn - và xứng đáng - được tự do đưa ra những lựa chọn thực sự tồi tệ bởi vì sự tự do đó là cách duy nhất để họ có thể hành động có trách nhiệm. Ông cũng lập luận rằng một số lựa chọn “tồi tệ” thậm chí không tệ như chúng ta nghĩ, ngay cả khi chúng ta không thể biết được mong muốn thực sự của một người.